Góc nhìn

Cầm dao đằng lưỡi: Nông dân bị thương lái Trung Quốc ép giá

Do chúng ta lệ thuộc vào một thị trường, sản phẩm kém, bán hàng chợ nên bị ép giá. TS Lê Văn Bảnh-Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cảnh báo.

TS Lê Văn Bảnh-Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL

Thời gian qua, báo chí liên tục phản ánh thông tin người nông dân khóc ròng vì giá nhiều loại nông sản như gạo, cao su, ớt đến vải, dưa hấu, xoài, thanh long... giảm mạnh do vào mùa thu hoạch rộ, thị trường tiêu thụ khó khăn. Người dân phải bán đổ bán tháo, thậm chí nhắm mắt chặt cây, vứt bỏ sản phẩm của mình dù họ đã đổ rất nhiều tiền bạc, công sức vào đó. Ông nghĩ gì về tình trạng này?

Cái này theo cung-cầu thôi. Khi sản xuất ra sản phẩm mà nguồn tiêu thụ không có, người nông dân bán không được thì hoặc phải giảm giá, hoặc là ế ẩm để hàng hóa hư hỏng phải đổ bỏ, người ta bắt buộc phải hạ giá bằng mọi giá để vớt vát được chút nào hay chút ấy.
 
Mặt khác, khi sản xuất, người nông dân thấy về lâu dài bán không được trong khi thứ khác chắc là được nên họ chặt cây này trồng cây khác.
 
Tuy nhiên, cái này còn có nguyên nhân sâu xa là vấn đề điều hành của Nhà nước.
 
Nhiều ý kiến cho rằng sau sự kiện Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 ở vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam, thị trường Trung Quốc chậm "ăn hàng" khiến nông sản rớt giá thảm hại. Tuy nhiên, rất lâu trước sự kiện này, tình trạng nông sản rớt giá đã xảy ra. Phải chăng chúng ta đã quá phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu Trung Quốc để rồi họ luôn nắm quyền chủ động, người dân khốn đốn mỗi khi thị trường xuất khẩu chơi khó?
 
Thị trường Trung Quốc chỉ là một phần. Chuyện trúng mùa rớt giá, trồng rồi chặt, đốn bỏ không phải năm nay mới có mà cả chục năm nay. Đó là vì Nhà nước chưa có chiến lược về sản xuất, tiêu thụ nông sản phẩm. Có điều hiện nay bức tranh có phần u ám hơn vì một số mặt hàng bán được cho Trung Quốc vì lý do này khác mà tình trạng rớt giá có thể diễn ra nhanh hơn, nặng hơn.
 
Xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc chiếm gần 42%, cao su chiếm  60%, thanh long chiếm 70%...  Hệ lụy của việc lệ thuộc vào một thị trường là thế nào, thưa ông?
 
Cái này rõ quá rồi. Nếu lệ thuộc vào một thị trường thì vì chuyện gì đó hay giận hờn gì mà họ có thể bất ngờ không mua nữa, thậm chí lợi dụng việc phụ thuộc, họ có thể đưa ra yêu sách không chỉ về mặt kinh tế mà còn về mặt chính trị.
 
Do đó, doanh nghiệp phải có tầm nhìn, đặc biệt là ngành công thương phải biết mở rộng nguồn tiêu thụ, chứ lệ thuộc vào một mình Trung Quốc rất dễ xảy ra nguy cơ đó.
 
Nhưng cũng phải nói thế này, sở dĩ chúng ta lệ thuộc Trung Quốc do Trung Quốc đông, mặt hàng của chúng ta phù hợp, chất lượng thấp. Trung Quốc có thể kiểm tra sơ sài gạo chứa dư lượng thuốc trừ sâu rồi cho nhập, trong khi xuất khẩu sang Nhật, Tây Âu, Bắc Mỹ họ kiểm tra rất kỹ lưỡng.
 
Vì thế Việt Nam cần có chiến lược dài hạn về sản xuất, tiêu thụ nông sản phẩm, định hướng thị trường, chứ cứ để nông dân làm ra rồi tự mua bán, bán không được ùn đưa sang Trung Quốc, họ không mua nông dân đành chịu thiệt.
 
Hàng trăm xe tải chở dưa hấu bị ùn tắc ở cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) hồi tháng 3/2014
 
Ở miền Nam vừa qua, dưa hấu vào mùa thu hoạch, hàng ngàn xe dưa hấu chết dí ở cửa khẩu do Trung Quốc ít nhập, hoặc xuất sang đó bị trả về. Một quả dưa 5-6kg bán ngay tại cửa khẩu chỉ có giá 5.000 đồng, chưa được 2 cốc trà đá. Trong khi đó, người tiêu dùng phía Bắc, đặc biệt là Hà Nội vẫn phải mua dưa hấu với giá cắt cổ 20-25.000 đồng/kg. Xoài, thanh long,... cũng rơi vào tình cảnh tương tự.
 
Phải hiểu nghịch lý này ra sao thưa ông? Sai sót, khiếm khuyết nằm ở đâu mà cuối cùng chỉ có người nông dân phải hứng chịu tất cả thua thiệt như vậy?
 
Do chúng ta lệ thuộc vào một thị trường, sản phẩm chất lượng kém, bán hàng chợ nên bị ép giá.
 
Vừa rồi Việt Nam trúng thầu bán 800.000 tấn gạo cho Philippines, thay vì yêu cầu người ta kiểm nghiệm gạo bên Việt Nam, đạt tiêu chuẩn mới cho chở đi và phải ký hợp đồng, ta cho kiểm nghiệm tại Philippines. Nếu không đạt thì hạ giá xuống thấp hoặc trả về. Nếu chở qua Philippines hàng trăm ngàn tấn rồi, chỉ cần họ nói không đạt, trả về là chúng ta chết. Vì thế kinh doanh buôn bán của Việt Nam cần tỉnh táo hơn.
 
Hiện nay các doanh nghiệp cứ mặc kệ nông dân thích trồng gì thì trồng, làm gì thì làm, cuối cùng nếu ký được hợp đồng thì bán.
 
Quay trở lại chuyện Việt Nam thắng thầu cung cấp gạo cho Philippines. Chúng ta thắng thầu với giá 370 USD/tấn, quy ra tiền Việt chưa tới 8.000 đồng/kg. Nếu mua gạo ăn tạm được ở Hà Nội cũng phải 12-15.000 đồng/kg, còn gạo ngon phải 15-20.000 đồng/kg. Nhưng với giá trúng thầu trên, nếu quy ra thóc, mua lại 5.000 đồng thì lỗ nặng, thành ra doanh nghiệp mua của nông dân 4-4.500 đồng/kg thôi. Mua như vậy phải lựa giống lúa chất lượng thấp.
 
Cách làm ăn của chúng ta tự phát, không có kế hoạch, định hướng. Cứ kéo dài như vậy, Nhà nước không có định hướng thì vài chục năm nữa nền nông nghiệp Việt Nam vẫn giậm chân tại chỗ.
 
Bên cạnh đó, thời gian qua nhiều thương lái Trung Quốc vào Việt Nam mua những nông sản quái dị, từ ốc bươu vàng, móng trâu đến rễ sim, đỉa, lá điều rụng... Người dân đương nhiên thấy lợi là bán. Thương lái Trung Quốc còn mượn tay thương lái VIệt Nam thu gom các mặt hàng dị biệt khiến họ bán hết tài sản gom hàng chờ nhưng rồi thương lái Trung Quốc biến mất. Rất nhiều lần người nông dân đã cả tin dại dột sập bẫy thương lái Trung Quốc như vậy. Ông lý giải chuyện sập bẫy nhiều năm thế này như thế nào? Đằng sau hành vi mua bán này là gì?
 
Để sập bẫy như vậy là do Nhà nước, chính quyền địa phương không cảnh báo nông dân để họ bị lừa. Tất nhiên nông dân đang khổ, cái gì bán được giá thì họ làm. Nhưng rõ ràng chúng ta không cảnh giác, không liên kết bà con nông dân lại, để xảy ra buôn bán trôi nổi như thế.
 
Chúng ta không biết thương lái Trung Quốc mua làm gì nhưng dường như thâm ý của họ là muốn phá hoại kinh tế. Họ không mua thịt mà mua móng trâu, không mua ngô mà mua râu ngô, không mua tiêu mà mua rễ tiêu... Các nhà quản lý lại chẳng có đối sách gì dù các vụ việc xảy ra triền miên, để rồi khi bị lừa mới báo là có chuyện đó. Rõ ràng là chúng ta không nhạy cảm chỗ này khiến bà con bị thua thiệt.
 
Nhiều năm qua các chuyên gia đã cảnh báo việc phụ thuộc vào một thị trường, thế nhưng cảnh báo dường như chỉ là để cảnh báo. Vấn đề then chốt để giải quyết tình trạng này là gì, thưa ông?
 
Chính phủ phải có một chiến lược chung về sản xuất và tiêu thụ nông sản phẩm. Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hầu hết các nước trên thế giới, do đó, các tham tán thương mại cần thăm dò thị trường, xác định tiềm năng của nông nghiệp Việt Nam, có thể bán được gì, nhu cầu chất lượng, tiêu chuẩn ra sao, làm sao để bán được hàng... Cái nào chúng ta chưa có thì nhờ các đơn vị khoa học nghiên cứu, hợp tác liên kết với nông dân để sản xuất theo đầu tư các vùng nguyên liệu đảm bảo về chất lượng.
 
Do bị bỏ bẵng nên nông nghiệp tự bơi, nông dân tự bơi, nếu cứ kéo dài tôi e ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ vẫn cứ u ám mãi.
 
Xin cám ơn ông!
Theo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo