Phân tích

Cam kết TPP trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm

(DNVN) - Các nước thành viên Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) phải cho phép tổ chức tài chính nước ngoài hoạt động trên thị trường của mình được phép chuyển thông tin dạng điện tử hoặc dạng khác vào và ra khỏi lãnh thổ nhằm mục đích xử lý thông tin vì các mục đích hoạt động kinh doanh thông thường.

Vào lúc 5h sáng hôm ngày 4/2 ( theo giờ Việt Nam) tại Auckland, New Zealand, đại diện nước chủ nhà cùng đại diện 11 nước thành viên khác đã đặt bút ký Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Như vậy, sau 10 năm kể từ khi có ý tưởng hình thành, 5 năm đàm phán với rất nhiều cam go do sự khác biệt lớn về trình độ, nhận thức và văn hóa giữa 12 quốc gia thành viên, Hiệp định TPP đã trở thành hiện thực.

Theo thống nhất của các nhà lãnh đạo các nước thành viên TPP, sau khi ký kết để xác thực lời văn Hiệp định TPP, Hiệp định sẽ được Chính phủ các nước trình Quốc hội phê chuẩn theo đúng quy định của pháp luật.

Ảnh minh họa.

Tham gia TPP, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước được sẽ hưởng lợi lớn, nhất là các lĩnh vực dệt may, da giày, đồ gỗ… khi có nhiều cam kết ưu đãi của các nước. Đáng chú ý, các nước thành viên TPP và Việt Nam cũng đã đưa ra các cam kết cụ thể khi gia nhập TPP trong lĩnh vực Ngân hàng, Chứng khoán và Bảo hiểm.

Cụ thể, về chuyển thông tin: Các nước TPP phải cho phép tổ chức tài chính nước ngoài hoạt động trên thị trường của mình được phép chuyển thông tin dạng điện tử hoặc dạng khác vào và ra khỏi lãnh thổ nhằm mục đích xử lý thông tin vì các mục đích hoạt động kinh doanh thông thường. 

Tuy nhiên, cơ quan quản lý của mỗi nước vẫn duy trì quyền áp dụng các biện pháp liên quan đến bảo mật dữ liệu, thông tin và bí mật cá nhân hay yêu cầu tổ chức tài chính nước ngoài phải xin cấp phép trước từ cơ quan chức năng đối với Bên tiếp nhận thông tin. 

Về dịch vụ thanh toán Điện tử cho các giao dịch bằng thẻ: Các nước TPP phải cho phép các công ty cung cấp dịch vụ thanh toán thẻ cung cấp dịch vụ thanh toán bù trừ cho các giao dịch thanh toán thẻ ở nước ngoài. 

Đối với Việt nam ta cam kết mở cửa thị trường này như sau: Mở cửa thị trường thẻ có mã quốc tế, cho phép các nhà cung cấp nước ngoài cung cấp qua biên giới các dịch vụ thanh toán bù trừ (không mở cửa thị trường thẻ nội địa). Bảo lưu quyền thực hiện các biện pháp nhằm mục tiêu quản lý như bảo mật thông tin khách hàng, các quy định quản lý phí giao dịch và các biện pháp để thực hiện mục tiêu chính sách công. Bảo lưu quyền yêu cầu chuyển mạch qua một cổng thống nhất tại đơn vị chuyển mạch thẻ quốc gia. 

 

Về dịch vụ quản lý danh mục đầu tư: Các nước TPP cam kết phải cho phép các tổ chức tài chính hoạt động trên lãnh thổ của nước thành viên khác được cung cấp các dịch vụ sau cho các Quỹ đầu tư tập thể nằm trong lãnh thổ của mình: Dịch vụ tư vấn đầu tư; các dịch vụ quản lý danh mục đầu tư (các dịch vụ ngân hàng giám sát; các dịch vụ ngân hàng lưu ký và thực hiện các dịch vụ phụ trợ không liên quan đến quản lý quỹ đầu tư tập thể).

Đối với Việt Nam, ta cam kết cho phép các tổ chức tài chính nước ngoài cung cấp dịch vụ tư vấn đầu tư và dịch vụ quản lý danh mục đầu tư cho các quỹ đầu tư trong nước theo phương thức 1 - cung cấp dịch vụ qua biên giới. Đồng thời, Việt Nam cho phépcung cấp dịch vụ cho công ty quản lý quỹ trong nước đối với phần vốn huy động nhằm mục đích đầu tư ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Cam kết về cung cấp bảo hiểm bởi các đơn vị bảo hiểm bưu điện: Cam kết không tạo điều kiện cạnh tranh thuận lợi hơn cho các tổ chức bảo hiểm bưu điện (bị trực thuộc hoặc chi phối, trực tiếp hoặc không trực tiếp bởi một tổ chức bưu điện) khai thác và bán bảo hiểm khi tổ chức này cạnh tranh trực tiếp đối với các nhà cung cấp bảo hiểm tư nhân. 

Cam kết này chỉ áp dụng đối với các tổ chức bảo hiểm bưu điện có thị phần nhân thọ hoặc phi nhân thọ lớn hơn 10% phí gốc tính đến thời điểm ngày 1/1/2013 và không ràng buộc nghĩa vụ cam kết đối với các tổ chức bảo hiểm bưu điện của các nước thành viên TPP trong tương lai được hình thành sau ngày ký Hiệp định TPP.

Việt Nam không bị ràng buộc bởi nội dung cam kết này vì các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm bưu điện của Việt Nam tính đến thời điểm 1/1/2013 có thị phần nhân thọ hoặc phi nhân thọ nhỏ hơn 10% phí gốc.

 

Nên đọc







VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo