Bất động sản

Cấm xây nhà cao tầng nội đô nên hay không

Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo yêu cầu thành phố Hà Nội dừng ngay các tòa nhà cao tầng tại khu vực trung tâm thủ đô, tuy nhiên UBND Hà Nội lại có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ nới lỏng lệnh cấm.

Sống theo diện tích hay sống theo môi trường 

Nói về vấn đề cấm hay không nên cấm việc xây nhà cao tầng trong khu vực nội đô, ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam chia sẻ quan điểm: “Đối với nội đô hạn chế nhà cao tầng là đúng. Nhưng hạn chế như thế nào còn tuỳ từng địa điểm, vị trí. Địa điểm, vị trí đấy có cầu nối ra sao, chứ không phải chỗ nào cũng cấm”.

Theo ông Hùng, nếu vẫn cái khu nhà đấy, ta xây thêm tầng nhưng mà giải quyết được đường đi lối lại cho người dân. Thay vì dàn hàng ngang, chúng ta nên chuyển đứng cho nó cao lên,  sẽ tạo ra một vị trí khác, kèm theo đấy có thêm một đường ngầm. Như thế hàng ngày đi qua sẽ giảm được mức độ, nó không chỉ giảm được vài trăm con người, mà còn giảm được phương thức cho người dân hoạt động, giảm mật độ đi lại.

Cũng nhà cao tầng ấy nhưng ở tầng 1 hay tầng 2 bố trí một trung tâm thương mại trong đó bao gồm hết các dịch vụ, người dân sẽ bớt đi chợ hơn, bớt đi cắt tóc, bớt đi nhà trẻ... và sẽ giảm bớt tắc đường. Tạo điều kiện cho một xã hội sống, bây giờ không phải sống theo diện tích mà sống theo môi trường xung quanh.

Ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội lý giải thêm: “Nếu như chúng ta nhìn ở các nước phát triển như Singapo, Trung Quốc trong nội đô không có nhà thấp tầng, hầu hết là nhà cao tầng san sát. Tuy nhiên, đó là câu chuyện của những nước phát triển. Chúng ta đang phát triển theo lộ trình, vì vậy nếu phát triển thiên về nhà ở cao tầng sẽ phá nát, làm ảnh hưởng ghiêm trọng tới cơ sở hạ tầng.

 Việc giải bài toán có lộ trình ấy là một thách thức đối với nhà quy hoạch và chính quyền thành phố. Nếu hạ tầng chưa cải thiện, chưa có hệ thống tàu điện, các tuyến metro ngầm chưa xong, chưa mở rộng các đường xương cá, chưa có diện tích công ích như bãi đỗ xe, chúng ta chỉ nghĩ việc ở nhà cao tầng sẽ là một vấn nạn cho vấn đề đi lại, chưa nói đến cứu thương, hỏa hoạn.

“Tất cả vấn đề trên đều liên quan đến một vấn đề hết sức quan trọng, đó là tầm nhìn đánh giá đúng với ý định của quy hoạch. Theo quan điểm của tôi, đó là chuyện đùa, là điều không bao giờ thực hiện được”, ông Cường nói. 

“Mới đây lại có chuyện ông Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội kiến nghị Bộ Xây dựng cho phép xử lý các chung cư cũ được phép cơi nới cao hơn. Vì nếu cứ để nguyên 5 tầng, số lượng lại vẫn thế thì sẽ không bán được. Như vậy lại để hai ông to nhất là ông Chủ tịch và ông Bộ trưởng kiến nghị Thủ tướng Chính Phủ cho phép tăng mật độ thì có phải là không đồng bộ. Cho nên theo tôi, vấn đề là phải có tầm nhìn một cách tổng thể, đánh giá từng vị trí, tuỳ từng nơi”, ông Trần Ngọc Hùng kiến nghị

Đấy là chưa kể, những dự án cấp phép rồi, giờ lại không cho người ta làm nữa sẽ nảy sinh nhiều vấn đề.,Người ta đầu tư tiền giải phóng mặt bằng, tiền hỗ trợ rồi, giờ lại không cho làm lại ảnh hưởng. Nhưng nếu cho xây, chỗ bãi đỗ xe không có, đường trên cao chưa làm, đường dưới chưa làm, trường học chưa có, bệnh viên chưa có, lại quá tải..

Sáng 20/8/2014, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã họp và cho ý kiến đối với Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc, mô hình công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử. Theo đó, phạm vi điều chỉnh của Quy chế này gồm 4 quận nội thành cũ (quận Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, phía bắc quận Hai Bà Trưng) với diện tích nghiên cứu khoảng 3.881ha. Dự thảo Quy chế cũng đã quy định khu vực không xây dựng cao tầng gồm: Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long quy mô khoảng 18,35ha, khu phố cổ diện tích khoảng 82ha, khu vực hồ Gươm và phụ cận diện tích khoảng 63,72ha. Khu vực hạn chế xây dựng cao tầng gồm: Trung tâm chính trị Ba Đình, khu phố cũ, khu vực xung quanh hồ Tây, khu vực hạn chế phát triển; khu Văn Miếu và phụ cận; khu vực cải tạo chỉnh trang, kiểm soát đặc biệt; khu vực cải tạo chỉnh trang, kiểm soát phát triển.
Như Trâm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo