Bất động sản

Cận cảnh những dự án bất động sản vốn ngoại

Hiệu quả của dòng vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản Việt Nam trong thời gian vừa qua khá hạn chế. Trước cơn suy thoái của thị trường, nhiều doanh nghiệp địa ốc với những dự án hàng trăm triệu USD vẫn nằm im bất động, bỏ hoang cho cỏ mọc um tùm.

Dự án bất động sản Daewoo Cleve đang

Hàng loạt các dự án chậm tiến độ

Tại khu đô thị Mỗ Lao (Hà Đông, Hà Nội), dự án Booyoung Vina do Công ty TNHH Booyoung Việt Nam làm chủ đầu tư sau 7 năm vẫn “đắp chiếu”. Tháng 2/2007, Công ty TNHH Booyoung (Hàn Quốc) tổ chức lễ khởi công xây dựng Khu chung cư quốc tế Booyoung. Tại thời điểm đó, Booyoung Vina được xem là một trong những dự án FDI rất tiềm năng khi có tổng mức đầu tư lên tới 171 triệu USD, chủ đầu tư là một trong 30 tập đoàn lớn nhất của Hàn Quốc chuyên về lĩnh vực BĐS. Nhất là thời điểm 2007 – 2008, BĐS đang phát triển rất “nóng” thì quy mô cũng như vị trí dự án gây chú ý lớn đối với giới đầu tư.

Thế nhưng, ngay sau khi khởi công rầm rộ thì dự án lại nhanh chóng rơi vào trạng thái “bất động”. Toàn bộ khu đất dự án được quây tôn kín, hoang tàn, không một bóng dáng công nhân. Đột nhiên, tháng 7/2011, dự án được “tái khởi động” bằng việc khởi công một khu chung cư. Tuy nhiên, ngay sau đó, lại tiếp tục đóng cửa bỏ hoang.

Cũng tại Hà Đông, dự án Daewoo Cleve do Tập đoàn Inpyung làm chủ đầu tư, bất động trong một thời gian dài. Dự án này còn hoành tráng hơn Booyoung Vina với số vốn đầu tư lên đến 421,5 triệu USD, gồm 15 tòa nhà cao 36 - 40 tầng. Được chủ đầu tư giới thiệu như một “ngôi sao mới”, nhưng không biết đến bao giờ dự án mới thi công trở lại.

Dự án đô thị Công viên ParkCity tại Hà Đông, Hà Nội từ ngày khởi công đến nay vẫn cỏ mọc um tùm, cọc sắt hoen gỉ. Cách đây ít lâu, ParkCity được biết đến như một dự án đình đám tại đường Lê Trọng Tấn, Hà Đông. ParkCity Hà Nội có quy mô 77,45 ha, với quảng cáo là nhà ở trong công viên. Chủ đầu tư dự án là Công ty CP Phát triển đô thị Quốc tế Việt Nam (VIDC) – công ty liên doanh giữa Perdana ParkCity (S) Pte (Singapore) và Công ty CP Đầu tư và Phát triển đô thị Vinaconex – Hoàng Thành. Giai đoạn I và II của khu đô thị ParkCity Hà Nội sẽ hoàn thành vào năm 2014 và toàn bộ dự án khu đô thị sẽ được phát triển và hoàn thiện đồng bộ trong vòng 10 năm.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, bên trong những vẻ đẹp hào nhoáng của những biển quảng cáo, những bồn hoa được chăm sóc kỹ lưỡng là công trường cỏ mọc um tùm, các trụ cột bê tông trơ lõi thép hoen gỉ. Theo quan sát của phóng viên, giai đoạn I của dự án mới chỉ xong phần móng, không có bóng dáng một công nhân nào, tiến độ thi công đang giậm chân tại chỗ.

Tại TP.HCM, dự án Green Hills, được chủ đầu tư - Công ty TNHH IDE Việt Nam – giới thiệu bao gồm có 5 phân khu, cung cấp hơn 3.000 căn hộ chất lượng cao. Một số khách hàng tin tưởng năng lực tài chính doanh nghiệp nước ngoài nhưng thực tế dự án này cũng không nằm ngoài danh sách chậm tiến độ.

Không ít các doanh nghiệp Hàn Quốc đã bị rút giấy phép hoặc tự rút khỏi thị trường. Trong đó, có thể kể đến Công ty TNHH Korean DM Lee rút khỏi dự án quy mô 100 ha tại Long An. Tỉnh Bình Thuận chấm dứt thỏa thuận với Công ty MK International về việc đầu tư dự án có vốn 900 triệu USD tại Phan Rang - Tháp Chàm…

“Mác ngoại” có thể đảm bảo được chất lượng?

Theo Đề án phát triển thị trường bất động sản đến năm 2020 đang được gửi lấy ý kiến các bên liên quan, Bộ Xây dựng nhận định, thị trường bất động sản Việt Nam thời gian qua đã thu hút một số lượng lớn vốn FDI tham gia vào đầu tư phát triển, đặc biệt là phân khúc nhà ở, góp phần vào phát triển kinh tế và tăng thu ngân sách.

Các nhà đầu tư nước ngoài thường có tiềm lực về tài chính, chính vì vậy, họ thường được lựa chọn làm chủ đầu tư các dự án bất động sản lớn. Ngoài ra, các nhà đầu tư này còn được kỳ vọng sẽ đem trình độ quản lý dự án chuyên nghiệp, quy trình quản lý chất lượng chặt chẽ và sử dụng công nghệ cao vào thị trường nội địa.

Tuy nhiên, khi thị trường bất động sản gặp khó khăn, các dự án có vốn đầu tư nước ngoài không còn đủ sức hấp dẫn trên thị trường, hàng loạt dự án 100% vốn nước ngoài hay liên doanh cũng chậm tiến độ, vướng mắc vào kiện cáo về pháp lý hay bán hàng bằng USD. “Mác” ngoại, vốn nội là thực tế của không ít dự án bất động sản mang danh có vốn đầu tư nước ngoài trị giá hàng tỷ USD nhưng trên thực tế khi triển khai lại huy động và sử dụng vốn trong nước.

Trong báo cáo vừa được UBND TP.Hà Nội gửi Bộ Xây dựng cho thấy, Hà Nội có 95 dự án bất động sản vốn đầu tư nước ngoài đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư với số vốn hàng trăm triệu USD. Tuy nhiên, số dự án đang triển khai đúng tiến độ rất ít, hầu hết các dự án đang rơi vào tình trạng chậm tiến độ.

Theo Kinh doanh và Pháp luật
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo