Cần giải quyết tình trạng “đô thị 3 không”
Đến nay đã có 10 khu đô thị mới với diện tích khoảng 446 ha đã được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, tại các khu đô thị mới, các công trình hạ tầng như trường học, bệnh viện, chợ, bãi đỗ xe... thiếu so với quy hoạch.
Phổ biến tình trạng đô thị “3 không”
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, đơn vị chủ trì triển khai việc giám sát thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng trong khu đô thị mới trên địa bàn Hà Nội, từ năm 2006 đến nay, Hà Nội phát triển khá nhanh các khu đô thị mới, khu tái định cư, khu nhà ở cao tầng... nhưng đa số các chủ đầu tư chưa quan tâm đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội nói chung, trường học nói riêng theo quy hoạch đã duyệt. Nhiều lô đất quy hoạch làm hạ tầng dịch vụ, hạ tầng xã hội như trường học, chợ, cây xanh bị bỏ hoang hoặc sử dụng không đúng mục đích. Do đó, tình trạng đô thị “3 không” khá phổ biến trên địa bàn.
Theo Lãnh đạo Sở KH&ĐT, nhiều đô thị đã sắp hết thời hạn thực hiện đầu tư nhưng chưa giải phóng mặt bằng (GPMB) xong và hầu hết các khu chưa GPMB đều rơi vào các ô đất quy hoạch xây dựng hạ tầng xã hội chứ không phải lô đất để xây nhà ở.
Trong số các chủ đầu tư đang triển khai các đô thị lớn như Linh Đàm, Ciputra, Nam Trung Yên... nhưng “quên” xây dựng hạ tầng có cả các Tập đoàn, Tổng công ty xây dựng khá uy tín như Tập đoàn Phát triển Nhà và đô thị (HUD), Công ty TNHH phát triển Khu đô thị Nam Thăng Long, Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội...
Đô thị Nam Thăng Long có quy mô dân số gần 4 vạn dân nhưng chỉ quy hoạch 1 lô đất để xây dựng trụ sở hành chính. Khu đô thị mới Linh Đàm gồm khu Bắc Linh Đàm và bán đảo Linh Đàm với quy mô trên 2 vạn dân nhưng không có quy hoạch đất cho trụ sở hành chính, y tế. Dân số của khu đô thị này lên tới hơn 20.000 người nhưng việc xây thêm các trường học trong khu đô thị chưa được tính đến, trường học khu này đã quá tải quá mức. Khu đô thị Trung Hòa – Nhân chính, quy mô dân số đã lên tới 18.000 dân nhưng chỉ có 2 trường mầm non, 1 trường tiểu học, 1 trường trung học cơ sở và 1 trường Trung học phổ thông.
Theo lý giải của Sở KH&ĐT, các công trình này được đầu tư theo phương thức... xã hội hóa nên tiến độ bị chậm. Hầu hết các khu đô thị mới đều thiếu các công trình văn hóa, thể thao cơ sở, nơi sinh hoạt cộng đồng của dân cư. Ví dụ khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính có tới 18 tổ dân phố nhưng chỉ có 1 nhà sinh hoạt cộng đồng với diện tích 100 m2. Các khu vui chơi giải trí, tập luyện thể thao, bãi đỗ xe tĩnh... không có!
Không chỉ chậm đầu tư các công trình hạ tầng, các chủ đầu tư còn “mạnh dạn” chuyển mục đích các lô đất đã quy hoạch làm các công trình hạ tầng xã hội sang xây nhà ở như Khu N, lô C3 xây trụ sở phường và lô đất quy hoạch bãi đỗ xe 7 tầng để xây trụ sở phường sang xây nhà ở.
“Thuốc đắng” với các chủ đầu tư
“Điều lệ quản lý Khu đô thị mà Sở Xây dựng Hà Nội dự thảo đang được gửi ở Văn phòng Cải cách hành chính của Hà Nội để rà soát tính hợp lý rồi mới trình lãnh đạo thành phố xem xét...”, ông Đào Anh Tuấn, Trưởng Phòng quản lý dự án, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết.
Ông Đào Anh Tuấn khẳng định, nếu Điều lệ quản lý khu đô thị mới được phê chuẩn thì tình trạng đô thị 3 không sẽ không còn xảy ra. Vì văn bản đã quy định phải xác định rõ: Các dự án hạ tầng xã hội trong đô thị mới như bệnh viện, trường học, chợ... ai là người thực hiện.
Ví dụ, trong khu đô thị mới quy hoạch có khu vực là trường công lập (vốn của quận, huyện đầu tư trong khu đô thị), có khu vực là do xã hội hóa (chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh), trong Điều lệ sẽ quy định rõ, cái nào của thành phố, cái nào của quận, cái nào của phường và cái nào của chủ đầu xã hội hóa. Trong đó sẽ ấn định luôn thời gian nào phải hoàn thành.
Ông Tuấn cho rằng, trước đây quyết định giao cho chủ đầu tư xây dựng đô thị ghi rất chung là dự án sẽ hoàn thành trong 5 năm hay 10 năm. Do quy định một khoảng thời gian dài như vậy nên các chủ đầu tư mới chạy theo lợi nhuận và “bỏ quên” trách nhiệm với các công trình hạ tầng.
Việc thiếu trách nhiệm nêu trên của các chủ đầu tư đô thị cũng không có ai đốc thúc vì không có cơ sở pháp lý nào cho việc giám sát, đốc thúc, xử lý. “Đặc biệt, trong điều lệ ghi rõ: Hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật phải đi trước một bước. Ví dụ, trong khu đô thị được quy hoạch nhà trẻ, trường cấp I, II, chợ, bệnh viện... thì các công trình này bao giờ xong. Ấn định tiến độ các công trình này phải xong trước nhà ở để dân đến ở là có đủ dịch vụ sống”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Liệu văn bản này có khả thi trong bối cảnh này khi mà vốn, thị trường bất động sản đang khó khăn? Câu hỏi này được đại diện Sở Xây dựng Hà Nội trả lời dứt khoát: “Khi Thành phố xét duyệt giao cho chủ đầu tư dự án, tức là chủ đầu tư đã chứng minh mình có đủ năng lực tài chính, ít nhất là 20% giá trị dự án. Bây giờ không thể nói là thị trường khó khăn, không có vốn xin hoãn. Trong điều lệ tới đây, phần chế tài đối với việc chủ đầu tư không thực hiện hoàn thiện các công trình hạ tầng dịch vụ, hạ tầng xã hội cũng sẽ rất cụ thể. Nếu không đầu tư sẽ bị thành phố can thiệp theo Luật đất đai, ví như cắt phần đó giao cho đơn vị khác”.
Theo Xuân Hương
Tin Tức
End of content
Không có tin nào tiếp theo