Hiệp hội doanh nghiệp

Cần làm luật sát với đối tác thực thi pháp luật

Dù hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động của DN của nước ta vẫn còn tình trạng “nói hay hơn làm”, nhưng với quyết tâm từ bộ máy lãnh đạo, nhiều bộ ngành đã có những sửa đổi để pháp luật phù hợp hơn, giúp ích cho DN. Để làm rõ hơn vấn đề này, PV Báo Hải quan đã có cuộc trao đổi với ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME).

 Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME).

Ông đánh giá như thế nào về những thay đổi của hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động của DN trong thời gian qua?

Trong môi trường kinh doanh, điều mà DN và các nhà tư quan tâm đầu tiên là hệ thống pháp luật. Hệ thống pháp luật càng thông thoáng, nhà đầu tư càng có “hứng khởi” để đầu tư kinh doanh, nếu không sẽ làm họ nản lòng và tìm đến địa phương, quốc gia khác để đầu tư.Chính vì nhận thức được vấn đề này, trong thời gian qua, các cơ quan Nhà nước đã và đang nỗ lực hết sức để điều chỉnh, thay đổi hệ thống pháp luật theo hướng thông thoáng, tạo hành lang rộng, bỏ bớt rào cản, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN. Những hành động này càng được củng cố hơn sau Nghị quyết 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ phát triển DN đến năm 2020.

Đăc biệt, Nghị quyết 71/NQ-CP phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7-2016 mới đây cũng nêu rõ một số nhiệm vụ cần triển khai, trong đó có việc xây dựng Chính phủ lấy DN làm đối tượng phục vụ, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh. Nghị quyết này đã đốc thúc các bộ, ngành tích cực rà soát hơn nữa để bãi bỏ các thủ tục không cần thiết, để luật mới không chồng lên luật cũ mà có sự thống nhất giúp DN hiểu và hoạt động dễ dàng hơn.

Đơn cử như những chuyển biến về thủ tục hành chính, thái độ phục vụ của CBCC tại các cơ quan công quyền tốt hơn, quy trình xử lý nhanh gọn hơn. Tiêu biểu như ngành Hải quan cũng đã đưa ra quy định giảm thủ tục hành chính trong quá trình XNK hàng hóa. Đây là hành động mang tính tiên phong, là hành động cụ thể chứ không hô hào, là lời nói suông. Điều này giúp tác động thêm cho môi trường kinh doanh thuận lợi hơn khi Việt Nam là nền kinh tế hướng đến XK, giảm nhập siêu.

Vừa qua, Chính phủ cũng đã tập trung xây dựng, phát triển Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Nếu luật này ban hành sớm thì về mặt hình thức, hệ thống pháp luật cho khu vực sản xuất kinh doanh đã hoàn chỉnh. Nói là hệ thống pháp luật hoàn chỉnh khi tất cả hoạt động liên quan đều hướng đến kinh doanh, đều được thể hiện trong luật, đảm bảo tất cả loại hình DN được kinh doanh bình đẳng, không bị DN khác lấn át. Hệ thống luật này cũng đảm bảo mọi loại hình DN được tiếp cận công bằng với mọi cơ hội phát triển, nguồn lực hỗ trợ từ Nhà nước.

 

Vậy thay đổi tích cực nhất của công tác trên nằm ở đâu, thưa ông?

Trước đây, người làm luật thường duy ý chí, yêu cầu đối tượng phải thực hiện theo. Tuy nhiên, gần đây, mỗi khi có những thay đổi và hay cần làm mới về luật, các cơ quan ban ngành luôn có văn bản, tổ chức hội nghị, hội thảo lấy ý kiến tham vấn tới từng hiệp hội ngành nghề, DN. DN và các hiệp hội phản biện nhiều hơn, giúp hệ thống pháp luật và những người làm luật có được sự gần gũi, biết được tính hợp lý để có biện pháp thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp.

Ví dụ như việc sửa đổi một số luật thuế của Bộ Tài chính vừa qua, cơ quan này đã xin gửi văn bản xin ý kiến hiệp hội, DN rất kỹ lưỡng. Hay mới đây, Tổng cục Hải quan cũng lấy ý kiến DN để thực hiện tốt hơn công tác cải cách, hiện đại hóa hải quan. Điều này không những giúp cải cách đến gần DN hơn mà còn tạo nên hình ảnh gần gũi, thân thiện với DN.Tôi nhận thấy các bộ ngành bây giờ đang làm luật theo “đơn đặt hàng”, nghĩa là làm luật trên những gì DN cần, DN muốn, nhưng phải trong khuôn khổ nguyên tắc hoạt động của Nhà nước và điều kiện đạo đức, chuẩn mực cũng như thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, hoạt động tham vấn này vẫn có thể làm tốt hơn, sâu hơn để DN, hiệp hội được đóng góp nhiều hơn.

Theo ông, đâu là những rào cản còn tồn tại để hệ thống pháp luật còn nhiều điểm chưa tạo lợi ích DN?

Hiện vẫn có những điều luật lại đặt ra điều kiện để DN được hưởng lợi hoặc tận dụng cơ chế. Ví dụ như Nghị định 19/2016/NĐ-CP về kinh doanh khí thay thế cho Nghị định từ năm 2009 đã có những quy định chặt chẽ hơn, với những “đòi hỏi” DN XNK muốn kinh doanh phải có những điều kiện phải có cầu cảng, hệ thống phân phối hợp quy định…

 

Trong khi DN Việt Nam có hơn 97% là DN nhỏ và vừa, vẫn còn thiếu và yếu về mọi mặt, những quy định đặt ra điều kiện về vốn, về quy mô, về cơ sở vật chất đã vô hình trung loại bỏ nhiều DN, đi ngược lại tiêu chí bình đẳng giữa các DN. Do vậy, pháp luật đặt ra điều kiện cần nhìn thẳng vào thực tế, để phù hợp với bối cảnh chung của DN Việt Nam.

Một vấn đề khác là pháp luật Việt Nam thường có luật khung, từ luật khung này sẽ ban hành nhiều nghị định, thông tư hướng dẫn khác, rồi thông tư sửa đổi của thông tư… khiến DN bị rối, không thể nắm được hết được những điều khoản này, điều khoản kia. Vì thế, các văn bản pháp luật nên có sự thống nhất và hướng dẫn rõ ràng ngay từ đầu để DN nắm bắt chính xác và nhanh chóng hơn.

Ngoài ra, hệ thống pháp luật nên có sự quan tâm đúng đắn và đầy đủ hơn nữa đến tầng lớp DN nhỏ, siêu nhỏ, DN yếu. Bởi đây là đội ngũ có số lượng nhân công lớn, tuy quy mô nhỏ những nếu gộp lại thì sẽ có sức ảnh hưởng lớn đến an sinh xã hội. Do đó, trong các chương trình xây dựng pháp luật, bao giờ cũng phải nhắc đến khu vực DN nhỏ và vừa. Nhà nước cần có giải pháp bổ sung nguồn lực mạnh mẽ, có chính sách riêng biệt đối với khu vực DN này.

Để tăng tính hiệu quả của việc sửa đổi luật hơn, DN và các cơ quan Nhà nước cần có những giải pháp nào, thưa ông?

Một chú ý quan trọng là khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với việc ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA), quy định trong nhiều FTA là pháp luật không có sự phân biệt, nâng đỡ giữa DN trong nước với DN nước ngoài, Nhà nước không được hỗ trợ, can thiệp quá sâu vào hoạt động của DN. Nên người làm luật cần chú ý khi triển khai và có sự tính toán kỹ khi xây dựng.

 

Khi ra quy định, các cơ quan làm luật nên phát huy thêm vai trò, đối tác thực thi pháp luật, phát huy vai trò giám sát của DN, hiệp hội. Cơ quan Nhà nước là đơn vị làm luật, còn DN và hiệp hội có vai trò tham vấn, cũng đồng thời là người kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật để có ý kiến ngay khi những điều luật phát sinh mâu thuẫn. Các bộ ngành cũng nên tạo cơ chế phản biện cho các tổ chức xã hội nghề nghiệp.

Cơ quan Nhà nước cũng cần tăng cường hướng dẫn, phổ biến luật pháp cho DN, đảm bảo quyền bình đẳng, công khai, minh bạch giữa các DN. Công tác thông tin tuyên truyền cũng cần được đẩy mạnh.

Đối với DN, việc thực hiện đúng và nghiêm túc các quy định của pháp luật là điều kiện tiên quyết. Bên cạnh đó, DN nên đứng ra có ý kiến, phản biện ngay khi có những quy định trái chiều, không hợp lý. Bởi Thủ tướng đã nhận định phải lấy DN tư nhân làm động lực cho sự phát triển và DN là đối tượng để Chính phủ phục vụ, do đó, DN phải phát huy tiếng nói, không nên để chịu thiệt thòi.

Xin cảm ơn ông!

Nên đọc
Theo Báo Hải quan
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo