Góc nhìn

Cần ngăn chặn nạn “loạn chữ”

Trao đổi với PV về chủ trương dẹp nạn “loạn chữ” trong đình chùa, di tích, PGS.TS Trịnh Khắc Mạnh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Hán Nôm cho rằng đây là việc cần làm.

TS Trịnh Khắc Mạnh nói về bản đồ trong sách “Khải Đồng thuyết ước” thể hiện chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

 

Năm 2014, ngành văn hóa làm được khá nhiều việc để khôi phục văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam trong đó có việc đưa ra khỏi các di tích các vật ngoại lai. Tôi cho rằng các cấp quản lý văn hóa cần thường xuyên quan tâm quản lý vấn đề này, nếu xao nhãng đi là các vật ngoại lai ấy sẽ trở lại các di tích lúc nào mà chúng ta không hay.

 

 Tiếp theo ngành văn hóa đề ra kế hoạch dẹp nạn “loạn chữ” trong các đình chùa, di tích văn hóa, theo tôi đây là việc làm rất cần thiết, nên có kế hoạch triển khai sớm để chỉnh sửa những bức hoành phi hay câu đối viết sai, viết nguệch ngoạc làm giảm giá trị vốn có của di tích văn hóa.

 

Quá trình những năm nghiên cứu, đi thực tế, ông có thể nêu ra những ví dụ về tình trạng “loạn chữ” trong đình chùa, di tích, hoặc những điều cần được chấn chỉnh?

 

Trong nhiều năm qua, cán bộ của Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã tham gia chỉnh sửa nội dung nhiều bức hoành phi, câu đối viết sai ở một số di tích văn hóa, thậm chí ngay cả những nơi tôn nghiêm, thiêng liêng nhất như Đền Hùng chúng tôi cũng tham gia chỉnh lý. Nhưng chúng tôi chỉ chỉnh sửa khi có yêu cầu của cơ quan quản lý văn hóa, hay báo chí nêu ra. Còn tình hình sai sót hay “loạn chữ” như hiện nay thì các cơ quan văn hóa cần có biện pháp ngăn chặn. Chúng tôi chỉ biết góp ý với các Ban quản lý di tích, mà không có thẩm quyền can thiệp.

 

Nhiều chữ viết lạ trên “hòn đá lạ” tại Đền Hùng.

 

Việc sử dụng chữ Hán dường như đã gắn với lịch sử của dân tộc ta. Vậy làm gì để vừa sử dụng được những tinh hoa của chữ Hán vừa tôn vinh được văn hóa Việt, thưa ông?

 

Việc sử dụng chữ Hán gắn với lịch sử văn hóa dân tộc ở nước ta đã trải qua nhiều thế kỷ, từ chữ Hán cha ông ta đã sáng tạo ra chữ Nôm, và bây giờ chúng ta sử dụng chữ Quốc ngữ. Một vấn đề được đặt ra là, người Việt Nam hôm nay có sự cách biệt về văn tự với ông cha mình các thế kỷ trước. 

 

Đại đa số người dân hiện nay không đọc được chữ Hán và chữ Nôm khắc trên bia đá, chuông đồng, biển gỗ, rồi các hoành phi, câu đối khắc ở các di tích lịch sử văn hóa tại các địa phương, mà chỉ chiêm ngưỡng vẻ đẹp thư pháp mà thôi. Có những ngôi đền xây mới năm 2014 hẳn hoi, nhưng câu đối hoành phi toàn bằng chữ Nôm, chẳng mấy ai đọc được; có nơi câu đối hoành phi làm bằng chữ Quốc ngữ, ai cũng đọc được, nhưng có người bảo không đẹp.

 

Vấn đề hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, đình, đền, chùa… xây dựng thời nay thì khắc chữ Hán chữ Nôm hay chữ Quốc ngữ là cả một vấn đề. Thiết nghĩ các cơ quan trong hệ thống quản lý văn hóa và các cơ quan chức năng nhà nước hiện nay cần vào cuộc, có những trao đổi, thảo luận để đưa ra định hướng đúng đắn.

 

Quá trình thực hiện việc dẹp nạn “loạn chữ” được dự kiến sẽ khó hơn rất nhiều với dẹp bỏ di vật ngoại lai. Ông có lời khuyên nào với những cán bộ thực thi nhiệm vụ này?

 

Đúng vậy, việc dẹp nạn “loạn chữ” là khó, cần một tổ chức, có các cơ quan phối hợp, rồi cần có một kế hoạch, một lộ trình, như: trước hết là chấn chỉnh ở các di tích cấp quốc gia đặc biệt, rồi đến cấp quốc gia, sau nữa là đến cấp các địa phương quản lý. 

 

Nhưng trước mắt là các nhà quản lý văn hóa cần ngăn chặn ngay việc cúng tiến vào đình, chùa và các di tích những đồ vật mới khi chưa có sự thẩm định của các cơ quan có thẩm quyền. Trong thời gian gần đây việc cúng tiến đồ vật vào đình, đền, chùa khá nhiều và có những đồ vật nội dung không phù hợp, sau báo chí lên tiếng lại phải chuyển đi, là điều đáng tiếc.

 

Cảm ơn ông. 

Theo Tiền phong
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo