Cân nhắc mức thu nhập của người vay vốn
Nên thả nổi lãi suất
PV: Thưa ông, dù chỉ mới manh nha ý tưởng nhưng gói tín dụng này đã gây xôn xao dư luận. Như vậy, nhu cầu là có thực?
TS Cấn Văn Lực: Đúng vậy, trong thời điểm hiện nay, việc kích cầu bất động sản là ý tưởng rất tốt. Gói tín dụng này có nhiều điểm mới. Thứ nhất là nó mở rộng được đối tượng. Thứ hai là nó cũng điều chỉnh một chút về mức thu nhập. Trước đây, chỉ có người thu nhập thấp thì nay hướng tới người thu nhập khá. Theo tôi, 25 triệu đồng ở thời điểm hiện nay đối với Việt Nam thì cũng không phải là quá lớn, khoảng hơn 1.000 USD đối với cả hai vợ chồng. Vấn đề khác nữa là liên quan đến cả việc đối tượng trao đổi chỗ ở, tức là chủ yếu là đối tượng đã có nhà và muốn đổi sang chỗ ở mới. Hiện tại, cung về nhà ở xã hội đang rất thiếu. Cụ thể là gói 30.000 tỷ đồng một phần vừa qua cũng không thực hiện được nhanh bởi vì thiếu các nguồn cung từ nhà ở xã hội. Trong khi đó, phân khúc nhà ở thương mại diện tích lớn đang rất nhiều nên việc chuyển hướng sang các dự án ở thương mại để kích cầu là rất đúng hướng.
PV: Vâng, nhưng thường người thu nhập khá thường thì họ sẽ chẳng cần phải vay tiền để mua nhà, nếu có vay cũng chỉ mấy trăm triệu đồng, chứ không ai dại gì để vay 2 tỷ đồng cho một căn hộ?
TS Cấn Văn Lực: Mức độ tối đa là 2 tỷ đồng, còn tất nhiên ông muốn vay bao nhiêu thì tùy. Ngân hàng chắc chắn cũng khuyến khích người vay có một phần vốn tự có của mình. Chẳng hạn trong số 2 tỷ đồng, nếu ông có được 500 triệu đồng thì sẽ rất là tốt, vừa thể hiện được tiềm lực tài chính và mức độ cam kết. Còn quan điểm của tôi, cần cân nhắc một chút về mức thu nhập cho nó phù hợp hơn. Bởi vì rõ ràng nếu như người ta có mức thu nhập cao, tầm 30 - 40 triệu đồng thì có khi người ta không mặn mà vay gói này. Do đó, cũng cần phải cân nhắc hơn một chút về thu nhập thì mới khả thi.
PV: Đối với một người mua nhà thì băn khoăn nhất hiện nay là lãi suất. Gói 30.000 tỷ đồng lãi suất 5%, còn gói 2 tỷ đồng là 7,5%, liệu lãi suất này có hấp dẫn người mua nhà không?
TS Cấn Văn Lực: Với người mua nhà, lãi suất 7,5% trong thời hạn vay 10 năm, như vậy là cho vay dài hạn thì nó là lãi suất khá hấp dẫn, vì hiện nay, lãi suất cho vay dài hạn đối với các doanh nghiệp, hộ cá thể bình thường cũng phải 10%. Còn với các ngân hàng, không ai có thể cố định lãi suất 7,5% trong vòng 10 năm, nên cần phải thả nổi. Hơn nữa, nếu cố định thì thực ra người vay cũng rất rủi ro. Thường người ta đưa ra cơ chế thả nổi là để cả hai bên cùng chịu rủi ro và cùng có lợi. Nghĩa là năm nay 7,5%, còn năm tới sẽ theo mặt bằng chung của thị trường, cộng thêm một mức chênh lệch nào đó.
3 điều kiện để triển khai
PV: Nhiều người nghi ngại rằng gói tín dụng này cũng sẽ bế tắc như gói 30 nghìn tỷ đồng?
TS Cấn Văn Lực: Khi dự thảo, NHNN sẽ làm kỹ hơn và rút kinh nghiệm từ những cái gì chưa được trong gói 30.000 tỷ đồng. Tôi nghĩ rằng, gói này sẽ thành công hơn vì một là nó có điều chỉnh, rút kinh nghiệm từ gói 30.000 tỷ đồng. Hai là, người dân cũng bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến những gói như thế này. Vấn đề của chúng ta là tháo gỡ cơ chế chính sách bằng cách phối kết hợp giữa các bên, ví dụ giữa NHNN với các UBND tỉnh, thành phố cùng vào cuộc. Ngoài ra, còn liên quan đến Bộ Tài chính, vì nó liên quan đến cả một phần về lâu về dài như thuế má, hỗ trợ lãi suất …
Còn với gói 30 nghìn tỷ đồng, hiện cũng đã thực hiện được 15 - 16%. Cũng phải nhìn nhận rằng đây là vấn đề mới, lâu nay Việt Nam chúng ta chưa có cho vay nhà ở nên vừa làm vừa phải tháo gỡ. Ngay như nước ngoài, ban đầu cũng mày mò, sau đó thì người ta mới làm thành công, dù họ có sự hỗ trợ rất mạnh từ Chính phủ, đặc biệt là cơ quan tái thế chấp cho vay. Điều này chúng tôi cũng đang đề xuất để thành lập.
PV: Xin ông cụ thể hơn về các giải pháp để gói tín dụng này khả thi?
TS Cấn Văn Lực: Thực ra để cho nó hấp dẫn thì phải có ba cách làm, hay là ba việc phải làm. Một là có cái định hướng chính sách mạnh mẽ từ phía Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng. Thứ hai là có hỗ trợ lãi suất thông qua tái cấp vốn. Thứ ba là tạo ra tính thanh khoản của thị trường mua bán nợ sau khi cho vay.
PV: Nếu thực hiện được, ông dự kiến gói này nó sẽ tác động đến thị trường bất động sản như thế nào?
TS Cấn Văn Lực: Nói chung là tích cực hơn một chút. Chỉ một chút thôi, vì rõ ràng cơ chế chính sách nước mình bao giờ cũng chậm, do đó phải làm quyết liệt và nhanh hơn. Thứ hai là gói này thực chất cũng chỉ một phần bổ sung thêm cho gói 30.000 tỷ đồng. Về thời điểm thực hiện, nên bắt đầu trong quý 4 năm nay, nếu muốn đạt được định hướng về mặt chỉ tiêu chung cho năm sau. Phải có thời gian như vậy thì nó mới thực sự đi vào cuộc sống.
PV: Xin cảm ơn ông!
End of content
Không có tin nào tiếp theo