Cẩn thận bẫy máy mới giá rẻ từ Trung Quốc
Doanh nghiệp (DN), hiệp hội các ngành sản xuất trong nước tiếp tục phản đối sự bất hợp lý về quy định hạn chế nhập khẩu máy móc cũ tại hội thảo lấy ý kiến DN hoàn thiện dự thảo Thông tư 20/2014 của Bộ KH&CN (quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng). Hội thảo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Bộ KH&CN tổ chức ngày 17-3 tại TP.HCM.
Máy móc cũ: Đau đầu xác định tuổi thọ
Ông Nguyễn Văn Dòng, Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam, cho biết Thông tư 20 là cần thiết để khắc phục tình trạng nhập máy móc, thiết bị lạc hậu, gây lãng phí, biến Việt Nam thành bãi rác gây ô nhiễm môi trường.
Song theo ông, tiêu chí thời gian sử dụng của máy móc sử dụng không quá 10 năm là không hợp lý. Một số loại máy móc, thiết bị có liên quan đến công nghệ thông tin, điện tử, kỹ thuật số thì niên hạn 10 năm là quá lạc hậu. Như ngành in, những loại thiết bị, sắp chữ, dàn trang hoặc máy in kỹ thuật số thì chỉ sau 5-7 năm là các cơ sở in muốn thanh lý, bán cũng chẳng mấy ai mua.
“Trong khi đó, những loại máy in truyền thống như in ống đồng, in Flexo, máy gia công thành phẩm thì 20 năm hoặc hơn nữa dùng vẫn tốt nếu là máy do Đức, Nhật, Ý… sản xuất. Các loại máy này với niên hạn sử dụng 10 năm như quy định dự thảo thông tư, muốn tìm mua như mò kim đáy bể, trừ khi công ty phá sản họ mới thanh lý. Rõ ràng tiêu chí này thiếu cơ sở khoa học và tính thực tiễn gây khó khăn cho DN” - ông Dòng phân tích.
Về tiêu chí máy móc cũ nhập về chất lượng phải còn từ 80% trở lên, ông Trương Quốc Tuấn, Công ty CP Máy công cụ và thiết bị T.A.T, cho là không sát với thực tế do không có tiêu chí kỹ thuật rõ ràng trong việc đánh giá chất lượng. Hầu như không thể xây dựng một tiêu chí kiểm tra, đánh giá chung cho tất cả chủng loại máy móc, công cụ. Các nước phát triển như Mỹ, Đức, Nhật, châu Âu và trong khu vực như Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan… đều không cấm hoặc giới hạn nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng và cũng không quy định về chất lượng. Họ chỉ quy định các tiêu chí về nguồn gốc, xuất xứ máy móc cũ nhập về, kiểm tra chất phóng xạ và các tiêu chuẩn về môi trường.
Ông Tuấn góp ý: “Tiêu chí chất lượng 80% mù mờ không có cơ sở đánh giá dễ tạo ra phiền hà về thủ tục, thời gian, chi phí cho DN và dễ xảy ra tiêu cực. Nên chăng hiệp hội hoặc đại diện ngành rà soát xây dựng danh mục các loại máy móc (được đánh giá tốt về chất lượng) mà ngành đó cần nhập khẩu. Bộ, ngành quản lý sẽ dựa trên thông tin mà hiệp hội cung cấp ban hành danh mục, tiêu chuẩn chất lượng cho từng loại máy móc, thiết bị của từng ngành”.
Nên ưu đãi thuế khi nhập khẩu máy mới
Theo ông Nestor Scherbey, Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam, dự thảo thông tư này nhằm mục đích khuyến khích nhập khẩu máy móc mới hiện đại để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng đáng tiếc lại tác dụng ngược. Thực tế, năng lực DN Việt Nam quá yếu, DN nhỏ và vừa không đủ sức mua máy móc mới, nếu hạn chế họ nhập khẩu máy móc cũ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất. Chưa kể quy định này ngăn cản hoạt động đầu tư của các DN nước ngoài vào Việt Nam. Ví dụ, Công ty First Solar đã xây dựng nhà máy trị giá 300 triệu USD nhưng cuối cùng họ lại sang Thái Lan hoạt động. Lý do vì quy định tiêu chí nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng của Việt Nam khiến họ không thể vận chuyển các máy móc, dây chuyền công nghệ họ đang sử dụng ở các nước đem về Việt Nam lắp ráp, sản xuất.
Ông Nestor Scherbey đề xuất nên gỡ bỏ quy định về tuổi thọ của máy móc mà giữ lại tiêu chuẩn chất lượng. Tiêu chuẩn chất lượng sẽ dựa trên tiêu chuẩn chất lượng của ngành đối với máy móc, thiết bị cụ thể thay vì đưa ra một cách tiếp cận chung chung. Bên cạnh đó cần đưa ra các quy định ưu đãi về thuế, thủ tục hải quan cho việc đầu tư thiết bị, công nghệ mới. Các quy trình thủ tục hành chính về độ an toàn, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường cần đơn giản hóa bổ sung vào cơ chế một cửa.
Đại diện Hội Cơ khí TP.HCM cho biết hiện nay cả thế giới chỉ có Trung Quốc và Ấn Độ là có quy định về nhập khẩu máy móc cũ. Thế nhưng họ không quy định về tiêu chí tuổi thọ, chất lượng cứng nhắc như Việt Nam. Còn ở Nhật, Hàn Quốc, trong dây chuyền công nghệ hiện đại của mình họ vẫn nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng từ các nước khác nhằm tiết kiệm chi phí. DN nào kê khai sai lệch về giá trị máy móc nhập khẩu sẽ bị phạt rất nặng, có thể bằng với giá trị kê khai.
End of content
Không có tin nào tiếp theo