Góc nhìn

Cần thay đổi chính sách nhà công vụ

Hơn 100 ý kiến phản hồi câu chuyện “Vì sao quan chức chưa trả nhà công vụ?(Tuổi Trẻ ngày 30-11) đã bày tỏ sự bất bình trước việc có nhiều quan chức về hưu vẫn không chịu trả lại nhà công vụ.
 
         
Tôi không đồng tình với quan điểm của một số người được thuê nhà ở công vụ trong khi đương chức nhưng về hưu nhiều năm rồi lại chưa chịu trả nhà khi cho rằng do “không thấy ai đòi lại” hay “trả nhà rồi biết ở đâu?”.
 
Chúng ta đã có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật rất đầy đủ, chặt chẽ về việc quản lý, sử dụng nhà ở công vụ: Luật nhà ở 2005, nghị định 71/2010/NĐ-CP hướng dẫn Luật nhà ở, nghị định 34/2013/NĐ-CP về quản lý và sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, quyết định 09/2008/QĐ-TTg quy định nguyên tắc thiết kế và tiêu chuẩn sử dụng nhà ở công vụ, thông tư 16/2010/TT-BXD hướng dẫn Luật nhà ở, đặc biệt là gần đây nhất có thông tư 01/2014/TT-BXD hướng dẫn việc quản lý nhà ở công vụ.
 
Các quy định này đều yêu cầu cán bộ, lãnh đạo được thuê nhà ở phải trả lại nhà cho đơn vị quản lý, vận hành nhà công vụ trong thời hạn ba tháng từ khi “không còn nhu cầu sử dụng, không còn tiêu chuẩn thuê nhà công vụ, không còn giữ chức vụ lãnh đạo, khi chuyển công tác đi nơi khác...”, đồng thời cũng quy định rõ họ “không được chuyển đổi hoặc cho thuê lại dưới bất kỳ hình thức nào”.
 
Chỉ có thể giải thích lý do họ chưa trả lại nhà công vụ khi cả bên cho thuê (đại diện của Nhà nước) và bên thuê không chủ động tôn trọng các quy định pháp luật.
 
Thêm vào đó, nhiều người đã về hưu chưa trả nhà công vụ lại không còn sử dụng nhà mà cho thuê, cho con cháu ở. Đây là việc làm trái luật và cần phải dừng lại.
 
Cũng từ đây, đã đến lúc phải nhìn lại hiệu quả của chính sách phát triển quỹ nhà ở công vụ, nhất là nhà ở dạng biệt thự. Một căn nhà công vụ biệt thự phải bỏ ra hàng chục tỉ đồng để xây dựng.
 
Thấp hơn, những căn nhà công vụ kiểu chung cư cũng có giá cả tỉ đồng (hiện nay diện tích nhà công vụ dạng biệt thự tối thiểu từ 250m2, nhà chung cư tối thiểu 45m2 trở lên).
 
Thế nhưng, ai cũng biết giá cho thuê theo bảng giá và phương pháp tính của Bộ Xây dựng và các địa phương thì chẳng đáng là bao, nhiều người ở nhà công vụ lại còn được cơ quan trả tiền thuê nhà (thực chất là tiền từ ngân sách). Chỉ cần nhẩm tính đơn giản cũng thấy rõ ràng hiệu quả không cao, ngân sách cáng đáng quá lớn để duy trì nhà ở công vụ.
 
Vậy nên, cần hạn chế việc phát triển nhà ở công vụ, đặc biệt tại các thành phố lớn. Chỉ nên tập trung duy trì nhà ở công vụ cho các địa phương vùng sâu, vùng xa để thu hút, động viên cán bộ về công tác, hoặc dành cho lực lượng vũ trang, giáo viên về đây làm việc...
 
Nhà nước nên mạnh dạn chuyển dần sang cơ chế khoán tiền nhà cho cán bộ, lãnh đạo, công chức thuộc diện cần sử dụng nhà công vụ để tăng tính linh hoạt, tiết kiệm ngân sách nhà nước và hạn chế tình trạng khó đòi lại nhà.
 
Chẳng hạn, nếu khoán cho người thuộc diện thuê nhà số tiền 5-30 triệu đồng/tháng (tùy tiêu chuẩn được thuê nhà chung cư hay biệt thự) để tự lo nhà ở sẽ được nhiều cái lợi: cán bộ được tự chủ hơn khi chủ động đi thuê nhà phù hợp, ngân sách không phải bỏ ra số tiền quá lớn để xây dựng và duy trì số lượng lớn nhà công vụ, cũng không cần có hẳn một cơ quan quản lý nhà công vụ với những chi phí tốn kém cho bộ máy hoạt động, nhất là không phải gặp những rắc rối và khó xử nếu cán bộ cấp cao về hưu mà chưa tự giác trả lại nhà...
 
 

 Ủng hộ việc công khai tên người chưa trả nhà

 
Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc phản hồi câu chuyện quan chức chưa trả nhà công vụ khi đã về hưu, không còn tiêu chuẩn sử dụng.
 
Bạn đọc Đỗ Quang Đán đặt vấn đề: “Chưa ai đòi thì tôi chưa trả! Rất lạ cho cách biện minh này. Nếu khóa nọ nối khóa kia mà nhà công vụ các vị không trả lại khi đã về hưu, khi không làm việc nữa thì Nhà nước phải làm bao nhiêu nhà công vụ cho đủ?
 
Ở đây đã lộ ra cách quản lý, sử dụng nhà công vụ quá lỏng lẻo của cơ quan quản lý nhà công vụ. Có sự nể nang chăng? Nếu như các vị trao quyết định hưu cũng trao luôn quyết định trả lại nhà đối với người đã được ở nhà công vụ thì đâu nên nỗi?”.
 
Cũng cùng ý kiến như vậy, bạn đọc Nguyễn Trung Kiên cho rằng: “Các vị trả lời theo kiểu ngụy biện cả. Nghị định số 34/2003/NĐ-CP đã quy định rõ nhà công vụ chỉ được ở trong thời gian còn đương chức về quản lý nhà nước.
 
Hết thời hạn đó (không làm quản lý nhà nước nữa), tức là không đảm nhiệm chức vụ đó nữa, vậy nhà công vụ cần tự giác trả cho Nhà nước, không cần quyết định thu hồi.
 
Nói thật, với truyền thống cả nể của văn hóa VN, ở địa vị của các quan chức này chắc không ai tiện làm quyết định thu hồi đấy thôi”.
 
Đi vào hướng bàn giải pháp thu hồi những nhà công vụ của người không còn tiêu chuẩn mà vẫn chưa trả nhà, nhiều bạn đọc đồng tình với biện pháp cần công khai tên những người chưa chịu trả nhà.
 
Bạn đọc Quang Vinh phân tích: “Công bố công khai tên tuổi những người chưa trả nhà là sử dụng công luận hỗ trợ cho người có trách nhiệm thi hành. Nếu chỉ riêng người có trách nhiệm đứng ra đòi nhà, mọi áp lực sẽ đè nặng lên cá nhân họ và họ cũng dễ vì nể nang, vì những áp lực vô hình mà không thể xử lý nghiêm.
 
Còn khi người có trách nhiệm bị bắt buộc phải báo cáo danh sách người dây dưa không trả nhà công vụ, họ bắt buộc phải công khai và họ có chỗ dựa là công luận để ép người cố tình dây dưa phải thực hiện nghĩa vụ trả nhà”.
Theo Tuổi Trẻ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo