Càng để lâu, "sửa" hệ thống ngân hàng càng tốn kém
Ông Phạm Hồng Hải, tân Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam cho rằng, muốn hội nhập hoàn toàn với kinh tế thế giới, muốn trở thành đối tác bình đẳng của các nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam không nên trì hoãn việc nâng chuẩn hệ thống ngân hàng.
Năm 2015, theo ông, chính sách tiền tệ sẽ theo hướng thận trọng nới lỏng hay tiếp tục thắt chặt?
Nền kinh tế Việt Nam có nhiều khả năng sẽ khởi sắc hơn trong năm 2015. Tuy nhiên, tôi không kỳ vọng có sự thay đổi lớn về bức tranh kinh tế vĩ mô.
Chúng ta cần nhìn nhận nền kinh tế thế giới vẫn đang tiếp tục trải qua thời kỳ phục hồi chậm chạp. GDP tăng trưởng chậm cùng lạm phát thấp hơn mục tiêu là hình ảnh thường thấy của các nền kinh tế đã phát triển. Hiện tượng này đang diễn ra tại rất nhiều nước đang phát triển.
Tuy nhiên, các hiệp định thương mại song phương đã và đang được ký kết cộng với kỳ vọng về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ thúc đẩy tốc độ tăng trưởng cao hơn trong năm 2015. Chính sách tiền tệ nhiều khả năng tiếp tục thận trọng và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ổn định.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nới lỏng chính sách tín dụng, song xem ra vẫn khó giải quyết bài toán thanh khoản đang dôi dư? Liệu sức hấp thu vốn của nền kinh tế năm tới có cải thiện so với năm nay khi sức cầu thị trường được dự báo vẫn yếu?
Sức hấp thụ vốn của nền kinh tế sẽ tốt hơn trong năm 2015. Tuy nhiên, tôi không kỳ vọng có sự thay đổi đột biến do sức cầu của nền kinh tế vẫn còn yếu và kinh tế thế giới vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn.
Hiện các ngân hàng vẫn phải giải quyết bài toán thanh khoản dư thừa ngắn hạn, dẫn đến việc cạnh tranh khốc liệt trong việc cho vay bằng việc hạ lãi suất vay, trong khi tốc độ giãm lãi suất huy động chậm hơn rất nhiều. Các ngân hàng cần hết sực thận trọng, vì việc cạnh tranh bằng mọi giá có thể tạo các khoản lỗ cho ngân hàng và đẩy nợ xấu tăng cao.
Tình hình hoạt động ngân hàng trong năm tới có khả quan hơn hay sẽ gặp khó khi phải áp dụng các quy chuẩn mới hướng đến thông lệ quốc tế, thưa ông?
Các ngân hàng vẫn sẽ phải đương đầu với nhiều khó khăn, như cầu tín dụng yếu, sức khỏe các doanh nghiệp chưa thực sự phục hồi, nợ xấu vẫn cần tiếp tục được xử lý… Ngoài ra, các quy định của NHNN được thực hiện trong năm 2015 cũng là một thử thách lớn cho một số ngân hàng. Tuy nhiên, muốn hội nhập hoàn toàn với kinh tế thế giới, muốn trở thành đối tác bình đẳng của các nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam cũng sẽ phải hội nhập với các quy định và luật lệ quốc tế.
Tôi tin rằng, các quy định là định hướng rất đúng đắn để nâng cao chuẩn mực, độ an toàn của ngành ngân hàng Việt Nam. Chúng ta không nên trì hoãn việc nâng chuẩn của hệ thống lên nữa, vì càng để lâu, chi phí để sửa chữa hệ thống sẽ càng lớn và sẽ mất nhiều thời gian hơn.
Ông nhận định thế nào về nợ xấu khi các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh bán nợ cho VAMC, nhưng để giải quyết tận gốc khoản nợ vẫn còn nhiều khó khăn?
Theo tôi, NHNN và VAMC đang rất tích cực trong chỉnh sửa các quy định của pháp luật để tạo sự uyển chuyển trong việc xử lý nợ xấu, bao gồm việc bán nợ xấu cho nhà đầu tư nước ngoài. VAMC cũng đang xem xét việc mua dứt điểm nợ xấu theo giá thị trường.
Ngoài ra, một số ngân hàng cũng đang tích cực tự xử lý nợ xấu, do họ nhận định, cách tốt nhất để giải quyết nợ xấu là xử lý nó thay vì chờ sự giúp đỡ.
Theo Đầu Tư
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo