Doanh nhân

Cảnh sát biển chuẩn bị phương án đối phó giàn khoan Nam Hải 9

Theo tọa độ Cục Hải sự Trung Quốc công bố, giàn khoan Nam Hải 9 đang kéo về biển Đông sẽ hạ đặt trong vùng thềm lục địa của Trung Quốc. Song, Cảnh sát biển Việt Nam đã chuẩn bị mọi phương án đối phó với các tình huống.

Tư lệnh cảnh sát biển Nguyễn Quang Đạm cho biết, theo thông báo của Cục Hải sự Trung Quốc, giàn khoan Nam Hải 9 sẽ được kéo đến tọa độ 17 độ 14,1 vĩ Bắc, 109 độ 31 kinh Đông trên Biển Đông. Nếu đúng theo tọa độ này thì giàn khoan Nam Hải 9 nằm sâu trong thềm lục địa của Trung Quốc 50-60 hải lý.

Giàn khoan dầu Nam Hải 9 của Trung Quốc. Ảnh: Chinanews.

Theo tướng Đạm, tọa độ giàn khoan Nam Hải 9 nằm ở phía nam Du Lâm (một căn cứ quân sự trên đảo Hải Nam), cách đảo Cồn Cỏ của Việt Nam 130 hải lý, cách đảo Lý Sơn 140 hải lý. Tại khu vực này, cách đây khoảng 5 năm Trung Quốc đã đặt vài giàn khoan và hiện vẫn hoạt động.

"Lực lượng Cảnh sát biển đang theo dõi hoạt động của giàn khoan Nam Hải 9 và chuẩn bị các phương án đối phó với mọi tình huống", Tướng Đạm khẳng định.

Trước đó, website Cục Hải sự Trung Quốc cho biết giàn khoan "Nan Hai Jiu Hao" (Nam Hải 9) sẽ di chuyển từ tọa độ 17 độ 38 vĩ Bắc, 110 độ 12,3 kinh Đông tới vị trí có tọa độ 17 độ 14,1 vĩ Bắc, 109 độ 31 kinh Đông trên Biển Đông trong thời gian từ 18 đến 20/6 với tốc độ 4 hải lý một giờ.

Giàn khoan này là loại nửa chìm nửa nổi, thuộc Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC). Trang Ifeng đưa tin, giàn khoan được cho là di chuyển khu vực gần quần đảo Hoàng Sa.

Đầu tháng 5, Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Suốt 47 ngày qua, Trung Quốc luôn duy trì hàng trăm tàu, máy bay, trong đó có cả tàu và máy bay quân sự, tàu cá vỏ sắt hộ tống giàn khoan, cản trở lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam làm nhiệm vụ. Các lực lượng của Trung Quốc còn hung hăng, đâm va, phun vòi rồng... làm hư hỏng nhiều tàu và làm bị thương nhiều kiểm ngư viên của Việt Nam.

Trước hành vi của Trung Quốc, Việt Nam đã ba lần gửi công hàm thông báo rõ tình hình tới Tổng thư ký Ban Ki-moon, đại diện các nước và tổ chức quốc tế. Đến nay Việt Nam đã có trên 30 cuộc giao thiệp ở các cấp và các kênh khác nhau, yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu hộ tống nhằm tạo một môi trường thuận lợi cho đối thoại. Trung Quốc không những không đáp ứng tích cực yêu cầu của Việt Nam cũng như kêu gọi của cộng đồng quốc tế, mà còn tiếp tục những hành vi sai trái.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo