Doanh nghiệp

Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ phí ‘chát’, doanh nghiệp vận tải bất bình

Tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ bắt đầu thu phí từ 30/6 tới. Đáng chú ý, dù được nâng cấp trên nền đường cũ nhưng mức thu phí của dự án này bằng mức thu tại các tuyến cao tốc đầu tư mới khác.

 

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 45/2015 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 23/5; Cty BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ (đại diện Chủ đầu tư) đang xây trạm, dự kiến thu phí từ 30/6.
 
Đường Pháp Vân- Cầu Gĩe đang thi công sửa chữa.
Mức thu phí dao động từ 10 nghìn đến 180 nghìn đồng/lượt, tùy theo đoạn tuyến và loại phương tiện. Trong đó, với đoạn tuyến từ ngã ba Pháp Vân đến đầu đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, xe dưới 12 chỗ (hoặc xe tải dưới 2 tấn, xe buýt) chịu phí 45 nghìn đồng/lượt. Xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng bằng container 40 fit chịu mức phí 175 nghìn đồng.
 
Đoạn tuyến có mức phí cao nhất là đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ - Hà Nam và ngược lại, với mức thu từ 45 nghìn  đến 180 nghìn đồng/lượt, tùy loại phương tiện. Vé tháng trên tuyến từ 300 nghìn đến 5,4 triệu đồng. Vé quý từ 810 nghìn đến 14,580 triệu đồng, tùy theo đoạn tuyến và loại phương tiện.
 
Với phương án thu phí này, dự án có đơn giá 1.500 đồng/km (tính cho loại xe tiêu chuẩn, dưới 12 chỗ ngồi), bằng với mức thu tại các tuyến đường cao tốc làm mới như Cầu Giẽ - Ninh Bình, hay Nội Bài – Lào Cai. Trong khi đó, theo quyết định đầu tư dự án này, giai đoạn I được nâng cấp trên nền tuyến hiện hữu; toàn tuyến chỉ được khai thác ở tốc độ 100 km/h.
 
Dù mức thu này chưa chính thức được triển khai trong thực tế nhưng nhiều người đã bày tỏ e ngại. Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nói: “Đây là tuyến đường được tân trang lại nhưng mức thu bằng tuyến đường mới đầu tư. Vì sao như vậy cần giải thích rõ ràng. Nhiều doanh nghiệp không đồng tình với mức thu này. Nếu phải nộp phí cao, giá cước vận tải chắc chắn tăng”. Đại diện các bến xe Hà Nội cũng đề cập đến khả năng tăng giá cước xe khách khi triển khai thu phí trên tuyến đường này. Tại các diễn đàn trên internet về ô tô, nhiều ý kiến (đặc biệt là những người đi qua tuyến này hằng ngày) cho biết, sẽ “né” tuyến đường này vì mức phí quá “chát”.
 
“Đắt” để rút ngắn thời gian hoàn vốn
 
Trả lời về vấn đề này, ông Phạm Thanh Bình, Phó Giám đốc Ban QLDA Thăng Long (thuộc Bộ GTVT, cơ quan có thẩm quyền quản lý dự án này) cho hay: Việc cho phép nhà đầu tư thu phí ở mức 1.500 đồng/km ngay sau khi hoàn thành giai đoạn 1 (nâng cấp mặt đường, giảm độ dốc, nắn thẳng trên tuyến cũ, chỉnh trang hộ lan...), Bộ GTVT đã đồng ý, quyết định ngay từ khi ký hợp đồng.
 
Ông Bình cho rằng, dù ở giai đoạn 1, dự án chỉ nâng cấp trên tuyến cũ nhưng tại dự án này, nhà đầu tư phải bỏ tiền ra giải phóng mặt bằng (hơn 1.600 tỷ đồng để mở thêm 2 làn trong giai đoạn 2). “Các dự án khác được nhà nước hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Ở dự án này, nhà đầu tư phải tự bỏ số tiền lớn. Nếu không cho thu phí ngay ở mức 1.500 đồng/km, họ không có khả năng hoàn vốn” – ông Bình nói.
 
Cũng ông Bình cho biết, vì được thu phí cao ngay từ đầu nên thời gian thu phí bị rút ngắn. Theo phương án ban đầu do Bộ GTVT xây dựng, thời gian thu phí dự kiến 23 năm, nay rút còn 17 năm 2 tháng 18 ngày.
 
Đại diện chủ đầu tư, ông Nguyễn Trọng Thảo, Phó Giám đốc Cty BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ lý giải: Dù là dự án nâng cấp nhưng để đạt được yêu cầu để phương tiện lưu thông với tốc độ cao, nhà đầu tư phải tăng khối lượng đào đắp để tạo độ phẳng của mặt đường, độ thẳng của hướng tuyến nên chi phí xây dựng xấp xỉ bằng đầu tư tuyến mới.
 
Trong giai đoạn đầu, do thi công nền đường bằng cấp phối đá dăm gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến an toàn giao thông nên Bộ GTVT yêu cầu nhà đầu tư chuyển sang dùng cấp phối bê tông nhựa rỗng. Quyết định này làm giảm khối lượng đào đắp, tiết giảm so với phương án cũ 250 tỷ đồng, dẫn đến giảm giá trị hợp đồng.
 
Về việc phương tiện lưu thông trên tuyến đường này chỉ đạt tốc độ 100 km/h nhưng thu phí ngang bằng các cao tốc xe được lưu thông tới 120 km/h, ông Thảo cho biết: Nhà đầu tư cam kết với Bộ GTVT, sau khi tuyến hoàn thành giai đoạn 2 (vào năm 2018) sẽ thảm toàn bộ mặt đường bằng vật liệu polyme (một loại mặt đường cao cấp nhất hiện nay) để phương tiện lưu thông tối đa 120 km/h.
 
Cty làm đường dự thảo thông tư cho Bộ Tài chính?
 
Dự thảo thông tư thu phí tại dự án do Cty BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ xây dựng. Thông tư do Bộ Tài chính ban hành được giữ nguyên như dự thảo của Cty này đề nghị.
 
Theo Tiền Phong
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo