Góc nhìn

Cáp treo xuyên vịnh Hạ Long: Nhất định không được làm!

"Nên hạn chế tối đa sự can thiệp của các hoạt động KTXH, hoạt động của con người làm biến dạng các di sản thiên nhiên".

Phải bảo toàn tính nguyên vẹn

Đó là những chia sẻ của PGS.TS.KTS Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội ngày 29/9, khi nhắc đến việc xây dựng tuyến cáp treo đi xuyên vịnh Hạ Long.
 
Bên cạnh đó, là người đã được nghe cụ thể về đề án này, ông Hanh chỉ rõ, việc xây dựng tuyến cáp treo này, đi kèm theo đó là bao nhiêu cột trụ, rồi hệ thống dây cáp, dĩ nhiên tất cả sẽ ảnh hưởng đến di sản, chính vì vậy, về nguyên tắc là không được làm. Mặt khác, Vịnh Hạ Long là di sản thế giới nên nếu UNESCO không cho phép thì cũng không được làm.
 
Chính vì thế, ông Hanh khẳng định: "Nên hạn chế tối đa những can thiệp của các hoạt động kinh tế - xã hội, hoạt động của con người làm biến dạng các di sản thiên nhiên như vịnh Hạ Long".
 
Theo quan điểm của ông Hanh thì các di sản thiên nhiên thế giới nói chung không được xây dựng thêm bất cứ công trình nảo, mà phải bảo toàn tính nguyên vẹn.
 
Tất nhiên, nhìn nhận từ góc độ tiện lợi, phục vụ cho du lịch thì đề án này đáng được ủng hộ. Nhưng cái tiện nghi sử dụng là một chuyện, nhưng cái này là luật pháp mà luật pháp, là công ước thế giới mà Việt Nam phải tuân thủ.
 
"Về nguyên tắc tôi khẳng định không được xây dựng, không được khai thác, vì nếu để tiếp cận di sản thì có nhiều cách để tiếp cận, có thể dùng máy bay, tàu thủy và một số phương tiện khác.
 
Mô hình cáp treo được xây dựng ở vịnh Hạ Long
 
Như Xiêm Riệp (Siem Reap) là thành phố du lịch nổi tiếng nhất Campuchia. Hàng năm, Xiêm Riệp đón hàng triệu khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới đến, chủ yếu để thăm quan khu đền cổ nổi tiếng Angor Wat. Cũng là một di sản, nhưng họ làm rất tốt, để tiếp cận di sản, du khách phải đi bộ chứ đâu cần phải có cáp treo mới tiếp cận được. Để thấy chúng ta có nhiều phương án lựa chọn", ông Hanh phân tích.
 
Du khách cần sự nguyên bản
 
Đưa ra quan điểm trước việc hiện nay rất nhiều các tập đoàn lớn đầu tư vào các dự án phát triển du lịch dựa trên các khu di sản, di tích hiện có, ông Hanh cho rằng, đó chính là chiêu thương mại hóa các di sản.
 
Tuy nhiên, ông cho rằng: "Thứ nhất, việc khai thác, phát huy và sử dụng các giá trị của di sản văn hóa, đây là một trong những nguyên tắc mang tính chất phục vụ cho vấn đề phát triển KTXH.
 
Thứ hai, nó sẽ làm cho các di sản sống động hơn, tuy nhiên có rất nhiều hình thức khai thác nhưng vẫn phải giữ tính nguyên vẹn của nó. Nói chung, tất cả các di sản trên thế giới họ cũng đều khai thác, nhưng họ biết lựa chọn phương thức phù hợp, không can thiệp, mất đi giá trị gốc của di sản, đó là nguyên tắc".
 
Bởi vì, theo những dẫn chứng ông Hanh đưa ra, thì tất cả các du khách cần sự nguyên bản, cần cái gốc để chiêm nghiệm.
 
Ví von rộng hơn, ông Hanh lấy ví dụ, di sản vịnh Hạ Long hiện nay cũng như một cô gái chân quê, đẹp chân phương, nhưng sau một thời gian, lại thẩm mỹ mũi, rồi các bộ phận khác, thì ai còn cảm nhận được vẻ đẹp chân phương nữa.
 
"Vịnh Hạ Long cũng như một cô gái chân quê vậy, vẫn đậm tính nguyên sơ, một trong những kỳ quan thiên nhiên được TG kính trọng, chính vì thế, khai thác tiếp cận phát huy giá trị là cần thiết nhưng không được can thiệp một cách thô bạo làm biến dạng đi giá trị gốc", ông Hanh khẳng định.
 
Còn câu chuyện tập đoàn Sun Group đầu tư trị giá 6.000 tỷ đồng cho dự án này, ông Hanh không nắm được, thế nhưng, theo ông thì việc các tập đoàn lớn muốn đầu tư xây dựng thì phải đưa ra thảo luận, xin ý kiến của nhiều bên, vì từ chủ trương đi đến hiện thực đâu phải đơn giản, cả một quá trình rất khó khăn. Câu chuyện này cũng giống như cầu Long Biên thảo luận đi thảo luận lại, bao nhiêu lâu, đến nay vẫn chưa có phương án thực hiện.
 
Vì thế, nên ông kết luận: "Chủ trương tiếp cận, khai thác và phát huy giá trị của di sản là cần thiết nhưng làm như thế nào còn là một câu hỏi khó mà cần nhiều bên đóng góp ý kiến, đưa ra những phương án đúng và phù hợp nhất".
 
Trước đó, trước đề án này, PGS.TS Đặng Văn Bài- Phó Chủ tịch Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, khẳng định, nếu đề án đáp ứng được 4 yêu cầu: "Một là,cầu cáp treo chạy song song nhưng trước hay sau cầu Bãi Cháy?
 
Hai là, tuyến cáp treo có đi vào vùng lõi, vùng nền hay ven bờ vịnh Hạ Long?
 
Ba là, hình dáng kiến trúc của cáp treo có góp phần làm đẹp khu vực đó hay không, hay như thế nào? Quá trình thi công có cắm cọc giữa lòng vịnh, ảnh hưởng môi trường di sản không?
 
Bốn là, vì đây là di tích lịch sử đặc biệt của quốc gia, 1 di sản thiên nhiên thế giới, 1 trong 7 kỳ quan thiên nhiên của thế giới, nên nếu xây dựng nằm trong vùng đệm chắc chắn phải có ý kiến của Bộ VHTT&DL, Hội đồng di sản quốc gia và Ủy ban UNESCO".
 
Ông Bài nhận định: "Nếu xử lý được hết những yêu cầu này thì nên ủng hộ, thậm chí hoan nghênh, còn nếu vi phạm một trong 4 thì hoàn toàn không!".
Đất việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo