Cây Mỡ...vàng tâm và cái tâm không vàng
Xung quanh hàng cây mới trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh sau chiến dịch chặt hạ cây hoa sữa đã có quá nhiều điều bí hiểm. Về nguồn gốc, lai lịch của loại cây mà Sở Xây dựng cho rằng “đó là cây vàng tâm”, có rất nhiều ý kiến phản bác.
Trên nhiều báo, các nhà khoa học đều đồng thanh lên tiếng khẳng định, cây mới trồng không phải cây vàng tâm mà chỉ là cây mỡ, có nơi còn gọi là mỡ vàng tâm, chẳng phải loại quý hiếm thuộc diện Sách Đỏ như Sở nói.
Mà buồn thay, cứ tưởng 4 cây mới thay một cách “bí hiểm” ở vị trí trước cửa khách sạn Bảo Sơn là các cây vàng tâm “xịn”, hóa ra lại cũng không phải, vẫn chỉ là mỡ mà thôi.
Phóng viên báo Nông nghiệp Việt Nam đã tìm lên tận hai xã Tân Thịnh, Đại Lịch, huyện Văn Chấn (Yên Bái) nơi vừa qua bán được mấy trăm cây mỡ với giá cao ngất ngưởng để tìm hiểu gốc tích thì được rõ:
Những cây mà nông dân ở đây bán đi là cây mỡ, không có tán lá rộng và rất nhiều sâu, chẳng báu bở gì, thế nên có người đến mua gom với giá cao, họ bán mà ngỡ như mình đang nằm mơ.
Thật là chuyện lạ đời, nông dân ở hai xã trên một tỉnh miền núi heo hút xa Hà Nội, bỗng nhiên bán được mấy trăm cây mỡ với giá cao. Trong khi ấy, có hàng trăm cây mỡ (do các nhà khoa học xác nhận hẳn hoi) mới được trồng ở đường phố Hà Nội lại được Sở Xây dựng khẳng định là “vàng tâm”.
Thế là thế nào nhỉ? Có bạn đọc thông thái nào thử kết nối hai dữ kiện này lại với nhau xem chúng có liên quan chút nào không?
Chắc nhiều người còn nhớ câu ca dân ta vẫn hay dùng để trêu các cô gái ở quê ra phố liền đổi ngay cái tên mộc mạc cha mẹ đặt cho: “Xưa em là Mận là Na/Từ khi ra phố em là Linda”. Có lẽ áp vào trường hợp này, chúng ta sẽ có câu: “Xưa em là Mỡ nuột nà/Từ khi ra phố em là vàng tâm”.
Nghĩ lại thấy thương một nhà khoa học lâm nghiệp là Lê Huy Cường ở Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp khi ông cả quyết lên tiếng với báo chí: “Cả đời tôi đi rừng, nghiên cứu và trồng rừng nhưng chưa bao giờ thấy cây vàng tâm to như cây trồng ở đường Nguyễn Chí Thanh.
Tôi là người trồng rừng, nghiên cứu bao nhiêu năm và tôi lấy cái đầu của mình ra để bảo lãnh cho chuyện này. Tôi khẳng định 100% đó là cây mỡ”.
Cái đầu của một nhà khoa học liệu có ý nghĩa gì trong chuyện này hay không, khi mà ngày 25-3, Sở Xây dựng Hà Nội đã đánh văn bản gửi tất cả các báo khẳng định cây trồng ở đường Nguyễn Chí Thanh là cây vàng tâm?
Thế đấy, ở quê thì chỉ là mỡ, thế mà trèo lên ô tô xuống đến phố phường lại được đổi sang thành vàng tâm danh giá, giá cao.
Nhưng chuyện đâu còn đó, mọi sự sẽ hạ hồi phân giải thôi bà con ạ. Chả mấy nữa khi bén rễ xanh tươi, hàng mỡ sẽ ra hoa, biết đâu chúng sẽ lại có sâu y như họ hàng thân quyến của chúng nơi núi rừng Yên Bái, thế là sẽ hai năm rõ mười.
Vàng tâm là một loài gỗ quý, sắp tuyệt chủng, các nhà khoa học tìm đỏ mắt còn không ra, thế mà Sở Xây dựng Hà Nội đã chỉ đạo thu thập được hàng trăm cây, thậm chí còn có cả cây dự phòng để mang đến thay trong đêm thì chứng tỏ các nhân viên của Sở quá tài giỏi.
Vậy các nhà khoa học còn đợi chờ gì mà không mau cắp sách đến học các nhân viên của Sở Xây dựng đi nhỉ? Mất công chong đèn đọc sách giương mục kỉnh nghiên cứu làm gì, rồi cũng sai bét cả.
Sự thật vụ vàng tâm hay mỡ ra sao, chỉ có trời biết đất biết và cái hàng cây “vàng tâm” đã được trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh biết mà thôi.
Là cây mỡ tuy được khoác áo “vàng tâm” nhưng muôn đời muôn kiếp chỉ là mỡ, cái tâm thì không thể khoác cho nó áo gì được. Cái tâm không vàng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo