Bất động sản

CBRE: Giá biệt thự, nhà liền kề tại Hà Nội tiếp tục tăng

(DNVN) - Theo Công ty quản lý và tiếp thị bất động sản CBRE Việt Nam, trong quý II/2015, giá trung bình thứ cấp đã tăng nhẹ 0,2% so với quý trước và 3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Như vậy, xu hướng tăng giá thứ cấp vẫn tiếp tục được duy trì trong 4 quý vừa qua, kể từ quý III/2014.
CBRE cho biết, hầu hết các quận đều ghi nhận mức tăng giá, đặc biệt là tại các quận Cầu Giấy, Hà Đông, Hoài Đức và Từ Liêm (3%-5% so với cùng kỳ năm ngoái). Đáng chú ý là các quận này đều tập trung tại khu vực phía Tây và Tây Nam của Hà Nội, nơi mà các điều kiện về dân số cũng như cơ sở hạ tầng đang ngày càng được cải thiện mạnh mẽ.  

Nguồn: CBRE.
Nguồn: CBRE.

Trong khi đó, khu vực huyện Mê Linh lại ghi nhận mức giảm giá mạnh nhất, đến 7,5% so với năm ngoái.  Hiện tại, các dự án tại huyện Mê Linh vẫn đang có tiến độ xây dựng rất chậm và cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện. 
Theo quan sát của CBRE, các căn nhà đã được hoàn thiện bên trong một khu đô thị xanh (diện tích cây xanh lớn) với đầy đủ cơ sở hạ tầng và tiện ích đang được ưa thích hơn so với các lô đất nền mặc dù các căn nhà này giá trị cao hơn.  Do phần đông người mua trong thời gian gần đây là những người mua để ở, do vậy họ quan tâm, chú trọng nhiều hơn vào cảnh quan nơi họ sinh sống cũng như các dịch vụ tiện ích mà họ sẽ được hưởng trong suốt quá trình sống tại đây. 
Hiểu được nhu cầu đang ngày càng tăng này, chủ đầu tư của nhiều dự án đã bắt đầu quan tâm xây dựng mới và thêm các dịch vụ tiện ích bên trong dự án của mình, như dự án Park City giai đoạn 2, Gamuda giai đoạn 2 và Splendora giai đoạn 2. Trái lại, các giao dịch đất nền lại khá ảm đạm. Phân khúc này phải cạnh tranh với phân khúc căn hộ để bán và đất thổ cư do cả ba loại hình này đều có mức đầu tư ban đầu tương đối giống nhau.  
Trong nửa cuối của năm 2015, những dự án biệt thự, nhà liền kề mới được kỳ vọng sẽ tham gia vào thị trường, bao gồm The Manor Central Park, Evelyne Park City, FLC Garden City, Gamuda giai đoạn 2 và Starlake. Các dự án này chủ yếu đến từ khu vực phía Tây và Nam của Hà Nội, nơi mật độ dân số đang tăng nhanh và cơ sở hạ tầng cũng đang được đầu tư phát triển mạnh mẽ. Điều này, một phần sẽ tạo thêm nhiều sự lựa chọn tốt hơn cho người mua nhà. nhưng đồng thời tạo thêm áp lực cho thị trường do các sản phẩm của phân khúc này chủ yếu hướng đến các đối tượng mua nhà ở phân khúc cao cấp. 
Thị trường văn phòng trầm lắng
Theo CBER, Quý 2/2015 không ghi nhận thêm dự án văn phòng nào mới tham gia vào thị trường. Theo luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi sẽ có hiệu lực từ 1/7, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ được phép cho thuê lại bất động sản mà họ đang thuê. Hơn nữa, họ có thể mua lại và sở hữu một tòa nhà đã được xây dựng hoàn thiện mà họ không phải là chủ đầu tư để sử dụng riêng. 

Nguồn CBRE.
Nguồn CBRE.

Đây được xem là một bước tiến quan trọng trong việc mở rộng hoạt động kinh doanh của các chủ đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, xu hướng cho thuê dài hạn hoặc bán sàn văn phòng đang trở nên phổ biến hơn, thậm chí với các tòa văn phòng chưa được hoàn thiện Loại hình kinh doanh này sẽ trở thành một kênh đầu tư mới khi các chủ đầu tư luông mong muốn đa dạng hóa các loại tài sản đầu tư của mình.  

Về diễn biến thị trường, xu hướng giảm giá chào thuê tiếp tục được duy trì do nguồn cung vẫn còn dồi dào. Cụ thể là, giá thuê trung bình Hạng A đã giảm 3,2% xuống còn 29 USD/m2/tháng trong khi giá thuê trung bình hạng B giảm nhẹ 0,1%, đạt mức trên 18 USD/m2/tháng. 
Thêm vào đó, trong suốt quý, thị trường văn phòng vẫn ghi nhận mức cầu tương đối mạnh, chủ yếu đến từ các tòa Hạng B với diện tích cho thuê mới trên 30,000 m2, gấp 3 lần quý trước. Tỷ lệ trống toàn thị trường đã giảm 3,9 điểm%, đạt mức 16,5%. Cụ thể là, tỷ lệ trống Hạng A và Hạng B giảm tương ứng 3,5 điểm% và 4,1 điểm% so với quý trước. 
Đáng chú ý, tỷ lệ hấp thụ đều được cải thiện tại hầu hết các khu vực chỉ ngoại trừ duy nhất khu vực trung tâm. Đây chính là lý do tại sao một số tòa văn phòng trọng điểm đã giảm giá thuê đáng kể để thu hút khách thuê mới. Thêm vào đó, tỷ lệ người đi thuê muốn thuê văn phòng trên 1,000 m2 đã tăng trong nửa đầu năm 2015 so với nửa đầu năm 2014, từ 8% lên tới 15%. Nhờ có nhu cầu thuê diện tích lớn tăng, tỷ lệ lấp đầy đã được cải thiện đáng kể.
Nửa cuối năm 2015 được kỳ vọng sẽ chào đón 8 dự án tòa nhà văn phòng mới với diện tích gần 240.000 m2. Nổi bật trong đó là tòa nhà Hạng A – TNR Tower (trên phố Nguyễn Chí Thanh) sẽ gia nhập khu vực văn phòng Đống Đa, Ba Đình vào Q4 2015. Các chỉ số phát triển kinh tế ấn tượng trong quý đã năng mức kỳ vọng cho cả năm 2015. Đây sẽ là một năm kinh tế tăng trưởng tốt, vì thế khuyến khích tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như thu hút các nguồn đầu tư mới, tạo điều kiện cho thị trường văn phòng khởi sắc hơn.
Đây là sự giảm giá lớn nhất của giá chào thuê Hạng A kể từ quý 3 năm 2012 trong khi lại là sự giảm giá nhẹ nhất của giá chào thuê Hạng B trong suốt năm vừa qua. Giá hạng A giảm mạnh nhất ở các khu vực trung tâm và các khu vực Đống Đa, Ba Đình với tỷ lệ tương ứng là 3,5% và 7,6% với hy vọng các diện tích trống lớn sẽ sớm được lấp đầy. Trong khi đó, khu vực phía Tây có dấu hiệu hồi phục khi giá chào thuê Hạng B tăng 2% và giá chào thuê Hạng A không giảm.
Thị trường Mặt bằng bán lẻ
Trong quý II/2 2015, với việc khai trương Đại siêu thị Big C, trung tâm thương mại Hồ Gươm Plaza tại Hà Đông được chính thức đưa vào tổng nguồn cung của Hà Nội, khiến tổng cung tăng 23,800 m2. Ngoài Big C, diện tích của dự án này cho các khách thuê chủ chốt lớn thuê như điện tử Trần Anh, rạp chiếu phim CGV và tiNiWorld.

Nguồn: CBRE.
Nguồn: CBRE.

Thị trường gần đây đón nhận những tín hiệu tốt về công suất cho thuê. Tỷ lệ trống của toàn thị trường giảm 1,5 điểm % so với quý trước, đạt 17,1%. Tuy nhiên, giá thuê giảm 6,9% so với quý trước và giảm 10,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này chủ yếu là bởi dự án mới mở có giá thuê thấp do nằm tại vị trí xa trung tâm và khách thuê của dự án chủ yếu thuê với diện tích lớn với giá ưu đãi. Giá thuê trung bình của khu vực trung tâm khá ổn định trong khi giá thuê của khu vực ngoài trung tâm giảm 8,6% so với quý trước. 
Các nhà bán lẻ trong và ngoài nước đều đang tăng cường sự hiện diện tại thị trường bán lẻ Việt Nam. Vingroup gần đây tuyên bố việc thành lập cửa hàng tổng hợp gồm 4 thương hiệu: Beauty Zone kinh doanh các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và mỹ phẩm, ShoeCenter, Sportworld vaf Fashion Megastore. 
Trong khi đó, nhà bán lẻ Thái Lan, Central Group, sau khi mở hai trung tâm thương mại tổng hợp Robins trong năm 2014, cũng đang mở rộng kinh doanh trong ngành siêu thị điện tử với việc mua 49% cổ phần siêu thị điện máy Nguyễn Kim. Tập đoàn này cũng đang đàm phán để mua cổ phần của một siêu thị điện máy lớn khác tại Việt Nam. 
Trong nửa cuối năm 2015, Hà Nội sẽ đón nhận một số dự án trung tâm thương mại quy mô lớn. Trong số đó, nổi bật nhất là trung tâm thương mại AEON có chủ đầu tư là nhà phát triển lớn Nhật Bản, quy mô rộng 108.000 m2 tổng diện tích sàn. Hai dự án lớn khác được Vingroup đầu tư phát triển, một dự án tại quận Đống Đa và một dự án tại quận Bắc Từ Liêm.

HÒA HẬU
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo