CDM - Doanh nghiệp trong nước đang lãng phí cơ hội
Cơ hội từ CDM
CDM là cơ chế phát triển sạch, một trong những cơ chế nằm trong Nghị định thư Kyoto nhằm ổn định nồng độ khí nhà kính và quy định về tỷ lệ giảm phát thải đối với các quốc gia phát triển. Hay có thể hiểu CDM là một cơ chế hợp tác quốc tế mới trong lĩnh vực môi trường giữa các quốc gia đang phát triển và các quốc gia công nghiệp hóa nhằm làm giảm phát thải khí nhà kính trên phạm vi toàn cầu.
Cơ chế CDM là một cơ hội cho các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam tiến tới mục tiêu phát triển bền vững.
Đối với những nước phát triển, để giảm một tấn CO2 cần khoảng 30 – 40 USD, trong khi đó, nếu bỏ ra số tiền hỗ trợ các nước đang phát triển đổi mới công nghệ sản xuất để giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính và mua quota khí thải từ những nước này thì họ sẽ chỉ mất khoảng 7,5 – 16 USD. Chính sự chênh lệch này đã hình thành nên thị trường mua bán chỉ tiêu khí thải.
Các nước đang phát triển sẽ nhận được các nguồn tài chính cho mục tiêu giảm phát thải khi nhà kính và phát triển bền vững, chuyển giao công nghệ, nâng cao và bảo tồn hiệu quả sử dụng năng lượng, sản xuất năng lượng theo hướng bền vững, xóa đói giảm nghèo, tăng cường phúc lợi xã hội và các lợi ích môi trường địa phương.
Doanh nghiệp tham gia phát triển dự án CDM, sẽ được sử dụng công nghệ tiên tiến, tiết kiệm nhiên liệu và năng suất cao. Khi dự án được Ủy ban điều hành CDM của Liên hiệp quốc (EB) công nhận và cấp chứng chỉ giảm phát thải (CERs), doanh nghiệp có thể bán chứng chỉ này trên thị trường quốc tế, thực hiện mục tiêu cam kết tại Nghị định thư Kyoto của các nước đang phát triển.
Tham gia CDM – lĩnh vực nào
Việt Nam là quốc gia thuộc nhóm không bắt buộc giảm phát thải khí nhà kính và đủ điều kiện làm nước chủ nhà dự án CDM
Một số những lĩnh vực được cho là tiềm năng khai thác CDM của Việt Nam là thu hồi khí mêtan từ bãi rác và quá trình khai thác than; sản xuất công nghiệp, nông nghiệp; trồng rừng và tái trồng rừng; vận tải; năng lượng.
Trong đó, lĩnh vực năng lượng đứng đầu trong bảng cơ hội tham gia CDM. Doanh nghiệp có thể lập những dự án năng lượng tái tạo với năng lượng gió, mặt trời, khí sinh học; hay tham gia cải tiến hiệu quả năng lượng bằng cách cải tiến công nghệ nhà máy điện, thu hồi nhiệt từ nhà máy năng lượng, cài đặt thiết bị sản xuất hai loại năng lượng từ một nguồn nguyên liệu; hoặc có những dự án về chuyển đổi năng lượng trong các tòa nhà sinh hoạt, giới thiệu các linh kiện tiết kiệm năng lượng.
Chính sách ưu đãi của Việt Nam đối với các doanh nghiệp tham gia dự án CDM được thể hiện rõ trong Quyết định số 130/2007/QĐ-TTg, trong đó quy định các doanh nghiệp sẽ được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án, hàng hóa nhập khẩu là nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước chưa sản xuất
Ngân Hà
End of content
Không có tin nào tiếp theo