Doanh nghiệp

CEO lãng mạn trên những dự án siêu sao

(DNVN) - Ông Lê Viết Hải – CT HĐQT kiêm TGĐ Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Tập đoàn Hòa Bình) chia sẻ, “niềm đam mê của tôi là được làm nhà thầu xây lắp của những dự án siêu sao”.

Phải rất khó khăn chúng tôi mới hẹn được lịch phỏng vấn ông Lê Viết Hải – CT HĐQT kiêm TGĐ Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Tập đoàn Hòa Bình). Ông sắp xếp cho chúng tôi làm việc đan xen trong thời gian trống của ông tại sự kiện Hòa Bình Golf Tournament 2017, giải đấu nằm trong chuỗi sự kiện kỉ niệm 30 năm thành lập Tập đoàn Hòa Bình.

Ông rất trẻ trung, khỏe khoắn trong trang phục áo thun quần tây, say sưa nói chuyện với chúng tôi về công việc và hoài bão của mình. Chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi biết ông không chơi Golf, mà “niềm đam mê của tôi là được làm nhà thầu xây lắp của những dự án siêu sao”, ông chia sẻ mở đầu câu chuyện.

Ông Lê Viết Hải – CT HĐQT kiêm TGĐ Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình.

PV: Thưa ông! Quay ngược thời gian 30 năm trước, có thể nói Tập đoàn xây dựng Hòa Bình tiền thân là mô hình kinh tế tư nhân ra đời rất sớm tại Việt Nam. Ngay tại thời điểm này, các cơ chế chính sách cho kinh tế tư nhân vẫn đang còn thiếu công bằng với các thành phần kinh tế khác thì tôi càng cảm nhận  rõ nét sự khó khăn bội phần của kinh tế tư nhân nói chung và của Tập đoàn Hòa Bình nói riêng thời đó. Vậy ông đã mở cho Hòa Bình lối đi như thế nào để bứt phá, vượt qua được những rào cản khó khăn khi đó?

Ông Lê Viết Hải : Không những rất khó khăn mà còn rất rủi ro nhưng buộc phải chấp nhận,khái niệm kinh tế tư nhân, doanh nghiệp tư nhân là rất mờ nhạt mặc dù nhà nước cho hoạt động nhưng không có chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, không chỉ ngồi trông chờ chính sách nhà nước thay đổi mà công ty cũng như chủ doanh nghiệp phải nỗ lực hơn mức bình thường thì mới có thể tồn tại và phát triển. Tập đoàn xây dựng Hòa Bình, xuất phát điểm khi thành lập chỉ từ đồng vốn rất nhỏ của bố mẹ tôi và cũng chính là nhà đầu tư đầu tiên của công ty. Đến năm 2000 Hòa Bình thành lập công ty cổ phần, có thêm nguồn góp vốn của cán bộ công nhân viên. Khi đó, chúng tôi chia sẻ bằng cách mượn tài sản của gia đình để thế chấp ngân hàng, bán cả nhà để góp vốn vào công ty.

PV: Như ông nói ở trên,  thời đó khái niệm kinh tế tư nhân, doanh nghiệp tư nhân rất là mờ nhạt. Vậy thì nhà thầu tư nhân có lẽ sẽ là sự lựa chọn quá mạo hiểm của Hòa Bình khi ở bên cạnh “những người khổng lồ”trong lĩnh vực nhà thầu xây dựng của nhà nước như Vinaconex,HUD, Licogi…Vậy lúc đó ông đã chèo lái công ty đi theo chiến lược nào, thưa ông?

Ông Lê Viết Hải: Khó cạnh tranh với doanh nghiệp nhà nước nhưng vẫn có cửa ngách cho Hòa Bình. Đó là thời kỳ chính sách mở cửa, đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, sau đó cho tư nhân thành lập doanh nghiệp. Hòa Bình nhắm đến những dự án, những công trình không thuộc của nhà nước, đòi hỏi trình độ cao, đáp ứng yêu cầu cao theo chuẩn mực quốc tế. Ban đầu cũng gặp rất nhiều thử thách như  kĩ sư, chủ dự án, giám đốc công trình đều nói không làm được, vì không đủ năng lực để làm và nếu làm thì lỗ.Nhưng tập thể lãnh đạo của Công ty Hòa Bình lúc đó quyết tâm tìm giải pháp xem thiếu chỗ nào, kém chỗ nào, thiếu phương tiện gì phải bổ sung, phải nỗ lực học hỏi.

Ông Lê Viết Hải cùng các kỹ sư kiểm tra tiến độ công trình. 

Chúng tôi đi học khắp nơi: Hàn Quốc, Nhật, Pháp, Tây Ban Nha…học những phương pháp hiện đại nhất về xây nhà cao tầng. Hòa Bình liên tục hoàn thiện kỹ thuật: khi thì đưa công cụ này vào, khi thì đưa hệ thống khác vào. Những phương pháp quản lý dần dần đáp ứng đạt được trình độ cao, và từ đó Hòa Bình tự tin khi làm việc với chủ đầu tư nước ngoài. Thành công và đóng góp đáng tự hào của Hòa Bình là tiên phong đưa được những chuẩn mực quốc tế làm cho ngành xây dựng Việt Nam phát triển theo đúng chuẩn mực quốc tế chất lượng cao. Chính vì thế, các nhà thầu nước ngoài dần dần mất thị phần tại Việt Nam.

 

PV: Vậy thưa ông, công trình nào, dự án nào của Tập đoàn xây dựng Hòa Bình là câu trả lời toàn diện nhất cho kết quả thành công của một hướng đi đúng, của việc học hỏi nỗ lực không ngừng kèm theo đó là sự dũng cảm và đầy trí tuệ của tập thể những người lao động Tập đoàn xây dựng Hòa Bình?

Ông Lê Viết Hải: Hòa Bình tự hào nhất hiện nay là thành công của dự án Sài gòn Centre với quay mô 44 tầng cao, 6 tầng hầm (sâu 28m, là công trình có tầng hầm sâu nhất Việt Nam) sắp hoàn thiện và bàn giao vào cuối tháng 12 năm nay. Chúng tôi hoàn toàn đáp ứng yêu cầu rất cao của chủ đầu tư khó tính là Keppel Land (Singapore). Họ đánh giá công trình Tập đoàn Hòa Bình quản lý hiện nay là công trình có công tác tổ chức thi công tốt nhất trong tất cả các dự án của họ, không phải chỉ trong thời điểm này mà từ trước đến nay.

Tôi nhớ, ban đầu chỉ có toàn nhà thầu quốc tế của Hàn Quốc, Trung Quốc tham gia đấu thấu dự án này, không có nhà thầu trong nước. Nhưng do giá bỏ thầu của họ quá cao nên chủ đầu tư phải đấu thầu lại. Khi đó, nhà thầu trong nước mới có cơ hội tham gia và cuối cùng Hòa Bình là đơn vị trúng thầu. Chúng tôi đã chứng minh cho Keppel Land về năng lực chuyên môn của mình đáp ứng tất cả các yêu cầu khắt khe nhất và được thể hiện rất rõ qua giải pháp 3D của B.I.M (Building Information Modeling) trong quản lý thi công dự án cũng như trong toàn bộ quá trình thi công ở dự án này. Đây cũng là dự án đầu tiên trong cả nước đảm bảo an toàn kỹ thuật đưa vào khai thác hoạt động trung tâm thương mại ở các tầng khối đế, trong khi phần thân phía trên vẫn được thi công bê tông cốt thép. 

PV: Và giờ đây khi Đảng, Nhà nước xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng để phát triển kinh tế đất nước thì ông nhìn nhận và đánh giá như thế nào?

Ông Lê Viết Hải: Đó là điều rất mừng khi Đảng, Nhà nước đã xác định rất rõ vai trò của kinh tế tư nhân chứ không còn mờ nhạt nữa. Trước đây, nói là công bằng với năm thành phần kinh tế nhưng lại chủ trương  phát triển kinh tế nhà nước là chủ đạo. Tôi thấy thực sự chính sách đã chuyển biến trong thực tế bằng Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa mới được ra đời.

 

Công ty CP Tập đoàn xây dựng Hòa Bình luôn học hỏi các nước phát triển trên thế giới về xây dựng nhà tầng.

PV: Với tầm nhìn chiến lược của ông hiện nay, ông có nghĩ rằng chúng ta hoàn toàn có thể phát triển ngành xây lắp thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam vươn ra thế giới hay không?Và ông đã từng có đề xuất gì với Chính phủ?

Ông Lê Viết Hải: Nhìn lại các nước phát triển trên thế giới, để có một ngành công nghiệp mũi nhọn, đóng góp chủ lực cho nền kinh tế đều cần phải có sự đồng bộ của tất cả lĩnh vực, ngành nghề liên quan. Tập đoàn Hòa Bình chỉ là một nhà thầu tổng hợp, và để nhà thầu tổng hợp làm tốt nhiệm vụ thì chúng tôi rất cần nhiều nhà thầu phụ, nhà cung cấp, nhà tư vấn quản lý dự án, cả những nhà đầu tư tài chính lớn mạnh và phát triển đồng bộ. Quan trọng nữa là các quy định, chính sách hỗ trợ của nhà nước cần ban hành kịp thời thì mới đem lại hiệu quả. Nếu chỉ một mình Tập đoàn Hòa Bình hay một doanh nghiệp bất kỳ nào đi đơn lẻ sẽ chỉ làm manh mún mà không thể xây dựng được thương hiệu cho ngành xây dựng Việt Nam. Tháng 6 vừa qua, chúng tôiđã có văn bản đề xuất gửi Thủ Tướng Chính phủ, hy vọng Chính phủ sẽ xem xét, lắng nghe ý kiến của Hòa Bình.

PV: Trên bước đường kinh doanh đầy khó khăn gian khổ, kỉ niệm nào để lại dấu ấn trong ông?

Ông Lê Viết Hải: Đó là giai đoạn 2007 – 2009 lãi suất ngân hàng rất cao, thị trường bất động sản đóng băng. Tại thời điểm khó khăn như vậy Hòa Bình đã phải ra một quyết định rất “cân não”, chấp nhận bán tòa nhà Hòa Bình Tower, lỗ gần 2 triệu đô la để chủ độngcó nguồn vốn kinh doanh, đồng thời chia sẻ khó khăn với chủ đầu tư, khách hàng trên tinh thần cứu người cũng là cứu mình.

PV: Tư tưởng đó, tinh thần đó của ông liệu có phải giáo lý nhà Phật, thưa ông?

 

Ông Lê Viết Hải : Đúng rồi, các cụ thân sinh ra tôi rất mộ đạo. Bố tôi là hiệu trưởng trường Bồ Đề Huế, trường đầu tiên trong hệ thống giáo dục Phật giáo của Việt Nam. Từ nhỏ tôi vẫn nghe giảng giải về Phật pháp. Ở trường Bồ Đề cũng học giáo lý Phật pháp từ năm lớp một, dần dần đi vào và thấm trong tôi một cách tự nhiên. Tôi ý thức sâu sắc quy luật nhân quả là số một “Gieo nhân nào gặt quả ấy”,và phải cố gắng làm những gì tốt nhất có thể cho xã hội, cho cuộc đời.

PV: Vậy hóa doanh nghiệp của Hòa Bình cũng được xây dựng trên nền tảng đó, thưa ông?

Ông Lê Viết Hải: Thế giới tồn tại những doanh nghiệp có tuổi đời hàng trăm năm, Việt Nam thì chưa có. Điều căn cốt mà doanh nghiệp phát triển trường tồn và bền vững được không có gì khác đó là văn hóa doanh nghiệp. Văn hóa phải là những gì tinh túy nhất của dân tộc cũng như tinh hoa của thế giới mà doanh nghiệp biết kết hợp và vận dụng. Một trong những nét văn hóa trong Tuyên ngôn Giá trị của Tập Đoàn Hòa Bình là nhấn mạnh và đề cao đến tính tuyệt đối tuân thủ cam kết: Đúng chất lượng, đúng thời gian, đúng giá trị và thêm nữa là Tích hợp tinh hoa: Công nghệ Đức – Chất lượng Nhật – Quản trị Mỹ - Tốc độ Hàn Quốc – Kỹ năng Singapore -Ý chí của Việt Nam. Tôi thấy rằng, tập thể những người lao động Hòa Bình đã thực hiện rất tốt Tuyên ngôn Giá trị của Tập đoàn Hòa Bình, đã gây hiệu ứng rất tốt trong đại gia đình của Hòa Bình. Bởi tất cả mọi thành viên đều hiểu hết được ý nghĩa, giá trị việc làm của mình và mọi người đã lao động một cách hăng say, lạc quan, vui vẻ. Đó là kết quả, là giá trị vô giá của doanh nghiệp.

PV: Vậy thưa ông, với phương châm tuyệt đối tuân thủ cam kết đối với Hòa Bình không chỉ còn là văn hóa mà nó đã được nâng đến tầm kỷ cương, quân lệnh của doanh nghiệp. Tổng kết hoạt động của Tập đoàn Hòa Bình từ trước đến nay đã có lúc nào vì sự biến động của thị trường, vì khó khăn trong việc giải bài toán tài chính của doanh nghiệp hay cũng vì sự không đàng hoàng của đối tác mà một lúc nào đó ông cũng như Hòa Bình phải lựa chọn ranh giới rất mong manh giữa việc tuyệt đối tuân thủ cam kết hay là chỉ tương đối tuân thủ cam kết, thì sẽ đỡ thiệt hại hoặc có lợi hơn cho Hòa Bình. Những lúc đó ông đã quyết định như thế nào?

Ông Lê Viết Hải: Tập đoàn Hòa Bình xây dựng văn hóa doanh nghiệp trên nền tảng những cam kết trong Tuyên ngôn Giá trị của Hòa Bình. Nếu đã cam kết mà không thực hiện thì những cam kết đó chỉ là khẩu hiệu. Cái mà mình giữ được những gì mình cam kết cũng là một thử thách, đôi khi trong thực tế có rất nhiều nghịch cảnh trái ngang. Tôi vẫn suy nghĩ,lợi ích của xã hội vẫn là quan trọng nhất. Nếu như một công trình dở dang, chủ đầu tư họ không thanh toán, mình ngưng làm, họ thiệt hại thì bên mình cũng thiệt hại và cao hơn nữa là xã hội cũng bị thiệt hại. Nếu nhà thầu tiếp tục dự án mà chủ đầu tư xác định không trả tiền, thiệt hại về mình thì xã hội sẽ không bị thiệt hại. Tập đoàn Hòa Bình làm để đem lại những gì tốt đẹp cho con người và xã hội. Hòa Bình tuyệt đối  không cho phép mình sử dụng những cách thức tiêu cực, nếu như mình còn có thể gồng gánh được. Tôi thấy rõ sau giai đoạn khó khăn và mình đã chia sẻ với khách hàng thì họ hầu hết đều sống có nghĩa tình và khách hàng trở lại với Hòa Bình ở rất nhiều dự án mới. Thị trường, thị phần của Hòa Bình tăng trưởng rất tốt.Đơn cử như năm ngoái doanh thu của Hòa Bình tăng gấp đôi năm trước và năm nay cũng phải tăng trên 50%.

 

PV: Thương hiệu Hòa Bình giờ đây đã là niềm kiêu hãnh của ngành xây lắp Việt Nam và là niềm vinh dự tự hào của các thành viên Tập đoàn xây dựng Hòa Bình. Mỗi công trình Hòa Bình tham gia thực hiện có thể được coi như là một tác phẩm nghệ thuật.

Ông Lê Viết Hải: Hoàn toàn đúng thế, một công trình từ bản vẽ của kiến trúc sư khi ra thực tế sẽ có nhiều cách thể hiện khác nhau. Nó giống như từng đó nguyên liệu và công thức chung ấy nhưng làm sao, chế biến ra được những món ăn ngon, đòi hỏi sự tinh tế, khéo léo mà chỉ có những con người có đủ tay nghề, tài năng và niềm đam mê mới làm được. Một sản phẩm hoàn hảo còn đòi hỏi năng lực quản lý, trình độ chuyên môn của tất cả bộ phận vận hành trong một hệ thống, bởi một công trình có hàng trăm, hàng ngàn chi tiết mà tất cả mọi góc cạnh đều phải rất trau chuốt, tỉ mẩn đến mức độ tinh hoa. Mỗi thành viên Hòa Bình đều làm việc trong một tâm thế sẵn sàng phục vụ khách hàng bằng tất cả niềm đam mê, lòng yêu nghề, tài năng nhiệt huyết thành tâm cống hiến cho xã hội.

PV: Trong bài hát “Mọi bước đi vì một giá trị”do ông sáng tác có đoạn viết:

“… Và với giấc mơ tuyệt vời

Một Việt Nam sẽ muôn đời đẹp tươi

 

Một thế giới có muôn người được vui

Và ta ước mơ một trái đất luôn xanh ngời”…

Ông có thể chia sẻ về điều này?

Ông Lê Viết Hải: Trong chiến lược phát triển của mình, Hòa Bình xác định vươn ra thị trường quốc tế bằng những sản phẩm chất lượng nhất và năng lực cạnh tranh cao nhất với các nhà thầu hàng đầu thế giới. Chúng tôi mong muốn, bất cứ nơi nào Hòa Bình đặt chân đến thì phải mang lại được sự phồn vinh và bình yên, hạnh phúc. Đó chính là sứ mệnh của doanh nghiệp mà chúng tôi được mang tên Hòa Bình.

PV: Là doanh nhânnhưngông có một tâm hồn nghệ sĩ với rất nhiều ca khúc do chính mình sáng tác. Vậy ông lấy cảm xúc gì từ Hòa Bình để tạo sự lãng mạn cho mình?

 

Lê Viết Hải: Tôi học kiến trúc, ngành kiến trúc là ngành kết hợp giữa kỹ thuật và nghệ thuật. Khi còn là sinh viên khởi nghiệp tôi chỉ dám mơ làm một nhà thầu phụ. Khi đã làm được nhà thầu chính thì mơ ước mình sẽ xây dựng được những siêu dự án 40, 50 tầng. Và giờ đây, Hòa Bình đã vượt được xa tầm mơ ước như vậy. Sự thành công của Hòa Bình là điều lãng mạn đối với tôi. Thành công nối tiếp thành công của Hòa Bình làm cho sự lãng mạn của tôi được kéo dài từ cung bậc cảm xúc này đến cung bậc cảm xúc khác.Và thế là những nốt nhạc trong tôi tự nhiên được phiêu ra dạt dào.

“Vượt núi cao, vượt đảo xa

Vượt bão giông phong ba ta đi có chi ngăn được

Vượt sông dài, vượt biển sâu

Vượt khó khăn chông gai ta đi đâu ngại ngần chi

 

Cùng nghĩ suy, cùng khắc ghi, cùng bước đi qua bao gian  nguy VÌ MỘT GIÁ TRỊ

Cùng ước ao, cùng khát khao, cùng bước đi qua bao gian lao cho đầu ngước cao”.

 Cảm ơn những chia sẻ của ông!

Trích lược văn bản đề xuất gửi Thủ Tướng Chính Phủ của Tập Đoàn Hòa Bình tháng 6/2017

Về phía doanh nghiệp Xây dựng, chúng tôi sẽ hết sức chủ động khai thác các cơ hội vươn mình ra thị trường thế giới không chỉ vì lợi ích kinh tế của mỗi doanh nghiệp mà xác định đây là sứ mệnh quan trọng đối với Quốc gia. Xây dựng những công trình có quy mô lớn, chất lượng cao ở nước ngoài giúp chúng ta khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế, củng cố niềm tự hào dân tộc và nâng cao uy tín thương hiệu ngành Xây dựng Việt Nam. Chúng tôi hiểu rõ đây là một sứ mệnh đầy thử thách. Vì vậy, để thực hiện thành công sứ mệnh này, các doanh nghiệp xây dựng dẫn đầu cần có sự đoàn kết, đồng lòng và một quyết tâm rất lớn trong việc hoạch định chiến lược kinh doanh của mình theo hướng quốc tế hóa, hợp tác đồng hành với những doanh nghiệp ở những ngành có liên quan khác như: sản xuất vật liệu xây dựng, địa ốc, tư vấn, vận tải, tài chính – ngân hàng, kể cả hợp tác với các viện nghiên cứu, các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động trong ngành xây dựng. 

 

Sự chủ động hội nhập kinh tế toàn cầu của doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ bằng chủ trương, chính sách, bằng những nghị quyết cụ thể và thiết thực của Chính phủ; đặc biệt, ngành Xây dựng cần giải quyết ngay nợ xấu, rút gọn các thủ tục hành chính và thực thi các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh mà chúng tôi đã kiến nghị.

Nên đọc
Lan Hương - Bích Hảo
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo