CEO tạm thời - Vị vua không ngai?
Các CEO tạm thời của tập đoàn dược phẩm Valeant Pharmaceuticals International Inc. và United Continental Holdings Inc. hiện đang cảm nhận được mùi vị thách thức khi các nhà lãnh đạo “làm toàn thời gian” của các doanh nghiệp này đều đang đi điều trị bệnh.
Gần như không có chức vụ quản lý nào lại “chua” như công việc của các ông chủ tạm thời, theo các chuyên gia tư vấn và nhà nghiên cứu. CEO tạm thời phải cho thấy uy nghi của mình và làm sao quy tụ được một dàn nhà quản lý dưới trướng chịu “phò tá” cho họ trong suốt khoảng thời gian không lấy gì làm chắc chắn ấy. Nhưng vị CEO tạm thời đó cũng không thể thực hiện những thay đổi quá táo bạo hoặc hành động như thể họ sẽ điều hành công ty trong dài hạn.
Trên thực tế, cái cương vị tạm thời nói rằng: “Tôi chỉ là giữ chỗ cho một người nào đó khác”, Robert S. “Steve” Miller, một chuyên gia về vực dậy doanh nghiệp đã có 2 lần ngồi ở ghế CEO tạm thời của Federal-Mogul Corp.
United và Valeant chỉ là những những doanh nghiệp lớn gần đây nhất nhờ đến các nhà lãnh đạo tạm thời. Hãng đồ chơi Mattel, tập đoàn khách sạn Starwood Hotels & Resorts Worldwide Inc., Yahoo! Inc. và Best Buy Co. cũng đã chỉ định các CEO tạm thời trong những năm gần đây. Các cuộc chuyển giao quyền lực như vậy thường xảy ra khi vị CEO chính thức đột nhiên ngã bệnh, hoặc nghỉ việc để làm cho một công ty khác, hoặc bị hội đồng quản trị sa thải. Brett Hart, CEO tạm thời của United, hiểu rõ sẽ như thế nào khi làm việc với tư cách là CEO tạm thời. Ông đã là trưởng bộ phận pháp chế tại Sara Lee Corp., khi một nhà điều hành trong công ty này trở thành CEO tạm thời sau khi vị CEO lâu năm bị đột quỵ vào mùa xuân năm 2010.
Tại Mattel, Christopher Sinclair đã trở thành Chủ tịch Hội đồng Quản trị và CEO tạm thời khi Bryan Stockton từ chức vào tháng 1/2015 sau một mùa nghỉ lễ thảm họa. Ông Sinclair lúc đó là nhân vật chủ chốt trong Hội đồng Quản trị và là thành viên Hội đồng Quản trị lâu năm nhất của Công ty. Ông được giao cho vị trí CEO chính thức 3 tháng sau đó.
Sinclair cho biết kinh nghiệm làm việc trong Hội đồng Quản trị Mattel đã cho ông “cảm nhận về mọi thứ, nhưng bạn không có sự hiểu biết sâu sắc thực sự” trước khi trở thành CEO tạm thời.
Có rất nhiều kỷ niệm Sinclair không quên được trong suốt quá trình lãnh đạo ở cương vị CEO tạm thời. Ông nhớ mình đã dành ra 45 ngày đầu tiên cố gắng “chẩn đoán” các vấn đề bức bách của Mattel và tìm xem những nhà điều hành nào ông có thể trông cậy để làm nên cuộc lội ngược dòng ở hãng đồ chơi này. “Không có nhiều thời gian để ngủ trong 45 ngày đầu tiên ấy”, ông nhớ lại.
Các CEO tạm thời thường gặp nhiều lời phê bình, chỉ trích rằng họ đã quá tỏ rõ lập trường hoặc quá “dễ bảo”, theo Jeffrey Cohn, Giám đốc Điều hành phụ trách lên kế hoạch kế vị CEO toàn cầu tại công ty tuyển dụng lãnh đạo DHR International.
Những hành động “ngang tàng” của một CEO tạm thời có thể khiến cho hội đồng quản trị bực bội, nhưng một nhà lãnh đạo quá “nhu mì” thì lại làm cho chính họ mất đi cơ hội được đề bạt lên các vị trí cao hơn sau khi vị CEO lâu năm quay trở lại làm việc hoặc khi CEO chính thức được bổ nhiệm.
Một số CEO tạm thời quay lại giữ vị trí cũ trước đó, hoặc được giao cho một vị trí khác trong công ty như Giám đốc Điều hành (COO), Cohn cho biết. Nhưng dù như thế nào, “đó luôn là một nỗi thất vọng, hụt hẫng. Rất khó để quay trở lại với bánh hamburger một khi bạn đã được nếm mùi vị của món cá fillet”, ông nói.
Khoảng 29% CEO tạm thời được bổ nhiệm chính thức, theo nghiên cứu của Gary Ballinger, Giáo sư thương mại tại Trường Thương mại McIntire thuộc Đại học Virginia và một đồng nghiệp. Nghiên cứu này phân tích 2.500 công ty đại chúng, chỉ ra rằng những công ty nào được điều hành bởi các CEO tạm thời ghi nhận mức lãi ròng và diễn biến giá cổ phiếu thấp hơn so với những công ty mà ngay lập tức chỉ định CEO chính thức.
Cuộc tìm kiếm CEO chính thức là một sự “sao lãng” khác đối với các CEO tạm thời, theo Giáo sư Ballinger. Trong khi đó, những nhà điều hành dưới trướng “có xu hướng chỉ ngồi đó” và ngưng lại các kế hoạch tung ra các sản phẩm mới hoặc hoãn việc đưa ra quyết định. Đó là vì họ nghĩ rằng vị CEO tạm thời đó không phải là “sếp” lâu dài của họ và không có quyền lực thực sự để công nhận các ý tưởng hoặc khen thưởng cho họ khi họ làm được việc.
Những tác động lên các chỉ số tài chính của doanh nghiệp dưới thời trị vì của CEO tạm thời có thể rất khác nhau dựa vào việc liệu vị CEO trước đó ra đi đột ngột do bệnh tật hay bị sa thải. Nó cũng phụ thuộc vào mối quan hệ của vị CEO tạm thời đó đối với công ty như thế nào.
Khi Steve Jobs quay trở lại Apple với vị trí CEO tạm thời vào thập niên 1990, ông ngay lập tức đã tạo một “quyền hành về tinh thần” trong công ty, Giáo sư Ballinger nói. Nhưng khi Tim Cook thử sức ở vị trí CEO trong suốt những khoảng thời gian Steve Jobs điều trị bệnh, ông đã điều hành trong cái bóng của vị CEO huyền thoại này. Đó là một nhiệm vụ khó khăn hơn rất nhiều đối với Cook.
Chuyên gia về lội ngược dòng Robert S. “Steve” Miller, hiện đang đứng đầu tập đoàn International Automotive Components Group, không quan tâm đến 2 từ “tạm thời” trong chức danh của mình trong suốt những năm ông điều hành 8 công ty khác nhau. Ông cho biết ông cứ làm việc như một CEO đúng nghĩa trong suốt thời gian giữ vị trí CEO tạm thời của Federal-Mogul. “Tôi đưa ra các quyết định mà mình cảm thấy đúng và không quá lo lắng hay suy nghĩ đến việc liệu vị CEO chính thức sau này có làm điều đó khác với cách của tôi hay không”, ông nói.
Các CEO tạm thời thường ở vị trí này không quá một năm. Trường hợp ngoại lệ là ông W. Bruce Johnson của Sears Holdings Corp. Ông là CEO tạm thời cho chuỗi bán lẻ này trong 3 năm mãi cho đến năm 2011 khi Công ty chọn được CEO chính thức là Lou D’ Ambrosio, một nhà điều hành công nghệ lâu năm làm tư vấn cho Sears trước đó.
“Đó là vị vua không ngai”, Davia Temin, CEO của Temin & Co., một công ty đào tạo khả năng lãnh đạo và quản trị khủng hoảng, nhận xét về vị trí CEO tạm thời. Bà hiện đang hướng dẫn cho hai CEO tạm thời và cho biết, công việc có thể nặng nề đối với các nhà điều hành ở vào vai trò đó. Bởi lẽ, họ không thể cam kết quá sâu với một tổ chức hoặc quá thân thiết với những ai trong công ty vì họ có khả năng sẽ phải ra đi sớm.
Bà Tenim chuyên cố vấn cho các nhà lãnh đạo tạm thời đến từ bên ngoài công ty, giúp họ dễ dàng hòa nhập vào văn hóa doanh nghiệp, điều chỉnh mọi thứ từ cách ăn mặc cho đến cách giao tiếp với nhân viên sao cho họ có thể hòa nhập được. “Một CEO tạm thời sẽ hiếm khi nào thay đổi được văn hóa tại công ty mà họ chỉ tạm thời lãnh đạo”, bà nhận xét.
Trong một nghiên cứu vào năm 2007 về mối tương quan giữa việc chỉ định một CEO tạm thời với tình hình hoạt động của doanh nghiệp, hai vị giáo sư của Đại học Virginia là Gary A. Ballinger và Jeremy J. Marcel nhận thấy các công ty chỉ định CEO tạm thời đã chứng kiến hệ số lợi nhuận trên tài sản (ROA) thấp hơn và giá trị thị trường suy giảm dưới thời trị vì của CEO tạm thời so với những công ty bổ nhiệm ngay một CEO chính thức. Hai vị giáo sư cũng nhận thấy thời gian lãnh đạo của CEO tạm thời lâu chừng nào thì đà đi xuống của doanh nghiệp càng kéo dài chừng nấy.
Các doanh nghiệp có CEO tạm thời trong 4 quý trở lên có mức vốn hóa thị trường thấp hơn 19% so với những công ty chuyển giao quyền lực cho người kế vị ngay lập tức. Tương tự, những doanh nghiệp có CEO tạm thời trong 2 quý, 3 quý, hoặc 4 quý trung bình đạt mức lãi ròng thấp hơn lần lượt 110 triệu USD, 148 triệu USD và 278 triệu USD so với các công ty chỉ định CEO chính thức.
Ông Ballinger và ông Marcel cho rằng đó là do những hạn chế mà một CEO tạm thời phải đối mặt. Những CEO tạm thời được giao cho nhiệm vụ giải quyết các vấn đề ngắn hạn đang đè nặng lên doanh nghiệp, nhưng không thực hiện bất kỳ chiến lược dài hạn nào, khi họ chỉ là người “giữ chỗ” cho một ai đó thay họ chính thức sau này.
Ông Ballinger và ông Marcel thực hiện nghiên cứu trên 2.500 cuộc chuyển giao quyền lực CEO của các công ty đại chúng trong những năm 1996-1998 và đánh giá hoạt động của các doanh nghiệp này 7 năm sau khi họ thực hiện các cuộc chuyển giao đó.
Doanhnhansaigon/WSJ/BI/NCĐT
End of content
Không có tin nào tiếp theo