Góc nhìn

CEO Việt: Làm gì để nâng tầm chỉ huy?

Trong chuyến làm việc tại TP.HCM gần đây, một cách khéo léo, cố vấn kinh tế cấp cao người Nga Kiryukhantsev Pavel có một vài nhận định về nền kinh tế Việt Nam và những điều CEO Việt Nam cần lưu ý.

Ông Pavel Kiryukhantsev trong một buổi thuyết trình tại TP. HCM vào tháng 6/2014.

“Tôi nhận thấy nhiều vị có suy nghĩ phải “giữ thể diện” giống như tính cách chung của người châu Á. Tuy nhiên, “giữ thể diện” sẽ khiến cho nhà lãnh đạo không thể tranh luận với người khác một cách cởi mở được, mà như thế sẽ hạn chế khả năng học hỏi những điều mới”, ông Pavel cho biết. 

Vị cố vấn thẳng thắn nhận xét, cho dù có nhiều bàn luận xung quanh về tiêu chí EQ hay IQ thì hành vi của nhà lãnh đạo mới là nhân tố căn bản để đánh giá về tầm của người chỉ huy bởi có quá nhiều yếu tố bất ngờ trong kinh doanh. 

“Không có một chương trình chung nào có thể biến người quản lý trở thành một nhà lãnh đạo tài ba chỉ trong vòng hai hay ba năm”, ông nói. “Hãy nhớ rằng con người sẽ không thể thực sự phát triển bản thân nếu chỉ tham dự vào những khóa huấn luyện ngắn ngày. Đó là những công cụ tốt để khiến chúng ta nhận thức rằng mình cần phải làm thế này hay thế kia; nhưng ứng dụng những kiến thức đó vào công việc hằng ngày thì mới có thể thay đổi được hành vi và củng cố khả năng lãnh đạo”.  

Pavel cũng đồng thời cho hay, một trong những nút thắt đối với khối DN là trạng thái của nền kinh tế Việt Nam. Dưới góc nhìn của Pavel, nền kinh tế Việt Nam đang tiến đến giai đoạn phát triển nguồn vốn. Đó là lý do vì sao giai đoạn này hoạt động IPO trở nên sôi động khi một số tập đoàn nhà nước bắt đầu phát hành cổ phiếu nhưng cùng lúc một số tập đoàn tư nhân lại tuyên bố tạm thời rút khỏi sàn chứng khoán. 

 Kiryukhantsev Pavel thân thiện trong giờ giải lao

“Hãy nhìn lại quá khứ. Ở giai đoạn đầu phát triển kinh tế, các DN Nga đều cố gắng tối đa hóa lợi nhuận. Ví dụ như mua rẻ bán đắt. Sau đó, chúng ta sẽ đến giai đoạn tối đa hóa doanh thu hoạt động mỗi năm. Khi đó, ai cũng cho rằng kiểm soát được tài sản và dòng tiền sẽ đem lại doanh thu ổn định. Nhưng sau đó ta lại nhận ra rằng tài sản phải được sở hữu chứ không chỉ là kiểm soát. Thế là mọi người đi thâu tóm tài sản. Đến giai đoạn mà tài sản đã được sở hữu, thì ta bắt đầu học cách quản lý tài sản đó hiệu quả hơn. Điều này dẫn đến nhu cầu lên sàn chứng khoán của các DN...”, theo Pavel.

Vẫn theo nhà cố vấn, thực tế, IPO chỉ là bước khởi đầu và điều  này không phải là nhân tố quyết định khả năng thành-bại của một DN.  Theo ông, khi nền kinh tế vượt qua giai đoạn IPO, xu thế tiếp theo sẽ là việc các DN tìm hướng phát triển bền vững thay vì chỉ tập trung phát triển doanh thu-lợi nhuận. “Từ nhu cầu của các nhà lãnh đạo DN ở Nga, tôi tin rằng lãnh đạo Việt Nam cũng đang có nhu cầu học hỏi cách xây dựng 'một công ty lớn và quản trị DN hiệu quả”, ông cho hay.

Kiryukhantsev Pavel là nhà sáng lập kiêm CEO của Zest Leaders (Nga). Ngoài việc phát triển sự nghiệp riêng, ông đảm nhận vị trí cố vấn phát triển năng lực cá nhân cho Tổng Giám đốc của nhiều tập đoàn lớn của Nga như SUEK, Gazprom Neft, Sibur, Mosenergo hay FC Otkritie. SEUK là tập đoàn quốc tế đứng đầu ngành than ở Nga, có sản lượng khai thác hằng năm gấp 5 lần sản lượng toàn ngành than Việt Nam. 

Theo Bloomberg, vị cố vấn với 20 năm kinh nghiệm hiện còn là nhân sự cao cấp kiêm đối tác của Ward Howell và là nhà cố vấn của ban điều hành của Trung tâm lãnh đạo toàn cầu INSEAD. 

Theo Seatimes
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo