Doanh nhân

CEO Yahoo: Bà bầu cõng trên lưng nhiều thử thách

Khi cựu nhân viên Google, bà Marissa Mayer chấp nhận thử thách vực dậy gã khổng lồ ngủ quên Yahoo, vị giám đốc này đã lường trước được những áp lực rất lớn sẽ đến. Tuy nhiên, có vẻ dự đoán của bà Mayer chẳng thấm vào đâu so với những khó khăn hiện tại.

Giám đốc Mayer đang mang thai, trong khi tình hình kinh doanh sa sút khiến áp lực từ ban quản trị gia tăng, cổ đông bất đồng với kế hoạch tương lai và mới nhất là cuộc tháo chạy của những người tài tại Yahoo.

Giám đốc điều hành của Yahoo, bà Marissa Mayer đang đối mặt với nhiều sóng gió và thử thách nhằm đưa công ty trở lại thời hoàng kim đã mất. Để khôi phục lại sự tăng trưởng của Yahoo, bà Mayer hiện cần thêm thời gian. Rõ ràng, Yahoo sẽ mất nhiều thời gian hơn nữa để có thể bắt đầu tăng trưởng trở lại.

Trong khi giám đốc Mayer, người đang mang thai, gặp không ít áp lực nhưng vẫn bình tĩnh thì những người trong cuộc khác đã bắt đầu mất kiên nhẫn. Cổ đông cáo buộc các giám đốc không ý thức được rõ ràng về phương hướng tương lai cho Yahoo và lừa dối các nhà đầu tư khi thổi phồng những thành quả mới đạt được.

CEO Yahoo

CEO Yahoo đang đối mặt với những khó khăn 

Dưới áp lực từ nhiều phía, trong những tháng gần đây Yahoo còn phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nội bộ. Nhiều giám đốc và nhà quản lý cấp cao của Yahoo đã ra đi để tìm bến đỗ mới, trong số đó cũng có cả những người là phò tá đắc lực cho Mayer.

Jackie Reses, Kathy Savitt và Lisa Licht là những cái tên nằm trong đội ngũ cốt cán do chính Mayer tuyển chọn để sát cánh cùng mình vực dậy công ty. Tuy nhiên, gần đây cả ba đều đã rời bỏ Yahoo cũng như Mayer.

Trước viễn cảnh nhân tài tháo chạy, động thái gần đây nhất của vị CEO Yahoo là đề xuất ý tưởng “3 năm” để giữ chân người tài. Cụ thể, trong một cuộc họp với các giám đốc điều hành cấp cao trong tháng này, Mayer đã ban hành một thỏa thuận bằng văn bản trói buộc trong đó yêu cầu họ phải cam kết gắn bó ít nhất 3 năm với công ty.

Giám đốc tài chính, Ken Goldman là một trong những người đầu tiên đặt bút ký thỏa thuận này. Ông cam kết sẽ tiếp tục ở lại với Yahoo, tuy nhiên một số giám đốc điều hành khác lại lưỡng lự, họ rời khỏi phòng họp nhưng không chắc chắn có thể thực hiện một lời hứa đảm bảo với vị CEO của công ty.

Lý do cho sự không chắc chắn của các giám đốc là tình hình kinh doanh hiện tại của Yahoo đang sa sút trầm trọng, khiến họ quan ngại về một vụ Titanic trong giới công nghệ sẽ xảy ra. Doanh thu từ kinh doanh của công ty tiếp tục co lại, từ 4,5 tỷ đô la vào năm 2012 xuống 4,4 tỷ đô la trong năm ngoái. Thậm chí trong năm tài chính 2015, doanh thu dự kiến của công ty sẽ còn đi xuống.

Trong suốt những năm qua, Yahoo đã gia nhập vào mảng điện thoại di động, video trực tuyến và chức năng tìm kiếm. Hướng đi này đã tiêu tốn hàng trăm triệu đô la vốn liếng của công ty nhưng không mang lại sự tăng trưởng doanh thu như kỳ vọng hay lượng người dùng.

Rõ ràng, Yahoo đang phung phí các đồng vốn quý báu từ các cổ đông khi đầu tư không hiệu quả. Trước tình hình đó, giám đốc Mayer đã có một động thái trấn an cổ đông khi cho biết rằng công ty sẽ theo đuổi một chiến lược khác để “thiết lập lại” trọng tâm hoạt động của công ty, nhưng không tiết lộ kế hoạch chi tiết. Về kế hoạch tham gia cổ phần với Alibaba, bà Mayer đã có quyết định nhưng lại không được nhiều sự đồng tình từ người trong cuộc.

Ông Robert Peck, chuyên gia phân tích tài chính tại SunTrust Robinson Humphrey, cho rằng việc Yahoo muốn tách riêng 15% cổ phần tại Alibaba thành một công ty đại chúng và độc lập là bước đi sai lầm.

Trước đó một tháng, khi Yahoo thông báo mức sụt giảm lợi nhuận trong quý III năm nay, Peck nhận xét: “Cú lội ngược dòng đã không diễn ra như mọi người kỳ vọng. Các nhà đầu tư ngày cảm thấy bất an với định hướng của những mảng kinh doanh cốt lõi sau 40 tháng điều hành của Mayer”.

Quỹ đầu tư Starboard Value ở Mỹ là một trong những doanh nghiệp tài chính nắm giữ một lượng cổ phiếu đáng kể tại Yahoo. Starboard đã gửi văn bản lên Hội đồng quản trị (HĐQT) Yahoo, đề xuất chấm dứt kế hoạch chia tách cổ phiếu vì cho rằng nó quá rủi ro và không nhận được sự ủng hộ từ các cổ đông.

Cuối văn bản, Starboard còn tiên đoán một cuộc chiến tranh giành các ghế trong HĐQT có thể sẽ nổ ra. “Chúng tôi kỳ vọng ban lãnh đạo sẽ đặt lợi ích cổ đông lên hàng đầu. Nhưng nếu ban quản trị tiếp tục đưa ra những quyết định gây rủi ro quá mức cho các cổ đông, có thể những chỗ ngồi trong ban quản trị sẽ thay đổi đáng kể”.

Sở dĩ có nhiều sự chống đối cũng như bất đồng giữa các cổ đông và ban quản trị là do sự tác động từ thuế. Khi chiến lược chia tách được thực thi, theo hệ thống luật của nước Mỹ, Yahoo sẽ phải trả một khoản trong hóa đơn thuế lên tới vài tỷ USD cho Internal Revenue Service (Sở thuế vụ Mỹ).

Hiện vẫn chưa rõ chiến lược của Mayer về tham gia cổ phần với Alibaba có thành công hay không, nhưng việc chắc chắn mất một khoản tiền thuế lớn nếu hiện thực hóa ý tưởng trên đã khiến các cổ đông Yahoo nhụt chí.

Cafebiz/Trí Thức Trẻ/WSJ

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo