Góc nhìn

Chả lẽ cứ nói dối mãi sao?

Khi đã biết mấy cái báo cáo tào lao cứ tái diễn thì tổng kết rình rang làm gì cho mệt, thêm tốn kém

 Dịp cuối năm, những người làm nghề báo lại có cơ hội dự tổng kết năm các ngành, được nghe đủ các  “thể loại” báo cáo: hay có, dở có, đáng quan tâm có và nghe buồn ngủ cũng có…

 
Nói cho công bằng thì cũng có báo cáo nghiêm túc, phản ánh đúng thực trạng hoạt động của đơn vị, nhưng đây đó vẫn tồn tại loại báo cáo “hoành tráng”, rổn rảng mỹ từ, chung chung, sáo rỗng; chỉ cần thay đổi ngày tháng thì năm nào xài cũng được; thậm chí không phản ánh đúng những gì đã diễn ra. Một vài phóng viên chạy theo định mức tin bài hỉ hả khi tỉa được dăm ba cái tin từ mớ báo cáo ba sàm ấy. Và ngày mai, người dân cả nước sẽ được nghe, được xem những thông tin mà độ xác thực thì chỉ người viết báo cáo mới tỏ tường. Hầu hết phóng viên đều đủ năng lực để hoài nghi, nhưng họ tặc lưỡi… Về lý họ đâu có sai. Chẳng ai bắt lỗi được họ.
 
Ảnh minh họa. (nguồn: Vietnamnet)
 
Báo cáo thì “bên cạnh thành công là chủ đạo vẫn còn một vài hạn chế”, phần khuyết điểm sẽ chỉ bằng viên bi còn ưu điểm và kết quả  phải to bằng quả bóng. Nếu có kém thật thì chẳng ai tội gì viết đơn vị tôi kém cả vì nó ảnh hưởng đến thi đua, khen thưởng và nguồn đầu tư. Doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lỗ lãi sờ sờ ra đấy, nói quá lên cũng hơi khó, còn nhiều đơn vị hành chính sự nghiệp thì mơ hồ lắm, bảo hay bảo tốt thì cấp trên biết thế, vậy thì dại gì vạch áo cho người xem lưng.
 
Khi phàn nàn về chuyện báo cáo cuối năm, một vị có chức sắc nói: “Dễ gì tui tin báo cáo của tụi nó”.
 
Vậy mà đã có trường hợp kinh doanh thua lỗ, mua đống sắt vụn phế thải khai khống cả chục tỉ, người đứng đầu phải ra toà, rồi đi tù, thế mà lần giở lại người ta giật mình thấy đơn vị ấy từng “trong sạch vững mạnh”, nhân vật  hầu toà “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, được cấp trên khen?! 
 
Thôi thì chuyện cũ không nói nữa, nhưng khi đã biết mấy cái báo cáo tào lao cứ tái diễn thì tổng kết rình rang làm gì cho mệt, thêm tốn kém.
 
Nói đến báo cáo, tổng kết cuối năm thì không thể không nhắc tới thi đua khen thưởng. Bác nói “thi đua là yêu nước”. Nhưng “yêu nước” ở mỗi giai đoạn lịch sử có những biểu hiện cụ thể khác nhau, từ đó cách “thi đua” cũng phải khác. Công tác thi đua khen thưởng đang bị thực thi một cách méo mó hay chính vì thi đua đã tạo ra những bản báo cáo tào lao?
 
Nếu cả hệ thống từ dưới lên trên cứ dối nhau thì điều gì (đã) sẽ xảy ra.
 
Chỉ quan liêu mới ngó lơ cái loại báo cáo “tròn chĩnh”. Chỉ quan liêu hoặc năng lực kiểm tra giám sát yếu mới bị những bản báo cáo “mùi mẫn và hào sảng” như thế ru ngủ. Nếu cấp trên tự hài lòng và cho qua thì đương nhiên sẽ đánh giá tình hình không đúng, từ đó ban hành chính sách trên giời.
 
Còn cấp cơ sở làm láo báo cáo hay, rồi tự thoả mãn vì đã bịt mắt được lãnh đạo thì động lực phấn đấu ở đơn vị sẽ bị thủ tiêu, khát vọng vươn lên của từng cá nhân không còn nữa.
 
Một xã hội như thế đừng mơ có chuyên gia giỏi trong các lĩnh vực, thay vào đó người ta sẽ không từ một thủ đoạn nào để “ra sức phấn đấu” cốt giành được cái ghế quan chức với quyền lợi và đủ thứ danh hiệu thi đua sát sườn; rồi người ta sẽ tìm đủ mọi cách kê đặt “ghế” cho nhau, thây kệ xã hội thảm thiết kêu gào giảm biên, và sẵn sàng hùa vào khi ai đó bảo rằng học hành nhắm tới cái đích làm quan là do truyền thống.
 
Mọi đóng góp cho các bản báo cáo cuối năm phần nhiều chỉ tô đậm thêm những mảng màu sáng cho đẹp lòng lãnh đạo. Việc quản lý điều hành đơn vị thành bại là do cán bộ. Vì thế đã có ai dám cả gan đứng lên nói tôi không đồng tình? Đã có ai hoặc đơn vị nào bị kỷ luật vì báo cáo thiếu trung thực? Không có đâu! Câu cửa miệng vẫn là “nhất trí cao” hoặc “cơ bản đồng tình”./.
 
Theo VOV.VN
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo