Có những sự chậm trễ gây thiệt hại có thể tính cụ thể bằng tiền. Nhưng đáng lo ngại hơn là những chậm trễ ngoài thiệt hại về vật chất còn kéo theo những nghi ngờ, phán đoán, dễ dẫn tới mất lòng tin của người dân.
Chỉ vì một doanh nghiệp ở tỉnh Bình Dương "ngáng đường" dẫn đến việc chậm trễ bàn giao mặt bằng dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1, Bến Thành - Suối Tiên, TP.HCM đã bị nhà thầu khiếu nại, yêu cầu đền bù thiệt hại hơn 2 tỉ đồng/ngày. Với thời gian chậm trễ hơn 3 tháng, số tiền TP phải đền bù có thể lên tới hơn 200 tỉ đồng. Trước đó năm 2013 nhà thầu Tokyu (Nhật Bản) cũng yêu cầu chủ đầu tư phải hỗ trợ 155 tỉ đồng ngoài hợp đồng cho những chi phí phát sinh từ việc chậm trễ giao mặt bằng thi công đường dẫn vào cầu Nhật Tân (Hà Nội)... Những sự chậm trễ này gây thiệt hại tiền tỉ cho ngân sách đã từng khiến cho dư luận vô cùng bức xúc nhưng vẫn là có thể "đong đếm" được bằng tiền. Nhưng sự chậm trễ trong đưa ra kết luận của vụ sập giàn giáo Formosa (Vũng Áng) khiến 13 người chết và vụ lấp sông Đồng Nai để làm dự án bất động sản thương mại ở tỉnh này đang khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi.
Đầu tiên là vụ sập giàn giáo ở Formosa. Chỉ một ngày sau khi tai nạn xảy ra, trong báo cáo nhanh chiều 26.3, Bộ LĐ-TB-XH nêu rõ nguyên nhân ban đầu là hệ thống phanh thủy lực không đảm bảo dẫn đến toàn bộ giàn giáo dài 40 m, rộng 35 m đổ sập xuống từ độ cao khoảng 20 m. Mấy ngày sau đó, đoàn thanh tra liên ngành Hà Tĩnh cũng cơ bản xác định nguyên nhân sập giàn giáo qua kiểm đếm tại hiện trường, có 2/3 số pít tông thủy lực nằm ở phía bên phải bị hỏng dẫn tới hệ thống cốt pha bị trượt nghiêng và sập giàn giáo. Rồi những vi phạm về lao động; việc công nhân phát hiện giàn giáo rung lắc nhưng vẫn bị bắt quay lại làm... rất nhiều dấu hiệu cho thấy nguyên nhân dẫn đến sự cố đã được công bố. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có công điện yêu cầu nhanh chóng điều tra nguyên nhân... thế nhưng sau gần 2 tuần trôi qua, kết quả vẫn chưa có gì mới hơn ngoài việc Bộ Xây dựng thông báo chọn đơn vị mới điều tra nguyên nhân như nói trên. Điều này khiến người ta có cảm giác, mọi việc đang trở lại từ đầu.
Tương tự với dự án lấp sông Đồng Nai, rất nhiều nghiên cứu, chứng cứ về ảnh hưởng của dự án lên dòng chảy; tác động tiêu cực của việc "bóp" sông đến hàng triệu người dân ở vùng hạ lưu; ảnh hưởng của dự án tới việc cung cấp nước cho 18 triệu dân của 11 tỉnh, thành có liên quan... đã được các nhà khoa học thực hiện khảo sát cụ thể và công bố. Đặc biệt, về khía cạnh pháp lý, dự án còn vi phạm luật như luật Tài nguyên nước; luật Bảo vệ môi trường; phê duyệt dự án vượt quá thẩm quyền... Những vi phạm này cũng đã được các bộ, ngành có liên quan xác nhận. Thế nhưng đã gần một tháng trôi qua, vẫn chưa có một phán quyết chính thức nào về các sai phạm này để trả lại nguyên trạng cho dòng sông Đồng Nai.
13 người chết, 28 người bị thương trong vụ sập giàn giáo Formosa và hàng vạn công nhân sẽ còn tiếp tục làm việc tại dự án này đang chờ đợi từng ngày kết quả điều tra; cuộc sống của hàng triệu người dân cũng như số phận của hàng ngàn con sông trên cả nước cũng đang trông chờ vào kết luận của cơ quan có thẩm quyền.
Đừng để người dân phải sốt ruột vì sự chậm trễ khó hiểu như thế này.
Theo Thanh niên