Doanh nhân

Cháy bỏng niềm đam mê trong đêm tôn vinh Ca Huế

Vào tối 16/4, lễ hội “Âm sắc Hương Bình” đã diễn ra tại bến Nghinh Lương Đình, TP Huế nhằm tôn vinh ca Huế - môn nghệ thuật độc đáo đất cố đô.

Ca Huế là loại hình âm nhạc truyền thống, là tinh hoa của nhiều dòng âm nhạc cổ truyền dân tộc. Khi hội tụ ở Huế, nhất là trong giai đoạn Huế là kinh đô của cả nước, giữa sự giao thoa và tiếp nhận vốn văn hóa chung cả nước, xuất phát từ phong cách sống, tâm tư, tình cảm và ngữ âm của bản địa, ca Huế đã tạo nên một bản sắc riêng mang tính đặc trưng và độc đáo của mảnh đất và con người xứ Huế.

Ca nhạc Huế, từ dân gian được phát triển vào cung đình, và từ cung đình lại lan tỏa ra dân gian, tạo ra 2 dòng âm nhạc: Âm nhạc cung đình và âm nhạc dân gian. Hình thức diễn xướng mang tính bác học được khởi nguồn từ các triều đại vua chúa tại kinh đô Huế, được diễn ra trong các dinh thự, phủ đệ của các bậc quyền quý và giới thượng lưu, trong một không gian thính phòng, bằng những khúc ca tri âm, tri kỷ.

 

Đêm tôn vinh tinh hoa ca Huế diễn ra đầy trang trọng, ấm áp và quý phái

 

Ngày nay hoạt động ca Huế đang được gìn giữ và phát triển, tạo nên sự lan tỏa và kế thừa truyền thống, giá trị văn hóa đặc sắc của cha ông. Có thể nói, nghệ thuật ca Huế đã thực sự là một giá trị tinh thần, một cảm xúc thưởng ngoạn của du khách mỗi khi đến vùng đất cố đô. Với lịch sử gần 500 năm, ca Huế đã phát triển thêm nhiều loại hình diễn xướng độc đáo khác như: Ca Huế - múa dân gian và Ca kịch Huế, đã khẳng định sự trường tồn và phát triển đa dạng của loại hình nghệ thuật này.

Lễ hội “Âm sắc Hương Bình” được diễn ra trong dịp Festival Huế 2014 phục vụ cho cộng đồng và du khách nhằm hướng đến mục đích tôn vinh và quảng bá về giá trị của nghệ thuật ca Huế; ghi ơn các bậc nghệ nhân tiền bối, những người đã có công bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống của ca Huế; khẳng định về chất lượng nghệ thuật cũng như bản sắc độc đáo, riêng biệt của ca Huế.

Theo TS. Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Thừa Thiên – Huế, lễ hội có ý nghĩa quan trọng với việc khuếch trương một sản phẩm văn hóa đặc sắc và tiêu biểu ở vùng đất giàu văn hóa như Huế. Đồng thời ban tổ chức cũng mong muốn xây dựng Ca Huế thành 1 thương hiệu văn hóa mang phong cách và bản sắc độc đáo của Huế đối với cộng đồng và du khách. Góp phần tạo nên động lực trong quá trình lập hồ sơ trình lên Nhà nước công nhận: Ca Huế là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.


Người xem đã có dịp trải lòng, đi từ nhiều cung bậc cảm xúc từ êm dịu, sâu lắng, trữ tình đến trữ vui nhộn, sôi động của các bản ca Huế tiêu biểu nhất trong kho tàng Ca Huế cung đình – dân gian qua trình bày của những nghệ nhân Ca Huế hàng đầu hiện nay. Như hát múa Long Ngâm – Kim Tiền – Ngựa Ô và Mái Xắp; Hò Mái Nhì và Nam Ai dưới giọng ca “vàng” của nghệ nhân Thanh Tâm (trên 70 tuổi, dành cả đời cho ca Huế) khắc họa nỗi lòng tương tư người con gái Huế với cảnh sắc quê hương và nỗi nhớ thương xa cách người thân; NSƯT Thu Hằng (nghệ sĩ đã tiếp bước vững vàng trên con đường nghệ thuật của các bậc nghệ nhân) với làn điệu Hầu văn Nhớ ơn công đức tổ tiên mang tính tâm linh, tín ngưỡng; NSƯT Khánh Vân (45 năm gắn bó với nghệ thuật Ca Huế) bài Cổ bản Non nước Hương Bình về nghĩa trọng tình sâu bạn bè.

Bên cạnh đó, các tiết mục nhiều nghệ sĩ biểu diễn như Hát múa Giã gạo đêm Trăng của Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế; Ca kịch Huế vở Ngọn lửa tình yêu với sự thể hiện xuất sắc của NSƯT Đình Dũng – Kiều Oanh, NS Ngọc Linh – Bảo Dần – Hiền Lương. Tất cả nghệ sĩ ca Huế trong đêm tôn vinh đã cống hiến với tất cả lòng đam mê, lửa nghề cháy bỏng qua giọng ca không thể nào hay hơn, gây cảm xúc mạnh mẽ đến hàng ngàn người xem. Đặc biệt, bé Trâm Anh trong khúc ca Huế tri ân đến các tiền nhân đi trước, tuy nhỏ tuổi nhưng với chất giọng hay tuyệt vời, rành rỏi trong cách nhả chữ đã cho thấy, thế hệ trẻ có rất nhiều tiềm năng, giữ cho ngọn lửa Ca Huế cố đô được cháy mãi.

Trong lễ hội đã tôn vinh 37 nghệ nhân tiêu biểu của nghệ thuật ca Huế. Nghệ sĩ ca Huế gạo cội Minh Mẫn (87 tuổi) và Thanh Hương (84 tuổi) vì lý do sức khỏe đã không đi được. Nghệ nhân Mộng Điệp (hơn 90 tuổi) và nghệ nhân Lữ Hữu Thi (104 tuổi, nhạc công cuối cùng của dàn nhạc lễ cung đình triều Nguyễn) phải được các nghệ sĩ dìu lên sân khấu. Trước đó, các nghệ sĩ đã đi dâng hương, hoa và tại Cổ Nhạc từ - Nhà thờ tổ Ca Huế, thờ các bậc tiền nhân đã có công xây dựng ngành âm nhạc truyền thống Huế, và đi đến nhà thăm các nghệ sĩ ca Huế lớn tuổi, bệnh tật.

 


Âm sắc Hương Bình là lễ hội đầu tiên và trọn vẹn nhất tôn vinh Ca Huế - nghệ thuật tao nhã đất Thần kinh cố đô


Các nữ ca sĩ hát ca Huế


Những cô gái Huế xinh đẹp này đã từng làm xiêu lòng bao mặc khách đến cố đô


Nghệ nhân Thanh Tâm gắn trọn một đời với ca Huế có chất giọng ấm áp, truyền cảm da diết


Hò Mái Nhì và Nam Ai đã là một "mặc định" về Ca Huế trữ tình, buồn sâu lắng con tim


Tôn vinh nghệ nhân "vàng" Thanh Tâm


NSƯT Thu Hằng với Hầu văn mang phong cách lên đồng, ma mị nhưng vui nhộn

Những chàng trai, cô gái cầm phách và 2 cặp tách nhỏ đung đưa tạo thành tiếng động vui tai - một đặc trưng trong dàn nhạc Ca Huế


37 nghệ nhân được tôn vinh - khẳng định giá trị bất hủ qua thời gian của ca Huế


Bé Trâm Anh gây ngạc nhiên với giọng ca hay hiếm thấy


Khoảnh khắc giữa thế hệ già và thế hệ trẻ gặp nhau, tiếp lửa để Ca Huế còn sống mãi


NSƯT Khánh Vân hát đến nao lòng bài Cổ bản Non nước Hương Bình

Người nữ nghệ sĩ cháy hết niềm đam mê trong điệu Ca Huế mà chị đã hàng ngàn lần hát

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo