CHECKVN - Giải pháp truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm an toàn
Sáng 17/9, tại Hà Nội, Trung tâm Doanh nghiệp hội nhập và phát triển thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phối hợp với các đơn vị chức năng đã tổ chức buổi hội thảo "Quy trình xác thực hàng giả - Giải pháp truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm an toàn".
Tham dự buổi hội thảo gồm có: PSG. TS Bùi Thị An - Phó chủ tịch Liên hiệp khoa học kĩ thuật Hà Nội; ông Trần Nguyên Tháp - Chi cục trưởng chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Hưng Yên; bà Phạm Thị Lý - Chủ nhiệm đề tài khoa học, tác giả sáng chế "Quy trình xác thực chống hàng giả", giám đốc Trung tâm Doanh nghiệp hội nhập và phát triển (IDE)...
Tại buổi hội thảo, đại diện cho nhóm tác giả sáng chế "Quy trình xác thực chống hàng giả", bà Phạm Thị Lý - Giám đốc Trung tâm Doanh nghiệp hội nhập và phát triển cho biết, trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái đang có xu hướng ngày càng gia tăng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, kinh tế, xã hội và uy tín của các doanh nghiệp chân chính.
Đồng thời, nhằm góp phần thúc đẩy sâu rộng Cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã chỉ đạo Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và phát triển là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất một số biện pháp, giải pháp trong lĩnh vực công nghệ nhằm góp phần bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và nhà sản xuất, bảo vệ thương hiệu hàng Việt Nam...
Năm 2015 từ thành công của đề tài khoa học “Quy trình xác thực chống hàng giả” Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã chỉ đạo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức thường niên trên quy mô toàn quốc chương trình “Bảo vệ thương hiệu hàng hóa Việt Nam”.
Năm 2016 tại Kế hoạch số 212/KH – MTTW- BCĐTWCVĐ, Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam chỉ đạo “ứng dụng Quy trình xác thực chống hàng giả trong việc chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, quản lý dòng hàng, bảo vệ thương hiệu đối với doanh nghiệp”. Việc triển khai các nhiệm vụ nêu trên đồng thời là việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đối với cộng đồng doanh nghiệp.
Bà Lý cho biết, “Quy trình xác thực chống hàng giả” là sáng chế khoa học hoàn toàn mới, mang tính tiên phong, có nhiều tính năng vượt trội về bảo mật và đột phá về công nghệ.
Bản chất của sáng chế gồm: Phần mềm ứng dụng trên thiết bị di động mang tên CHECKVN, có chức năng đọc và phản hồi nhanh thông tin về sản phẩm qua hai mã xác thực, định vị vị trí xác thực sản phẩm. Cổng thông tin hàng hóa chính hãng www.Check.net.vn, có chức năng lưu giữ các thông tin và cam kết của nhà sản xuất về sản phẩm; sinh mã số bảo mật cho các sản phẩm được bảo vệ.
Bà Lý cũng cho biết, trong quá trình nghiên cứu, triển khai và sản xuất thử nghiệm, Trung tâm đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của một số nhà khoa học uy tín và đơn vị sản xuất, trong đó có Công ty cổ phần khóa Việt Tiệp là đơn vị tiên phong ứng dụng thử nghiệm, cho kết quả tốt.
Sáng chế đã đăng ký bảo hộ quốc tế về sở hữu trí tuệ; đã báo cáo Chính phủ, được Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc năm 2016 (nay là Thủ tướng Chính phủ) cho ý kiến giao Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia nghiên cứu, tiếp thu để vận dụng cụ thể; Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã chính thức đưa đề án vào thực hiện chương trình bảo vệ thương hiệu hàng hóa Việt Nam thường niên trên quy mô toàn quốc trong kế hoạch triển khai thực hiện năm 2015; từ kết quả ứng dụng thực tiễn, năm 2016 quy trình này tiếp tục được lựa chọn là công cụ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, quản lý dòng hàng, bảo vệ thương hiệu và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam hội nhập quốc tế.
Bà Lý cho biết thêm, với giải pháp quy trình xác thực chống hàng giả này nếu áp dụng trong chăn nuôi, trồng trọt và các sản phẩm nông sản, đây có thể là phương án chứng minh được là sản phẩm của nhà sản xuất đang ứng dụng theo phương pháp sử dụng các loại phân hữu cơ hay sản phẩm của nhà sản xuất sử dụng trồng trọt theo phương thức hóa học như bây giờ.
"Sau 1 năm triển khai thực hiện trên diện rộng, Quy trình xác thực chống hàng giả đã được 15 tỉnh thành trên cả nước tiếp thu vận dụng vào hoạt động của doanh nghiệp. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp kinh doanh hàng nông sản đã áp dụng sáng chế này và cho hiệu quả rõ rệt, giúp các doanh nghiệp không còn bị tình trạng làm giả sản phẩm, người tiêu dùng tin tưởng vào sản phẩm hơn", bà Lý chia sẻ.
Cũng tại hội thảo, PSG. TS Bùi Thị An - Phó chủ tịch Liên hiệp khoa học kĩ thuật Hà Nội đánh giá, việc áp dụng Quy trình xác thực chống hàng giả vào việc truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm an toàn là sự cố gắng của IDE góp phần minh bạch nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, hỗ trợ tích cực cho sản xuất nông nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam, bảo vệ thương hiệu, sản phẩm hàng hóa và quyền lợi của người tiêu dùng.
"Trong khi các biện pháp truy xuất nguồn gốc hàng hóa mới xuất hiện và cùng lúc chào mời doanh nghiệp, việc giới thiệu một giải pháp uy tín, đã được kiểm chứng, có bản quyền công nghệ sẽ giúp cho nhà sản xuất lựa chọn được những đơn vị cung cấp giải pháp uy tín, xứng đáng để bảo vệ thương hiệu, sản phẩm của doanh nghiệp và quyền lợi người tiêu dùng là việc làm đáng trân trọng của đơn vị đầu mối kết nối doanh nghiệp", bà An đánh giá.
Cũng tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp, chuyên gia khác cũng đánh giá sáng chế "Quy trình xác thực chống hàng giả" là giải pháp chống hàng giả số một cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh nông sản.
End of content
Không có tin nào tiếp theo