Chỉ nên “ôm” ngân hàng yếu tạm thời
Thưa ông, làn sóng sáp nhập ngân hàng đang diễn ra rầm rộ. Trong đó, điểm đáng chú ý nhất là các ngân hàng quốc doanh như VietinBank, Vietcombank đang bắt đầu sáp nhập ngân hàng nhỏ. Điều này có làm suy yếu sức khỏe của các ngân hàng quốc doanh không, thưa ông?
Từ khi khủng hoảng bắt đầu xảy ra, chúng tôi đã dự đoán sức mạnh của các ngân hàng thương mại quốc doanh sẽ mạnh lên, vì đây là khối doanh nghiệp có sự bảo vệ của Chính phủ, có nguồn lực lớn. Hiện nay, quá trình tái cơ cấu ngân hàng đang diễn ra theo đúng hướng thể hiện ngày càng rõ vai trò của khối ngân hàng quốc doanh.
Việc ngân hàng quốc doanh sáp nhập các ngân hàng nhỏ sẽ không làm sức khỏe của các ngân hàng này bị suy yếu, vì những ngân hàng quốc doanh có tiềm lực lớn. Tuy nhiên, tôi cho rằng, việc sáp nhập này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự lành mạnh của toàn bộ hệ thống ngân hàng.
Cụ thể, việc toàn bộ hệ thống ngân hàng tập trung vào một số ít ngân hàng thương mại quốc doanh sẽ làm chậm quá trình cải thiện sức cạnh tranh của hệ thống, vì thị trường ngân hàng đòi hỏi phải hình thành những định chế tài chính lớn. Một số ngân hàng thương mại quốc doanh hiện nay đã đáp ứng được tiêu chí này, nhưng sự kết nối của họ với Chính phủ cũng ngày càng lớn. Vì vậy, nếu hệ thống ngân hàng tập trung quá nhiều vào các ngân hàng lớn của Nhà nước thì sẽ gây rủi ro trong tương lai, vì những ngân hàng này có thể ảnh hưởng lớn về chính sách, gây ra sự thao túng thị trường.
Mặt khác, các doanh nghiệp nhà nước nói chung được đánh giá không cao về tính minh bạch, khả năng thay đổi để thích ứng, khả năng cạnh tranh trên thị trường. Do đó, hệ thống ngân hàng cần có sự phát triển cân đối giữa khối ngân hàng quốc doanh và ngân hàng tư nhân. Nói cách khác, cần phải xây dựng, hình thành những ngân hàng tư nhân lớn mạnh, có bề dày để tạo sự năng động cho toàn hệ thống ngân hàng.
Chính phủ đã có quy định cho phép Ngân hàng Nhà nước mua lại ngân hàng yếu, song đến nay, Ngân hàng Nhà nước chưa trực tiếp đứng ra mua lại ngân hàng nào. Theo ông, đâu là lý do?
Ngân hàng Nhà nước chưa thực hiện vì thủ tục cơ quan quản lý nhà nước đứng ra mua lại một ngân hàng rất phức tạp. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước có thể thực hiện thông qua các ngân hàng thương mại quốc doanh, bởi đây là cánh tay nối dài của Ngân hàng Nhà nước. Các ngân hàng quốc doanh có nguồn lực, có nghiệp vụ, nên sẽ thuận lợi hơn Ngân hàng Nhà nước khi trực tiếp đứng ra mua lại.
Hiện nay, PGBank đang có ý định sáp nhập VietinBank theo mô hình ngân hàng trong ngân hàng? Liệu đây có phải là hình thức sáp nhập để sau này buông ra?
Không loại trừ khả năng đó. Theo tôi, mô hình ngân hàng trong ngân hàng không có vấn đề gì đáng ngại. Hình thức này giống như con trăn nuốt một con hươu, cần có thời gian để tiêu hóa hết. Trong quá trình sáp nhập, thay vì hấp thụ ngay lập tức, thì hai ngân hàng có thể lựa chọn giải pháp cùng chung sống, cùng hỗ trợ. Sau một thời gian, khi đã tái cơ cấu xong, ngân hàng lớn có thể bán ngân hàng nhỏ đi, hoặc hấp thụ toàn bộ ngân hàng đó.
Khả năng thứ hai có thể xảy ra là, có thể VietinBank muốn phát triển mô hình tập đoàn tài chính, hình thành những ngân hàng con chuyên sâu về một mảng lĩnh vực, mảng doanh nghiệp nào đó.
Thay vì cố cứu các ngân hàng nhỏ bằng sáp nhập, tại sao Ngân hàng Nhà nước không cho phép phá sản các ngân hàng yếu, thưa ông?
Theo quy định pháp luật hiện nay, phá sản doanh nghiệp đã khó, phá sản ngân hàng càng phức tạp hơn nhiều. Hơn nữa, phá sản ngân hàng là vấn đề nhạy cảm, có thể gây bất ổn trên thị trường.
Tuy Ngân hàng Nhà nước chưa tuyên bố ngân hàng nào phá sản, song thực tế, phần lớn các thương vụ sáp nhập hiện nay đều mang tính chất phá sản, đóng cửa ngân hàng yếu.
Vấn đề là thủ tục phá sản tại Việt Nam quá rắc rối và Việt Nam chưa có kinh nghiệm phá sản ngân hàng như các nước khác thì chưa nên làm.
End of content
Không có tin nào tiếp theo