Bất động sản

Chi tiền khủng mua đất nghĩa trang

Cuối năm, được coi là “mùa cải táng”, nên nhiều người lại đi săn tìm mua những khu đất nghĩa trang đẹp để sang cát cho ông bà tổ tiên trong gia đình.

Theo thống kê, các nghĩa trang trên địa bàn Hà Nội hiện nay đa số đều rơi vào tình trạng quá tải. Một số địa điểm như Văn Điển, Mai Dịch…đã đóng cửa không nhận thêm người mai táng từ mấy năm nay. Điều này khiến nhiều gia đình lo sợ sẽ không làm tròn chữ hiếu khi người thân không may qua đời.

Anh Nguyễn Văn Ngọc, một khách hàng đang có tìm mua mộ phần cho người thân ở nghĩa trang cho biết: "Tôi nghĩ việc con cái lo hậu sự cho cha mẹ là một việc tất yếu, thể hiện sự lòng hiếu thảo đối với các bậc sinh thành. Tôi cũng muốn mua một khu đất đẹp, sang trọng cho bố mẹ mình khi các cụ đang ở cái tuổi xưa nay hiếm. Đó là cách để cha mẹ tôi cảm thấy an lòng. Mua được một khu đất đẹp, hợp tuổi với từng người không phải đơn giản và cũng phải chi không ít tiền”.

Còn bác Tô Ngọc Hiền (Nghĩa Tân, Hà Nội) bày tỏ, tước đây, mọi người trong gia đình tôi thường né tránh nhắc đến chuyện ma chay, hậu sự cho người đang còn sống. Nhưng bây giờ, đất nghĩa trang ngày càng co hẹp, việc lo đất mai táng đối với người cao tuổi là chuyện nghiêm túc đối với nhiều gia đình.

“Bản thân tôi và ông nhà tôi đều đã gần 80 tuổi, nên việc lo nơi an nghỉ cuối cùng là việc nên tính đến từ bây giờ. Cuối năm nay, đến kỳ rút lãi suất tiết kiệm, vợ chồng tôi sẽ đi tìm một nơi để đặt chỗ trước”, bác Hiền nói.

Hiện hai khu nghĩa trang: Lạc Hồng Viên (Kỳ Sơn, Hòa Bình) và Vĩnh Hằng (Ba Vì) đang là địa điểm được nhiều khách tìm mua nhất.

Hai nghĩa trang này được thiết kế theo kiểu công viên nghĩa trang, mang phong cách của Châu Âu, thoáng mát và sạch sẽ nên thu hút được sự chú ý của nhiều khách hàng, đặc biệt là những khách “VIP”, sẵn sàng bỏ hàng chục tỷ đồng ra mua những khu “biệt thự” tại nghĩa trang này.

Theo ông Trần Tuấn Anh, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Toàn Cầu, chủ đầu tư dự án Lạc Hồng Viên, thông thường dịp cuối năm, các khách hàng hỏi mua đất nghĩa trang cũng đông hơn hẳn dịp đầu năm. Có tới 70 – 80% khách đã mua đất di chuyển các phần mộ gia đình về Lạc Hồng Viên.

Theo khảo sát, giá của các khu liền kề, hay biệt thự tại Lạc Hồng Viên thường khá cao, dao động khoảng 25 triệu đồng/m2 (tính đầy đủ các chi phí). Vì vậy, có những khu đất giá lên tới gần chục tỷ đồng. Còn giá của các khu mộ đơn thì lại rất rẻ, chỉ 15 triệu đồng/suất (tương đương với 1 phần mộ).

Trong khi đó, giá tại một số nghĩa trang khác trong Hà Nội như nghĩa trang Quán Dền (Nhân Chính, Thanh Xuân) hay nghĩa trang Láng Hạ, giá từ 90 – 120 triệu đồng/suất. Đặc biệt, để vào được các nghĩa trang này thường rất khó vì hầu như đều đã kín chỗ.

Nhiều công ty chuyển hướng sang đầu tư lĩnh vực này như một hướng đi mới trong bối cảnh thị trường khó khăn. Ở khu vực phía Nam, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư một lượng vốn lớn vào lĩnh vực này. Lợi thế của thị trường này là cầu luôn nhiều hơn cung. Nhà đầu tư nếu có con mắt tinh tường, lựa chọn được những mảnh đất có vị trí đẹp, phong thủy tốt, đánh trúng nhu cầu khách hàng thì sẽ làm tăng giá trị lên 3-4 lần so với mức thông thường.


Tuy nhiên, theo ông Trần Tuấn Anh, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Toàn Cầu, đầu tư vào lĩnh vực này cũng rất mạo hiểm vì nguồn vốn đầu tư ban đầu lớn rất lớn, trong khi thu hồi vốn lại lâu. Thậm chí, nếu không khai thác tốt thì nguy cơ thua lỗ là rất cao.

“Hiện công ty tôi đã bỏ 700 tỷ đồng vào dự án Lạc Hồng Viên, nhưng đến nay tiền khai thác vẫn chưa đủ bù tiền đầu tư”, ông Tuấn Anh nói.

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường thẳng thắn bày tỏ ý kiến: "Có cầu ắt có cung. Việc xuất hiện ngày càng nhiều các khu đất nghĩa trang là đáp ứng nhu cầu tất yếu của thị trường.

Tuy nhiên, không nên cho rằng mua đất nghĩa trang giá khủng không phải là một xu hướng, bởi đại gia là lực lượng chiếm số ít trong xã hội.

Các đại gia người Việt rất cẩn thận, khi còn sống họ không chỉ thể hiện đẳng cấp bằng những thú chơi đốt tiền mà muốn khi bước sang thế giới bên kia cũng phải đàng hoàng, chu đáo. Song theo tôi, chuyện này cũng là lẽ đương nhiên vì họ có quyền sử dụng tiền của mình theo ý muốn”.


Theo Quy hoạch nghĩa trang Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050 vừa được Hội đồng nhân dân thành phố thông qua, cùng với xây dựng mới, thành phố sẽ từng bước đóng cửa các nghĩa trang hiện có như Mai Dịch 1, Xuân Đỉnh, Vạn Phúc, Văn Điển, Yên Kỳ 1, Sài Đồng trong vòng 3 năm tới.

Tương tự, dần dần, các nghĩa trang phân tán, có quy mô nhỏ hoặc không nằm trong quy hoạch sẽ phải đóng cửa, trồng cây xanh cách ly.

 

 

Hải Anh (Theo VTC News)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo