Chiến trường biên giới & Bài văn điểm 0 của Nguyễn Quang Sáng
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã qua đời ngày 13/2, hưởng thọ 82 tuổi. Thông tin ấy khiến nhiều người thương tiếc. Nhưng trong sự tiếc nuối một tài năng của văn chương cách mạng Việt Nam, nhìn kỹ lại, thấy cả trách nhiệm trả lời những câu hỏi mà con người (tưởng như) thuộc thế hệ cũ ấy đã đặt ra.
Nguyễn Quang Sáng có một truyện ngắn mang tên “Bài học tuổi thơ”, viết năm 1990, kể câu chuyện của một bài tập làm văn với đề bài là “Trò hãy tả buổi làm việc ban đêm của bố”.
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng |
Khúc mắc trong truyện rất đỗi thông thường (tức là bất thường một cách quen thuộc). Có một trò được điểm 6 dù ba nó không hề đi làm đêm, ban đêm chỉ đi nhậu, nhưng nó tả cảnh ba nó làm ban ngày rồi chuyển thành ban đêm. Một trò khác, được 0 điểm, vì nộp giấy trắng.
Cô giáo quát mắng, trò được 0 điểm mới thú nhận rằng mình không có ba từ lúc lọt lòng. Ba em đã hy sinh trên chiến trường biên giới.
Nó cứ làm thinh. Tức quá, cô mới quất cây thước xuống bàn cái chát: "Sao trò không làm bài?" Tới lúc đó nó mới nói: "Thưa cô, con không có ba". Nghe nó nói, hai con mắt của cô con mở tròn như hai cái tô. Cô đứng sững như trời trồng vậy ba!
Tôi bỗng nhập vai là cô giáo. Tôi thấy mình ngã qụy xuống trước đứa học trò không có ba.
Sau đó cô và cả lớp mới được biết, em mồ côi cha khi vừa mới lọt lòng mẹ. Ba em hy sinh trên chiến trường biên giới. Từ ấy, má em ở vậy, tần tảo nuôi con...
Nhà văn đã rất cẩn thận khi viết rõ rằng các em học sinh ở đây 11 tuổi, học lớp 6. Nghĩa là lấy mốc năm 1990 trừ đi, thì người cha của em học trò bị điểm 0 đã hy sinh năm 1979. Đó là năm mà tại cái “chiến trường biên giới” ấy, rất nhiều gia đình đã mất đi một người cha, người chồng, người con.
Đó là một câu chuyện của giáo dục. Những điểm 0 và điểm 6 như thế chắc chắn đã không “tuyệt tích” từ thời mà Nguyễn Quang Sáng viết “Bài học tuổi thơ”. Đến tận hôm nay đề tập làm văn trong trường phổ thông vẫn mang mô thức “Hãy tả một ai đó đang làm gì đó” mà không nhất thiết phải quan tâm đến việc ai đó có thực sự tồn tại hay là họ đã tồn tại như thế nào.
Điểm 0 của Nguyễn Quang Sáng, thật ra dành cho người thày – người đã dạy một công thức lắp ghép hơn là dạy cách mô tả cuộc sống. Những điểm 0 như thế đến hôm nay vẫn tồn tại.
Đó còn là câu chuyện của tình người, của cách người ta đối xử với quá khứ. Một đứa trẻ có người cha đã hy sinh ở “chiến trường biên giới” năm 1979, tồn tại trong lớp học ấy như một điều hiển nhiên cho đến khi hoàn cảnh trớ trêu cho người ta biết sự thật. Nguyễn Quang Sáng hẳn đã không vô tình khi chọn chi tiết “chiến trường biên giới” cho sự thờ ơ ấy, sự lãng quên ấy.
Còn bao nhiêu số phận nữa gắn với cái chiến trường biên giới năm 1979 ấy cũng đã bị lãng quên như em học sinh lầm lũi trong lớp học kia? Câu hỏi ấy vẫn chưa thể được trả lời đích đáng đến hôm nay.
Và hẳn ông cũng không vô tình khi mô tả rằng mắt cô giáo chỉ biết “mở tròn như hai cái tô” và “đứng như trời trồng” khi nghe đến câu chuyện của em học sinh.
Giá mà câu chuyện có thể kết lại bằng một tiết học về những người lính đã hy sinh nơi chiến trường biên giới cách đấy 11 năm hay là một sự thay đổi nào đó trong bài văn bị điểm 0 của em học trò.
Nhưng không, cô giáo đứng như trời trồng, câu chuyện chỉ dừng lại ở đó, em học trò vẫn bị điểm 0 vì ba em đã mất nơi chiến trường biên giới. Một ẩn dụ đắng chát.
Điểm 0 ấy, có thể dành cho bất kỳ ai trong chúng ta, những người đã lãng quên một phần lịch sử. Điểm 0 ấy, đến hôm nay vẫn đáng phê lên trán của rất nhiều người đang sống.
End of content
Không có tin nào tiếp theo