Phân tích

Chính phủ luôn “kề vai sát cánh” cùng cộng đồng doanh nghiệp

(DNVN) - Đó là lời nhấn mạnh của Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2015 với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp để hội nhập quốc tế” diễn ra ngày 1/12 tại Hà Nội.

Tại diễn đàn, phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhận định, trong bối cảnh Việt Nam đã là thành viên của nhiều Hiệp định thương mại, đứng trước nhiều cơ hội và thách thức, thì việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hoàn thiện cơ chế chính sách là rất quan trọng. Muốn vậy, cần phải khắc phục những tồn tại được chỉ ra lâu nay như năng suất lao động thấp, bộ máy hành chính công rườm rà, tình trạng nhiêu khê, tham nhũng…

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2015. Ảnh: VGP.

Cũng tại diễn đàn, bà Virginia B.Foote - Đồng Chủ tịch Liên minh diễn đàn Doanh nghiệp thì cho rằng, từ diễn đàn giữa kỳ vào tháng 6/2015 đến nay đã có nhiều tiến bộ đáng kể trong các vấn đề quan trọng đối với môi trường đầu tư - kinh doanh ở Việt Nam. Bà hy vọng diễn đàn lần này tiếp tục thu hút sự quan tâm của Chính phủ, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhằm chuẩn bị tốt nhất để tận dụng lợi thế mà các Hiệp định thương mại tự do sẽ mang lại. 

Chia sẻ ý kiến, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, những cải cách của ngành hải quan năm 2015 như triển khai hệ thống thông quan tự động, chữ ký điện tử, thanh toán điện tử… đã góp phần giảm chi phí và rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu.

Tuy nhiên, theo ông Lộc, tình trạng ban hành văn bản, thông tư mới dồn dập đã khiến DN gặp khó khăn trong việc cập nhật và thực hiện. Nhiều văn bản quá dài, nhiều quy định, nhiều từ ngữ không rõ ràng, dễ dẫn đến cách hiểu, cách giải thích, cách áp dụng khác nhau, phát sinh chi phí ngoài luồng khiến doanh nghiệp thêm khó khăn.

Bên cạnh đó, lãnh đạo VCCI cũng cho biết, quy trình thực hiện việc kiểm tra thực tế hàng hóa và giám sát hải quan tại nhiều đơn vị hải quan địa phương còn chưa rõ ràng. Ví dụ như việc kiểm tra sau thông quan, cơ quan hải quan kiểm tra sau thông quan cả những tờ khai đã được kiểm tra thực tế. Việc xử lý chênh lệch về số liệu tồn kho giữa số liệu của hải quan và doanh nghiệp đối với loại hình gia công và sản xuất xuất khẩu là không hợp lý, dẫn đến việc truy thu thuế trên số chênh lệch không phù hợp với thực tế.

Ông Lộc cũng cho biết, có nhiều doanh nghiệp phản ánh một số quy định pháp luật thuế hiện nay chưa rõ ràng, việc áp dụng khó khăn, thiếu không thống nhất. Đơn cử, một số quy định liên quan tới việc xác định chi phí hợp lý để khấu trừ khi tính thuế thu nhập DN còn thiếu rõ ràng, chưa phù hợp với yêu cầu tồn tại và cạnh tranh của doanh nghiệp; quy định liên quan tới thời điểm xuất hóa đơn; viết tắt tên, địa chỉ trên hóa đơn; quy định thuế thu nhập cá nhân…

 

Ngoài ra là tình trạng chậm hoàn thuế cho doanh nghiệp, việc thực hiện liên thông thủ tục giữa cơ quan Thuế và các cơ quan nhà nước có liên quan còn bất cập, các biểu mẫu kê khai thuế còn phức tạp và rườm rà, một số thông tin trùng lặp và một số chỉ tiêu không cần thiết. Đặc biệt là tình trạng thanh, kiểm tra thuế còn kéo dài gây phiền hà, phát sinh chi phí và gây tốn kém cho doanh nghiệp…

Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá cao những kết quả đáng khích lệ của kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2015 và những năm qua. Đó là nhờ điều hành quyết liệt, đúng hướng của Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ, ngành, đồng thời có đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư.

Phó thủ tướng cũng cho biết, năm 2015 cũng là năm có số doanh nghiệp mới thành lập lớn nhất từ trước đến nay với con số khoảng 94.000 doanh nghiệp. Chính vì vậy, Phó Thủ tướng cho biết trong năm 2016, các cơ quan nhà nước cần phải làm nhiều việc để ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng cao hơn, chất lượng hơn, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới tăng trưởng và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. 

Đặc biệt, Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành nghiên cứu, xem xét, tiếp thu và chủ động, khẩn trương giải quyết những kiến nghị hợp lý của doanh nghiệp nêu ra tại diễn đàn này. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển DN thuộc các thành phần kinh tế, nhất là khu vực DN tư nhân, DN FDI, doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Cuối cùng, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Hơn lúc nào hết, Chính phủ mong muốn được kề vai sát cánh, lắng nghe những kiến nghị, đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho việc hoạch định chính sách phù hợp và sát thực với nhu cầu của doanh nghiệp, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp vượt qua thách thức, phát triển bền vững, làm nền tảng cho sự thịnh vượng của nền kinh tế Việt Nam”.

 

VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo