Doanh nhân

Chính phủ vay tiền từ NHNN và Vietcombank: Sẽ trả nợ thế nào?

Thách thức nhất đối với nền kinh tế hiện nay chính là “loay hoay” trước áp lực tài khóa. Áp lực nợ công gần chạm trần; bố trí cho chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển còn khó khăn.

Báo cáo về tình hình kinh tế vĩ mô quý III năm 2015 của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã đưa ra nhận định về việc Chính phủ vay 30.000 tỷ đồng từ Ngân hàng Nhà nước trong quý III. Cơ quan này cho rằng, điều này đã gây sức ép lên chính sách tiền tệ.

Ông Nguyễn Anh Dương – Phó Trưởng ban kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã đặt câu hỏi: Chính phủ vay tiền từ NHNN và Vietcombank: Sẽ trả nợ thế nào?

“Chính phủ đã vay các ngân hàng thương mại như Vietcombank và vay Ngân hàng nhà nước; cụ thể trong quý III Chính phủ đã vay NHNN 30.000 tỷ đồng. Nhưng câu hỏi đặt ra là Chính phủ sẽ trả nợ như thế nào khi đã gần hết năm 2015? Điều này có giúp được thị trường tiền tệ không hay lại phải phát hành trái phiếu Chính phủ?” – Ông Dương lo ngại.

Theo ông Dương, tín dụng đã tăng trưởng chậm lại so với quý II do sự thận trọng của các ngân hàng thương mại trước thời hạn xử lý nợ xấu và áp lực lãi suất. Tỷ giá biến động do áp lực từ bên ngoài như việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ, áp lực từ giới chuyên gia đối với điều chỉnh tỷ giá.

Xuất khẩu tăng trưởng chậm trong quý III, tăng trưởng chủ yếu do tăng lượng hàng xuất khẩu. Thâm hụt thương mại quý III là 0,9 tỷ USD; đưa nhập siêu từ đầu năm đến hết tháng 9 là 4,3 tỷ USD. Tuy nhiên, thâm hụt ngân sách chưa gây nhiều áp lực đối với tỷ giá.

Một vấn đề được cho là thách thức nhất đối với nền kinh tế hiện nay chính là “loay hoay” trước áp lực tài khóa. Áp lực nợ công gần chạm trần; bố trí cho chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển còn khó khăn.

“Nếu muốn tăng thu sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp, liên quan đến thuế và phí. Bản thân việc phát hành TPCP kỳ hạn dài khó phát hành, kỳ hạn ngắn thì áp lực đảo nợ lớn. Chẳng hạn, giai đoạn năm 2012-2013, Chính phủ phát hành TPCP tràn lan gây áp lực trả nợ, vay đầu năm cuối năm đã phải trả trong khi chưa kịp giải ngân” – Ông Dương cho biết.

Bên cạnh đó, báo cáo của CIEM cũng nhận định, một trong những nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ kỷ luật NSNN không nghiêm. Sức ép từ quyết toán ngân sách các năm trước lớn, dự án đầu tư công còn dàn trải.

Theo ông Dương, nguyên nhân sâu xa của vấn đề là do chúng ta còn “3 chưa”: chưa quyết liệt trong tiết kiệm chi NSNN và đầu tư; chưa có kế hoạch trả nợ; chưa tạo điều kiện tối đa cho khu vực tư nhân.

“Đối với chính sách tiền tệ, ưu tiên cao nhất cho tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại và tập trung vào xử lý nợ xấu. Song cũng cần thông điệp sớm về điều hành tỷ giá trong năm 2016” – Phó Trưởng ban kinh tế vĩ mô CIEM nhận định.

Chính phủ vay nợ từ Ngân hàng Nhà nước

Chính phủ đã vay 30.000 tỷ đồng từ Ngân hàng Nhà nước trong quý III

Ngoài ra, đối với chính sách tài khóa, cần cân nhắc sâu hơn đến hệ lụy, thách thức khi điều hành các công cụ chính sách, tiền tệ, tỷ giá, tín dụng... Đồng thời, xây dựng và công khai kế hoạch trả nợ công trong trung và dài hạn; cân nhắc việc khống chế trần thâm hụt NSNN.

Không còn dư địa để chống lại các "cú sốc" từ bên ngoài

Trong báo cáo mới công bố về tình hình kinh tế Việt Nam quý III năm 2015, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất định, kinh tế vĩ mô Việt Nam vẫn thể hiện mức tăng trưởng phục hồi rõ nét.

Cụ thể, phục hồi ở cả đầu tư và tiêu dùng; tiềm năng tăng trưởng nhanh. Lĩnh vực công nghiệp xây dựng vẫn đóng góp chính vào tăng trưởng và đạt tốc độ tăng nhanh. Lạm phát ổn định ở mức độ thấp nhưng kỳ vọng lạm phát chưa giảm do rủi ro tăng giá hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, lãi suất, tỷ giá...

Đầu tư/ GDP tiếp tục tăng, đặc biệt là đầu tư của tư nhân và FDI. Thu hút FDI được coi là điểm sáng với vốn thực hiện tăng 3,4 tỷ USD trong quý III. Vốn đăng ký tăng tập trung ở một số dự án lớn. Tuy nhiên mức độ liên kết giữa DN FDI với DN trong nước còn kém, lợi ích thu được chưa tương xứng với kỳ vọng.

Trên cơ sở đó, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương dự báo, tăng trưởng GDP cả năm có thể đạt 6,61%; lạm phát ở mức thấp 0,68%; xuất khẩu tăng trưởng 9,6%; cán cân thương mại thâm hụt 4,5 tỷ USD.

Đánh giá về mức tăng trưởng của Việt Nam, TS Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng CIEM cho biết, con số tăng trưởng năm nay rất cao so với kỳ vọng ban đầu. Tuy nhiên, ông Cung cũng lo ngại, tăng trưởng chưa thực sự bền vững do không xuất phát từ nội lực mà còn phụ thuộc lớn vào khu vực FDI.

Về lạm phát, Viện trưởng CIEM cho rằng, nghịch lý ở Việt Nam là lạm phát thấp và luôn có xu hướng giảm nhưng lãi suất không giảm, kể cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Trong khi đây là những khoản chi phí tài chính lớn đối với doanh nghiệp.

“Nếu có những cú sốc từ bên ngoài, chúng ta sẽ không còn dư địa để chống lại các cú sốc nhằm ổn định kinh tế vĩ mô. Bởi nợ xấu còn lớn, kỷ luật tài khóa còn lỏng lẻo, nợ công tiếp tục xu hướng tăng” – ông Cung lo ngại.

Doanhnhansaigon/Tri thức trẻ

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo