Chính sách tỷ giá đến hồi mệt mỏi?
Với những gì đã diễn ra, 2015 là năm chính sách tỷ giá phải xoay xở nhiều nhất kể từ cuối 2011. Phải xoay xở nhiều hơn, có nghĩa là thực tế đã có nhiều thay đổi so với dự tính.
Thông điệp còn nguyên
Cuối tuần qua, Ngân hàng Nhà nước họp với lãnh đạo các ngân hàng thương mại. Biến động tỷ giá là một nội dung trọng tâm. Trước thềm cuộc họp, tỷ giá USD/VND có phần hạ nhiệt, nhưng diễn biến trước đó một lần nữa cho thấy những thử thách tiềm tàng.
Ba tháng sau khi Ngân hàng Nhà nước liên tiếp có điều chỉnh tỷ giá và nới biên độ (ngày 19/8), lần thứ hai giá USD trên biểu niêm yết của các ngân hàng thương mại bám trần, chỉ cách 7 VND, cao nhất 22.540 VND.
Thị trường đã thay đổi, điều kiện của các công cụ chính sách cũng đã thay đổi. Vậy, quan điểm và định hướng điều hành tới đây có thay đổi hay không?
Trên thị trường liên ngân hàng, đã xuất hiện một vài phiên thanh khoản kém, giá duy trì trên mốc 22.475 VND - mức Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước định hướng bán ra can thiệp. Trong các phiên 24 và 25/11, có thời điểm các ngân hàng đẩy giá mua bán với nhau lên tới 22.545 VND, tức chỉ cách trần có 2 VND.
Ngân hàng Nhà nước đã có động thái bán ra can thiệp. Tỷ giá trên liên ngân hàng hạ nhiệt nhanh nhưng vẫn ở trên mức 22.475 VND.
Tại cuộc họp cuối tuần qua, một lần nữa Ngân hàng Nhà nước nhìn nhận tác động lớn nhất vẫn là tâm lý thị trường. Thông điệp mà cơ quan này đưa ra ba tháng trước vẫn được khẳng định: giữ ổn định tỷ giá trong biên độ cho phép.
Ba tháng trước, sau khi tăng tỷ giá và nới biên độ, Ngân hàng Nhà nước định hướng và khẳng định việc xử lý chính sách đó đã tạo dư địa đủ cho việc ổn định tỷ giá không chỉ đến cuối 2015 mà cả những tháng đầu 2016. Đến nay, thông điệp đó còn nguyên.
Dư địa nằm ngoài lãnh thổ
Cùng nhận định với Ngân hàng Nhà nước, báo cáo tổng kết tuần của một số tổ chức đưa ra sáng nay (30/11) cũng cho rằng, tỷ giá tăng mạnh vừa qua có thể không phải nhu cầu thanh toán cao; nhập siêu đã chững lại, thậm chí xuất suất nhẹ tháng qua; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và kiều hối vẫn tăng khá…
Ngược lại, yếu tố tâm lý mà Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, cũng như tác động chính hiện nay được cho là kỳ vọng thị trường vào khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ quyết định tăng lãi suất vào cuộc họp ngày 15-16/12 tới. Trên thị trường thế giới, đồng USD cũng lên giá mạnh, trong khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) lại mở rộng nới lỏng tiền tệ.
Tình huống FED tăng lãi suất đã treo suốt từ đầu năm đến nay. Riêng sự dò đoán và ứng xử với nó bắt đầu từ tháng 6 trở lại đây đã là một sự mệt mỏi đối với chính sách điều hành tỷ giá USD/VND. Nó trở thành một điển hình đẩy dư địa của Ngân hàng Nhà nước ra ngoài lãnh thổ.
Tương tự, một tác động lớn và điển hình khác ngoài lãnh thổ là diễn biến đồng Nhân dân tệ, đã từng phá vỡ dư địa quãng định hướng giữ ổn định mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra đầu năm. Chỉ riêng hai yếu tố trên, đầy sinh động và tiềm ẩn những tác động mở rộng mà có thể phá vỡ một “cam kết cứng” nào đó liên quan.
Với tỷ giá USD/VND, để tránh phá vỡ định hướng, tình huống của FED và ám ảnh đồng Nhân dân tệ còn treo đó đã khiến việc điều hành mệt mỏi, với tần suất phải xử lý dày đặc từ đầu năm đến nay. Khi định hướng đã “đóng khung”, càng xử lý thì dư địa của chính sách càng hẹp đi.
Đã đến lúc thay đổi?
Dư địa là vùng đất Ngân hàng Nhà nước chủ động tạo ra. Từ năm 2011, nó gắn với lựa chọn chính sách: tuyên bố các khoảng biến động cho cả năm trước, đưa ra đáp số trước và xử lý các biến số sau.
Phải khẳng định rằng, lựa chọn trên đã đưa Ngân hàng Nhà nước lên vị thế của người chủ động dẫn dắt thị trường, niềm tin được gây dựng, đạt được các mục tiêu của chính sách.
Năm nay, nếu loại trừ biến cố quá lớn và quá khó lường từ sự kiện phá giá đồng Nhân dân tệ, cơ bản mục tiêu điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước vẫn đạt được. Nhưng, việc thực hiện đã mệt mỏi hơn nhiều.
Nếu từ cuối 2011, mỗi năm nhà điều hành chỉ điều chỉnh tỷ giá 1-2 lần, 2-3 đợt biến động phải can thiệp, thì riêng từ đầu năm đến nay đã phải ba lần điều chỉnh, hai lần nới biên độ, ít nhất hai lần phải bán ra can thiệp và không còn mua được ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối từ cuối quý 2.
Cùng đó, dư địa lãi suất USD đã gần như cạn kiệt sau quyết định hạ trần xuống 0% và 0,25% đối với tiền gửi tổ chức và cá nhân; Thông tư 15 có hiệu lực từ tháng 10 vừa qua cũng là một trong những biện pháp nắn dòng găm giữ cuối cùng của chính sách…Thị trường đã thay đổi, điều kiện của các công cụ chính sách cũng đã thay đổi. Vậy, quan điểm và định hướng điều hành tới đây có thay đổi hay không?
Ngân hàng Nhà nước đang để ngỏ. Định hướng ổn định tỷ giá được mở “những tháng đầu năm 2016”. Còn sau đó thì sao? Trước mắt, khi các doanh nghiệp hoạch định chính sách kinh doanh, đầu tư, sản xuất năm tới, tham chiếu về tỷ giá còn để ngỏ.
Riêng ở khía cạnh đó cũng đã là một thay đổi lớn. Ba năm trước, họ được “cố định” mức độ biến động tỷ giá để xây dựng kế hoạch kinh doanh, chủ động với rủi ro và chi phí liên quan đến tỷ giá. Còn năm tới, đến nay vẫn chưa thể khẳng định được chắc chắn điều gì.
Minh Đức/VnEconomy
End of content
Không có tin nào tiếp theo