Chịu hết nổi với lãnh đạo, giáo viên đình công
Việc đình công diễn ra vào ngày 17/2. Trước đó, vào tối 16/2, ông Nguyễn Hữu Tâm - Giám đốc Trung tâm nhận được tin nhắn của một giáo viên (GV): “Thầy ơi, sáng mai GV sẽ đình công”. Các GV đình công cũng báo tin cho phụ huynh để họ cho trẻ nghỉ học.
Quản lý kiểu không ai chịu nổi
Đây là bức xúc dồn nén của các GV trước cách hành xử của bà Phó GĐ quản lý chuyên môn Đàm Thị Tâm được chuyển về trung tâm công tác từ tháng 5/2013. Họ đã nhiều lần phản ánh lên Sở GD-ĐT TPHCM nhưng không được giải quyết.
Nhiều GV bày tỏ, bà Tâm đưa ra những nguyên tắc, yêu cầu hết sức vô lý trong hoạt động dạy học mà GV không thể đáp ứng được. Đặc biệt là cách hành xử có phần vô cảm đối với trẻ khuyết tật.
Một trong những chuyện gây bức xúc nhất cho GV là khi một học sinh mắc hội chứng Down do cô Đoàn Nguyên Trân phụ trách qua đời. Lập tức, bà Tâm yêu cầu cô Trân phải đưa tờ đơn cho gia đình xin ngừng chương trình can thiệp sớm để vào hồ sơ. GV này bị ức chế khi không thể làm theo yêu cầu của lãnh đạo: đưa đơn cho gia đình xác nhận khi họ đang đau buồn vì mất con.
Ngoài ra, trước đây trẻ nghỉ học, phụ huynh chỉ cần thông báo cho GV. Nhưng từ khi bà Tâm về, bà Tâm yêu cầu phụ huynh phải thông báo trực tiếp với mình.
“Khi trẻ nào nghỉ học, phụ huynh gọi cho GV xin phép bà không gọi cho bà Tâm thì bà sẽ gọi lại phụ huynh vặn vẹo, không chấp nhận việc xin nghỉ này. Việc này quá cứng nhắc gây ức chế cho cả GV lẫn phụ huynh”, một GV chia sẻ.
Chưa kể, có trẻ bị bệnh phải điều trị dài ngày theo yêu cầu bác sĩ nhưng bà Tâm chỉ cho nghỉ theo đúng số ngày bà đưa ra, nếu không sẽ không cho bé học tiếp.
Chị Hà, một phụ huynh học sinh cho hay nhờ có sự tiến bộ, con chị đã được GV cho phép tăng thời gian học 1 lên 3 tiết/tuần. Nhưng từ khi bà Tâm về chỉ cho cháu học 1 tiết/tuần, ảnh hưởng đến sự phát triển.
Không chỉ con chị Hà mà nhiều trẻ khác cũng bị bà Tâm bắt giảm tiết học như thế này mà không được giải đáp cụ thể.
Không tư lợi nhưng quá cứng nhắc?
Ông Nguyễn Hữu Tâm cho hay, nhiều phụ huynh cho con nghỉ 2 - 3 tuần, có khi cả tháng không đưa trẻ vào. Để theo dõi hiệu quả của chương trình giáo dục nên bà Đàm ThịTâm tìm hiểu rất kỹ lưỡng.
Nhiều vấn đề của trẻ, thay vì báo cho GV thì người này yêu cầu phải trực tiếp báo cho mình làm cho GV bị tổn thương, thấy mình không được tôn trọng, bị “bắp ép”.
“Về công việc chị Tâm làm không sai, không tư lợi gì nhưng cách làm quá cứng nhắc, nóng vội, gấp rút gây ức chế cho GV nên họ gửi đơn kiến nghị qua Sở GD”, ông Tâm nói.
Trong hội nghị cán bộ công chức, nhiều người cũng đã góp với bà Tâm nhưng bà vẫn bảo vệ quan điểm của mình, cho rằng mình không làm gì sai cho dù không chỉ một vài người mà hầu hết GV, nhân viên trong trường đều "hết chịu nổi" với mình.
Trước phản ứng của GV, ngày 2/1, lãnh đạo Trung tâm đã trao đổi với GV về phương án ngưng công việc chuyên môn can thiệp sớm của cô Tâm, chuyển sang công việc khác như công tác pháp chế, phụ trách mảng các trường chuyên biệt trong thành phố, tư vấn phụ huynh và tiếp nhận trẻ…
“GV không đồng tình, lãnh đạo cũng đã có kế hoạch chuyển công tác của cô Tâm nhưng GV vẫn không chịu, họ muốn cô Tâm phải chuyển khỏi trung tâm ngay. Đến nước này, phương án giải quyết đã nằm ngoài khả năng của Trung tâm nên chúng tôi chờ quyết định từ Sở”, ông Tâm nói.
Theo ông Tâm, vấn đề của cô Tâm không phải là những sai phạm rõ ràng như tham ô hay sửa điểm mà là do cách hành xử nên không phải nói xử lý là xử lý ngay được. Người này cũng cho rằng, chia sẻ với bức xúc của GV nhưng không đồng tình với cách đình công, nghỉ việc gây ảnh hưởng đến hoạt động của trung tâm.
Đến ngày hôm nay 18/2, hoạt động dạy học tại trung tâm có trên 150 trẻ đang theo học vẫn đang tạm ngưng để chờ xử lý từ Sở GD-ĐT TPHCM
End of content
Không có tin nào tiếp theo