Doanh nhân

Cho đi thì sẽ nhận được nhiều hơn thế

Khởi sự với 50 triệu đồng, Vĩnh Tiến nay đã có số vốn lên tới hàng trăm tỷ đồng, có nhà máy hiện đại với nhiều dòng sản phẩm trà, rượu vang, nước cốt trái cây với hàng trăm mẫu mã các loại, đặc biệt thương hiệu trà Atisô Vĩnh Tiến không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn được nhiều thị trường nước ngoài ưa chuộng.

Năm 2013, dù sức mua giảm sút nhưng sản phẩm của Vĩnh Tiến vẫn tăng trưởng đều, xuất khẩu ổn định, từ đó đặt ra nhiều kế hoạch lớn cho năm 2014. Đó chính là lý do Doanh Nhân Sài Gòn mời bà Nguyễn Thị Bích Huệ “xông đất” cho số báo đầu năm Giáp Ngọ như một lời chúc tốt đẹp gửi đến các doanh nghiệp (DN)…

 Bà Nguyễn Thị Bích Huệ – Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Tiến

* Năm 2013 đi qua với không ít khó khăn cho DN Việt Nam, vậy năm nay, bà có kỳ vọng vào sự khởi sắc của nền kinh tế?

- Năm 2014 vẫn được đánh giá là một năm kinh tế sẽ còn những khó khăn nhất định, DN vẫn phải đối mặt với hàng tồn kho do sức mua chưa được cải thiện nhiều. Năm 2014 là năm Ngựa nên kỳ vọng của tôi là kinh tế Việt Nam sẽ có nhiều biến chuyển tích cực, hanh thông hơn để tất cả DN cùng nhau “phi nước đại” đến đích.

* Dù kinh tế Việt Nam đang lấy lại động lực nhưng chính sách kinh tế nói chung vẫn còn nhiều điểm cần thay đổi để hỗ trợ DN mạnh mẽ hơn nữa. Quan điểm của bà về vấn đề này?

- Một trong những điểm yếu của các DN vừa và nhỏ Việt Nam là còn rất non trẻ, đa số người thành lập DN là vừa học vừa làm, ít người được đào tạo bài bản, có trải nghiệm để biết hết thách thức, cơ hội và khi đưa ra kế hoạch thì chưa có tầm nhìn xa.

Trong khi đó mỗi năm, Chính phủ đều đưa ra một vài nghị định, thông tư mới và một số trong đó lại chưa có sự nghiên cứu thấu đáo, chưa được các bộ, ngành liên kết với nhau để triển khai đồng bộ nên gây khó cho DN và bất ổn cho môi trường kinh doanh. Ngoài bất cập trên, chính sách tiền tệ được xem là sự sống còn của DN thì những năm qua cũng chứa nhiều bất ổn.

Tất nhiên, trong kinh doanh, ai không đủ sức thì sẽ bị đào thải, nhưng ở ta, do chính sách kinh tế vĩ mô chưa hợp lý nên sự đào thải diễn ra rất nhanh và đột ngột. Để khắc phục điều này, trước khi ban hành nghị định, thông tư, các bộ, ngành nên nghiên cứu thấu đáo hơn và cần lắng nghe, tham khảo ý kiến của DN nhiều hơn.

Bên cạnh đó, chính sách cũng cần công bằng hơn để DN nhỏ và vừa không bị thiệt thòi, bất lợi như hiện nay, mặc dù họ đã có những đóng góp không nhỏ vào sự tăng trưởng của nền kinh tế đất nước.

* Kinh doanh trong lĩnh vực gắn với yếu tố thiên nhiên, địa phương…, bà đặt ra tầm nhìn thế nào về khái niệm “tăng trưởng bền vững”?

- Một trong những điểm yếu của các DN nhỏ và vừa Việt Nam là thường kinh doanh theo cảm tính, không có tầm nhìn xa, không nghiên cứu kỹ thị trường nên rất dễ thất bại và khó phát triển bền vững. Tôi cũng không thoát khỏi điểm yếu đó và cũng đã phải trả giá.

Song, sau những thất bại, ngoài việc vỡ ra nhiều điều để sửa sai, rút kinh nghiệm, “bí quyết” để tôi thành công là biết tìm tòi con đường khác biệt, chú trọng vào giá trị cốt lõi của DN, khai thác hết thế mạnh và đặc biệt là sự chân thành.

Trong đời người và trong kinh doanh, nhất là vào giai đoạn kinh tế khó khăn, chỉ có sự chân thành mới giúp DN tồn tại và phát triển. Sự chân thành buộc chúng ta phải nhìn nhận lại toàn bộ vấn đề và nó tạo được chữ Tín cho nhân hiệu, thương hiệu, cho sản phẩm, cho tất cả các mối quan hệ và cho người tiêu dùng.

* Bà có thể dẫn giải cụ thể hơn bằng thực tế của Vĩnh Tiến?

- Khi mới kinh doanh, nắm bắt được xu hướng người tiêu dùng hiện đại muốn dùng các sản phẩm không những là thức uống giải khát mà còn có lợi cho sức khỏe, có nguồn gốc từ thiên nhiên, đó là các loại thảo dược quý, cây trái đã được sử dụng rộng rãi trong dân gian, tôi nhận ra đây là con đường mình phải đi và sau này tôi mới hiểu con đường đó chính là “sứ mệnh” và “tầm nhìn”.

Khi đã nhận ra sứ mệnh phải là nhà sản xuất hàng đầu những sản phẩm đó, tôi tự đưa ra mục tiêu ngắn hạn và dài hạn và từng bước thực hiện. Vì thế, tôi mạnh dạn đầu tư mở rộng nhà xưởng, trang bị máy móc hiện đại, đa dạng hóa mẫu mã.

Ban đầu sản phẩm chỉ có mỗi loại trà Atisô, đến nay đã có trên 30 loại trà thảo dược, như trà khổ qua, trà linh chi, trà hà thủ ô, trà trái nhàu, trà cỏ ngọt, hoa cúc, trà giảm béo, thanh nhiệt, tiếp theo là các loại nước cốt trái cây (dâu tằm, dâu tây, chanh dây, trái nhàu…) và rượu vang (vang đỏ, vang trắng, vang ngọt, vang nho, vang Syraz, vang Sauvignon…).

Nhận thấy quy trình sản xuất dòng trà túi lọc đơn giản, có nhiều đối thủ cạnh tranh, giá trị sản phẩm không gia tăng nên Vĩnh Tiến mạnh dạn đầu tư thêm dây chuyền sản xuất, áp dụng công nghệ cao cho ra sản phẩm dạng bột, viên nang, viên nén, dạng dung dịch lỏng như: bột trái nhàu, viên nang trái nhàu, dung dịch Bomaga được chiết xuất từ lá tươi atisô kết hợp với bốn loại thảo dược quý.

So với trà túi lọc, giá trung bình chỉ mười mấy nghìn đồng một hộp thì sản phẩm Bomaga 100 ml đã bán giá sỉ gần trăm nghìn đồng, nâng được giá trị sản phẩm, mà còn tạo được nhiều đầu ra cho bà con nông dân ở tỉnh Lâm Đồng.

* Từ những thành công ấy, bà rút ra điều gì quý nhất đối với người làm kinh doanh?

- Với thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt, nhưng một khi đã chấp nhận cuộc chơi thì phải biết chọn lối đi riêng. Bên cạnh đó, phải nâng cao tính chuyên nghiệp và nâng tầm quản trị để có thể xoay chuyển và ứng phó nhanh trước diễn biến của thị trường.

Đơn cử, để nâng cao năng lực cạnh tranh, Vĩnh Tiến đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2008, HACCP và đầu tư kỹ thuật canh tác GlobalGap, VietGap cho các nông hộ cung cấp nguyên liệu cho công ty.

Ban đầu tuy khá vất vả vì cả bộ máy phải “gồng mình” để đạt các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của hệ thống, nhưng đến nay, chúng tôi đã chuyên nghiệp hơn trong cách quản trị, làm việc, nhất là năng suất lao động và sản phẩm đạt chất lượng cao.

Năm 2014, Vĩnh Tiến liên kết với Công ty TMTM tại TP.HCM để đưa ra sản phẩm mới, như dịch chiết Ligatonic được chiết xuất từ các loại thảo dược quý kết hợp với lá chùm ngây hoặc nước giải khát mang tên Mori (chùm ngây) – một loại thảo dược giàu dưỡng chất thiên nhiên, rất tốt cho sức khỏe có khả năng phòng ngừa, điều trị một số bệnh.

Ngoài ra, năm 2014, Vĩnh Tiến cũng sẽ tập trung phát triển theo hướng công nghệ sinh học, cấy mô cây atisô để cung cấp cho nông dân ở Đà Lạt vì giống này đang bị thoái hóa nên phải nhân giống để cho cây có năng suất cao hơn, đó cũng là cách duy trì vùng nguyên liệu và quan trọng là nông dân không bỏ atisô để trồng hoa. Song song đó, chúng tôi cũng cấy mô một số cây giống lâm nghiệp để trồng rừng phủ xanh đồi trọc, lấy gỗ giúp bà con thoát nghèo.

Kế hoạch tiếp theo là thay đổi hệ thống nhận diện thương hiệu Vĩnh Tiến như logo, bao bì… cho phù hợp và ấn tượng hơn để mở rộng ra thị trường các nước.

* Trong chiến lược đa dạng hóa sản phẩm, nghe nói vẫn có một số sản phẩm Vĩnh Tiến không thành công. Theo nguyên tắc kinh doanh, sản phẩm nào không thành công thì phải đào thải nhưng tại sao bà vẫn duy trì những sản phẩm không bán chạy?

- Phải nói thật, người Việt Nam mình hay quá đà, khi thành công sản phẩm này thì lại muốn mở rộng thêm nhiều sản phẩm khác. Đơn cử Vĩnh Tiến có mấy chục loại trà nhưng chỉ thành công khoảng hơn ba mươi loại.

Nguyên nhân là do chúng tôi không có thời gian phân tích, nghiên cứu thị trường, không có con số thống kê, con số nhu cầu cũng như tiêu thụ cụ thể, hễ nước nào đặt hàng gì thì làm cái đó.

Tuy nhiên, với những sản phẩm chưa được thị trường trong nước đón nhận nhiều, tôi vẫn duy trì vì đằng nào cũng đã đăng ký sản phẩm, cũng làm bao bì, quy trình công nghệ. Hơn nữa, tôi cũng hy vọng với nỗ lực đầu tư cho chất lượng sản phẩm, trong tương lai, thị trường trong nước sẽ đón nhận và gia tăng sản lượng xuất khẩu.

* Bà nói rằng mục đích kinh doanh không phải làm giàu, nhưng tại sao khi các loại trà đang tăng từ 35 – 40%/năm, bà lại tiếp tục đầu tư lớn để sản xuất rượu vang?

- Nếu chỉ vì cuộc sống gia đình thì đến nay tôi đã có thể nghỉ ngơi mà vẫn sống an nhàn đến tuổi già. Tuy nhiên, khi thị trường lớn hơn, sản phẩm nhiều hơn, Công ty ngày càng đông công nhân thì lúc đó tôi lại nhận thấy trách nhiệm của mình nặng hơn, không phải làm cho gia đình mình nữa mà đang tạo đầu ra cho bà con nông dân, tạo việc làm cho người lao động, đóng góp ngân sách cho địa phương và phúc lợi xã hội.

Bên cạnh đó, niềm đam mê và tự hào thương hiệu cũng là động lực khiến tôi liên tục đầu tư, tìm hướng đi mới để tạo sức sống cũng như nâng tầm giá trị cho thương hiệu. Nhận thấy thị trường trà bắt đầu cạnh tranh, tôi đã sang các nước Ý, Pháp, Mỹ… để học hỏi cách làm rượu vang, tìm hiểu vùng nguyên liệu, máy móc.

Sở dĩ tôi chọn làm rượu vang vì trước đây khi đến các xứ sở làm rượu vang trên thế giới, nhìn thấy những thùng gỗ sồi tuyệt đẹp, những vườn nho thẳng tắp, xanh mướt và trĩu quả, vợ chồng tôi rất thích và ấp ủ kế hoạch sản xuất rượu vang. Ngoài ra, rượu vang còn là thức uống khai vị rất tốt cho tim mạch, kích thích tiêu hóa, có giá trị văn hóa khi thưởng thức, nguyên liệu tại Đà Lạt lại dồi dào.

Tuy nhiên, từ sản xuất trà đơn giản chuyển sang sản xuất rượu vang cực kỳ khó, đòi hỏi nhà xưởng, trang thiết bị, máy móc, công nghệ cũng như chi phí đầu tư rất lớn, chẳng hạn đầu tư một tăng inox chứa 30.000 lít rượu đã mấy trăm triệu đồng, chưa kể việc xây dựng nhà xưởng cũng phải khác nhà xưởng bình thường, nền bê tông cũng phải gia cố để trụ đỡ được, rồi máy dán nhãn rượu, máy chiết rót tự động cũng phải nhập từ châu Âu…

Hơn thế nữa để chủ động nguồn nguyên liệu, tôi đã nhập 3.000 cây giống nho các loại của Ý về trồng, nhưng khí hậu, thổ nhưỡng ở Đà Lạt không phù hợp nên phải dùng nho Phan Rang kết hợp với dâu tằm Đà Lạt, mà nguồn nguyên liệu đó lại thu mua từ các hộ gia đình nhỏ lẻ, năm được mùa, năm mất mùa nên chúng tôi phải nương theo thời vụ để sản xuất.

Đã vậy khi ra thị trường, liên tục nhận được phản hồi của khách hàng, lúc thì vị còn hơi chua, hoặc chát quá, hơi đậm quá… Càng làm càng vỡ ra nhiều cái khó, cứ phải nỗ nực nghiên cứu, tìm tòi ra giải pháp để cải tiến cho phù hợp với sở thích của người tiêu dùng.

Với sự đam mê và cố gắng, rượu vang của Vĩnh Tiến đã có chỗ đứng trên thị trường với các loại vang đỏ, vang trắng, vang ngọt, vang nho, vang Syraz, vang Sauvignon…, chiếm trên 20% thị phần nội địa và được khách hàng ưa chuộng và đánh giá cao về chất lượng cũng như mẫu mã.

* Nhiều năm nhận giải thưởng Bông Hồng Vàng và tham gia hội nghị Phụ nữ thượng đỉnh Thế giới, bà cảm nhận thế nào về sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, nhất là ngày càng có nhiều phụ nữ kinh doanh và quản lý doanh nghiệp?

- Dù trong xã hội nào, người phụ nữ Việt Nam với những đức tính đảm đang, tháo vát, dịu hiền vẫn muốn vươn lên làm chủ mình, làm giàu cho xã hội, làm đẹp cho cuộc đời.

Khát khao muốn khẳng định mình, muốn thay đổi quan niệm của xã hội đã thôi thúc một lực lượng không nhỏ phụ nữ ngày càng tham gia tích cực hơn vào các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội. Số lượng nữ doanh nhân ngày càng tăng, thậm chí những gì họ đã làm và đóng góp khiến những đồng nghiệp nam giới phải nể phục.

Phụ nữ Việt Nam vốn phải chịu gánh nặng về gia đình, lễ nghĩa phong kiến, vì vậy khi đảm đương công việc kinh doanh, giữ thêm vai trò chèo lái DN, các nữ doanh nhân phải tốn công sức và thời gian gấp nhiều lần so với nam giới.

Song, dù phải trải qua không ít vất vả, áp lực, nhưng tinh thần cầu tiến và tiếp thu cái mới của các nữ doanh nhân rất lớn, nhiều doanh nhân thành đạt, chèo lái công ty ăn nên làm ra. Đặc biệt, phụ nữ Việt Nam vốn có tinh thần nhân ái nên khi thành công, hầu hết họ đều thể hiện trách nhiệm xã hội và có những đóng góp tích cực cho cộng đồng.

Như Vĩnh Tiến, dù lúc khó khăn hay thuận lợi, hằng năm vào dịp Tết đến Xuân về, tôi đều tặng quà cho bà con nghèo ở các phường tại Đà Lạt và vùng sâu vùng xa, tham gia Quỹ Vì người nghèo, xóa nhà tạm, giúp đỡ trẻ em mồ côi, khuyết tật.

Tôi nghĩ, mặc dù mình có gặp khó khăn nhưng còn có nhiều người còn khó hơn mình nên làm được gì thì cứ chia sẻ, góp một phần nhỏ thành quả của mình cho xã hội, đem mùa Xuân ấm áp đến cho người nghèo.

* Nhưng cũng đáng buồn là hiện nay, số phụ nữ thành đạt nhưng đổ vỡ gia đình đang gia tăng. Một chút chia sẻ của bà về bí quyết giữ hạnh phúc gia đình?

- Xã hội ngày càng văn minh thì “cái tôi” của mỗi người càng lớn nên không ai chịu đựng ai, cứ tự do làm điều mình thích nên nhiều gia đình tan vỡ.

Bản thân tôi do tư tưởng còn phong kiến nên những gì mọi người trong gia đình mong muốn, đồng thuận thì tôi làm và mục đích mở DN của tôi cũng rất đơn giản: trước tiên là đem lại cuộc sống hạnh phúc, ấm no cho mọi thành viên trong gia đình và sau đó là cho xã hội.

Cho đi thì sẽ nhận được nhiều hơn thế. Và quả thật, khi hy sinh một vài sở thích, thú vui cá nhân, chấp nhận mất đi một vài hợp đồng, một vài cơ hội làm ăn thì tôi lại có thể quan tâm chăm sóc bố mẹ, chồng con và mọi người tốt hơn. Ngược lại, tôi cũng nhận được rất nhiều hạnh phúc, tình thương yêu từ họ.

* “Doanh nhân thường nhiều bạn nhưng trong làm ăn thì khó hợp tác”, bà nghĩ sao về câu nhận xét này?

- Trong một chuyến đi nước ngoài, tôi tình cờ nghe một số doanh nhân nhận xét về người Việt Nam: “Ở bên Nga, một ông hàng xóm mua một chiếc xe hơi mới thì hàng xóm bên này phải phấn đấu bằng mọi cách để có chiếc xe hơi như người hàng xóm kia.

Trong khi người Việt Nam, thấy ông hàng xóm có gì đó thì phải làm sao để cho người hàng xóm không có giống như mình”. Nghe câu chuyện, tôi cũng hơi chạnh lòng nhưng ngẫm lại, họ nói không sai.

Có năm tôi sang Singapore tham dự hội nghị xúc tiến thương mại giữa thành phố Đà Lạt với Singapore, ngài đại sứ của Việt Nam tại Singapore nói với chúng tôi: “Chương trình này tôi báo trước cho các bạn cả nửa năm đến một năm rồi mà bây giờ tôi thấy các bạn tham dự riêng lẻ quá! Đáng lẽ ra các bạn phải tạo ra ngôi nhà chung của Đà Lạt, tạo ra sự liên kết của sản phẩm Đà Lạt, còn đây cứ một dúm, một dúm, chỗ này trà Vĩnh Tiến, chỗ kia trà Thái Bảo… giống như đem hàng ra chợ bán, có rau bán rau, có cá bán cá. Nếu các bạn biết tạo ra được sức mạnh của cả bó đũa thì không ai có thể bẻ được”.

Qua hai câu chuyện, rõ ràng tính đoàn kết, cộng hưởng của các DN Việt Nam còn yếu nên chúng ta phải nhanh chóng đánh tan suy nghĩ riêng lẻ. Ngoài ra, để hòa nhập, DN Việt Nam cần phải thay đổi nhiều thứ hơn nữa, như năng suất lao động của người VN hiện vẫn thua Thái Lan khoảng 30 lần và thua Nhật 130 lần…

* Bảy năm là đại biểu hội đồng nhân dân tỉnh, điều hài lòng nhất mà bà làm được là gì, thưa bà?

- Để làm đúng vai trò của hội đồng thì công việc rất nhiều, phải lắng nghe tâm tư của dân, rồi tổng hợp tất cả ý kiến, nguyện vọng đó phản ánh lên trên đế tỉnh đưa ra nghị quyết cho phù hợp, nhưng tôi chỉ là bán chuyên trách, nghĩa là không phải chuyên làm hội đồng mà là DN tham gia nên cũng bị hạn chế.

Tuy nhiên, trong vai trò của mình, tôi cũng phản ánh được lên trên và giải quyết được một số vấn đề về giá cả đền bù giải tỏa đất đai cho người dân, đưa ra chính sách hỗ trợ cho những người làm công tác xã hội tại địa phương hoặc một số vấn đề về xử lý rác thải, mương nổi để đảm bảo môi trường sống cho người dân ở khu phố, những chính sách hỗ trợ bà con dân tộc vùng sâu, vùng xa…

* Giả sử có ai đặt vấn đề mua lại Vĩnh Tiến với số tiền lớn, bà có đồng ý bán để “nghỉ ngơi, hưởng nhàn” không, thưa bà?

- Trong đời người, ai cũng có một cái đích để đi, để tồn tại, phát triển. Và khi có mục đích thì mình phải cố gắng vươn tới để đạt được thì cuộc sống mới có ý nghĩa, nhất là khi mục đích đạt được từ từ khiến mình luôn cảm thấy vui và có động lực.

Bên cạnh đó, Vĩnh Tiến là thương hiệu do chính tâm huyết, công sức của tôi làm ra nên tôi rất trân trọng, coi như đứa con của mình, nhân viên cũng coi Vĩnh Tiến như ngôi nhà của họ, bạn hàng cũng có mối chung thủy rất lâu nên ai muốn tham gia là cổ đông chiến lược, tôi sẽ bán một phần, còn bán toàn bộ thì không.

* Xin cảm ơn bà về buổi trò chyện và chúc Vĩnh Tiến năm 2014 đạt đích nhiều kế hoạch!

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo