Góc nhìn

Chớ làm tượng đài theo phong trào

Câu chuyện “mỗi thị trấn một tượng đài”, hay “hai tượng đài mỗi năm” được Hà Nội đặt ra trong một bối cảnh không thể tồi hơn.

 Nhớ sau phiên họp Chính phủ hôm cuối tháng 11, cảnh báo sự sụt giảm của giá dầu với nền kinh tế đã được đặt ra nghiêm túc hơn bao giờ hết. Đại ý, giá dầu cứ giảm 1USD thì nền kinh tế Việt Nam hụt thu 8.000 tỉ đồng. Còn trước đó, ngân sách khó khăn đến mức việc tăng lương chỉ là bù đắp chút đỉnh cho những người lương thấp, còn lộ trình lương 2015 thì phải để đến 2017 mới… bàn.

Ấy thế là chỉ vì - nói như một quan chức thủ đô - số lượng tượng đài còn thiếu và chưa xứng tầm, Hà Nội đang định xây mới 35 tượng đài với kinh phí ước tính 700 tỉ đồng.
 
Rồi thì “tất cả các quận, huyện, các cửa ô đều có tượng đài”.
 
Rồi thì “hai tượng đài mỗi năm”.
 
Rồi thì mỗi tượng đài hai chục tỉ.
 
Rồi thì “hết sức ý nghĩa và cần thiết”.
 
Đừng trách dư luận có cái nhìn tiêu cực khi hết lời phê phán câu chuyện mà KTS Lý Trực Dũng, hết sức trực tính mô tả như là việc “phân bổ tượng đài”, “thi đua làm tượng đài”. “Không thể phân bổ tượng đài cũng như từ xưa đến nay chẳng ai phân bổ anh hùng, nhân tài đất Việt cả” - ông nói.
 
Đừng bao giờ nghĩ phê phán là sự ấu trĩ hay thiếu tầm nhìn, bởi chưng một hay nhiều tượng đài không phản ánh tầm nhìn văn hóa hay chiều sâu nhân cách dân tộc.
 
Bởi ngay cả khi thừa tiền, kể cả việc đó là tầm nhìn đến 2020 - 2030 thì cũng không thể không đặt ra câu hỏi vậy thì tại sao và để làm gì? Khi một xu xây tượng, dù là từ ngân sách nhà nước hay xã hội hóa thì cũng là tiền của dân, khi tượng đài, được cho là phục vụ nhân dân.
 
Tượng đài là nơi ghi dấu ấn lịch sử. Phải. Miễn là đừng tạo ra một phong trào để tiêu tiền. Miễn là đừng mung lung và tốn kém. Và đừng bao giờ chỉ là để ngành văn hóa chứng tỏ sự tồn tại của họ.
Theo Lao động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo