Bất động sản

Cho người nước ngoài mua nhà: Kích cầu không tốn kém

Các chuyên gia bất động sản kiến nghị Chính phủ nên mở rộng diện người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam nhằm góp phần giải phóng hàng tồn kho cho thị trường địa ốc. Đây cũng là giải pháp kích cầu không tốn kém.

(VNE) Ngày 16/5, tại Hội nghị tổng kết Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản và Nghị quyết số 19 của Quốc hội, nhiều ý kiến đề xuất Bộ Xây dựng nới rộng diện sở hữu nhà cho tổ chức, cá nhân người nước ngoài.

Đại diện Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Novaland cho biết, thanh khoản bất động sản của khối nội đang rất thấp. Vì vậy thị trường cần tìm thêm kênh hỗ trợ giải quyết đầu ra. Một trong số đó là nhanh chóng có phương án mở rộng chính sách cho người nước ngoài mua nhà.

Vị này phân tích, hiện nay theo các văn bản pháp lý hiện hành, tổ chức cá nhân người nước ngoài được thí điểm sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Tuy nhiên, thực trạng đáng buồn là phần lớn những người có nhu cầu thật sự lại không đủ điều kiện mua hoặc nếu đủ điều kiện thì thủ tục lại quá nhiêu khê.

Bên cạnh các đề xuất liên quan đến chính sách về thuế, nguồn vốn và cách huy động, mua bán dự án, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.Hồ Chí Minh, Lê Hoàng Châu đặc biệt nhấn mạnh cần tháo những nút thắt ở kênh Việt kiều và người nước ngoài. Theo đó, chuyên gia này đề xuất không hạn chế cho Việt kiều sở hữu nhà tại quê hương. Khi kiều bào mua nhà phải chấp hành một số quy định và phối hợp với công an xác nhận nguồn gốc Việt Kiều.

"Với người nước ngoài, chỉ cho phép mua căn hộ cao cấp, không được dưới mức giá 15 triệu đồng mỗi m2. Với sự sàng lọc này, Nhà nước cũng phải lo khối ngoại cạnh tranh nhà ở với người dân trong nước", ông Châu nói.

Tại hội nghị, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.Hồ Chí Minh, Nguyễn Văn Danh công bố con số khiêm tốn về tình hình sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người Việt ở xa quê hương và tổ chức cá nhân nước ngoài. Cụ thể, tính đến ngày 31/3/2013, toàn thành phố đã cấp thí điểm 66 giấy chứng nhận cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, trong đó có 8 giấy chứng nhận cấp cho tổ chức và 58 cấp cho cá nhân theo Luật Nhà ở và Nghị quyết số 19 của Quốc hội.

Theo ông Danh, quy định về quyền sở hữu nhà cho tổ chức cá nhân người nước ngoài có ý nghĩa quan trọng đối với chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư. Đây đồng thời cũng là tiền đề tạo điều kiện cho người Việt về nước đầu tư kinh doanh tại quê hương.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam giải thích, Nghị định 19 về người nước ngoài mua nhà ở thật ra đã khá thông thoáng xét trong bối cảnh đặc biệt của Việt Nam.

Đối với Việt kiều, những người đã định cư ở nước ngoài, còn quốc tịch Việt Nam có giấy khai sinh, hộ khẩu, giấy tờ khác họ có quyền mua, sở hữu nhà ở như người sinh sống trong nước. Với Việt kiều không sinh ra tại Việt Nam, không còn quốc tịch Việt Nam sẽ chia thành 2 trường hợp. Nếu không có quốc tịch nhưng về nước đầu tư, kinh doanh vẫn được mua bán nhà ở thoải mái. Riêng những người không về Việt Nam thì được mua một căn. Trong trường hợp sửa đổi, điều chỉnh thêm, có thể chỉ tập trung vào nhóm Việt kiều không tham gia làm việc, buôn bán ở Việt Nam.

Riêng về mở rộng cho tổ chức cá nhân người nước ngoài mua nhà, ông Nam phân tích, ngay cả Singapore họ cũng có khống chế, chỉ cho phép người nước ngoài được sở hữu nhà cao 9 tầng trở lên.

Theo ông Nam, hiện nay vẫn có quan điểm chấp thuận mở rộng diện cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam nhưng sẽ tránh tình trạng một khu dân cư cùng một quốc tịch sinh sống tập trung. Bởi lẽ, điều này dễ nảy sinh các yếu tố ảnh hưởng đến công tác an ninh, chính trị. Vì vậy, trong một khu sẽ không quá 10 người cùng một quốc tịch sinh sống.

Theo kế hoạch, Bộ Xây dựng chuẩn bị đề xuất sửa đổi các quy định liên quan đến vấn đề này theo 2 hướng. Thứ nhất là người Việt định cư ở nước ngoài được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây dựng nhà ở như cá nhân trong nước. Hướng thứ hai, đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài được mở rộng đối tượng được sở hữu nhà ở, mở rộng loại nhà được phép mua, mở rộng từ quyền được mua căn hộ sang được mua cả biệt thự và nhà ở riêng lẻ.

 

 

Vũ Lê

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo