Bất động sản

Cho vay hai tỷ mua nhà: "Hy sinh" công chức để cứu đại gia?

Công chức, viên chức vay 2 tỷ thì hàng tháng phải trả cả vốn lẫn lãi 15-20 triệu đồng thì lương không đủ trả. Gói tín dụng đang nghiên cứu nghi ngờ để “cứu” các đại gia, dự án cao cấp "đắp chiếu"...

 Thông tin Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu xây dựng gói hỗ trợ vay mua nhà trị giá tối đa 2 tỷ cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang... để trình Thủ tướng, đang được dư luận rất quan tâm. Điểm đặc biệt và nổi bật nhất của "gói tín dụng" này so với gói 30.000 tỷ đồng thì sẽ cho phép cán bộ công chức, viên chức được mua cả căn hộ chung cư cao cấp, trung cấp, nhà liền kề...

Theo dự thảo, dự kiến thời gian vay tối đa là 10 năm và một hộ gia đình có thể vay tới 2 tỉ đồng, bằng khoảng 75% tổng giá trị căn hộ mà người vay mua. Người vay sẽ dùng chính căn nhà làm tài sản để thế chấp khi vay vốn và mức lãi suất đang được tính toán sẽ dao động 6-7,5%/năm.

Tuy nhiên, mới chỉ đang được nghiên cứu nhưng đã có nhiều ý kiến trái chiều về gói tín dụng mới này nếu được thực hiện.

Công chức, viên chức, lực lượng vũ trang... được vay tới 2 tỷ đồng mua nhà là gói tín dụng mới đang được Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu xây dựng.

Trao đổi với PV Infonet, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh thắc mắc: Tại sao phải cho công chức, viên chức…. vay đến 2 tỷ đồng, để họ mua căn hộ tới 4-5 tỷ đồng?

Nhà nước ưu đãi ưu đãi cho những người dân vay mua những căn hộ nhỏ, khoảng 500 – 700 triệu đồng còn hơn cho vay để mua căn hộ tới 4 – 5 tỷ đồng. Như vậy là giúp cho người giàu có điều kiện mua nhà chứ không phải giúp người nghèo mua nhà.

“Tôi đang nghi ngờ gói tín dụng đang nghiên cứu này là để “cứu” các đại gia, nhiều dự án cao cấp đang “đắp chiếu” vì giá quá cao và những dự án chắc đã thế chấp cho ngân hàng nào đó rồi nên gói này là sự thỏa thuận ngân hàng với nhau và với các doanh nghiệp để “cứu” những dự án chết. Như vậy, sẽ không có lợi gì cho người dân cũng như thị trường bất động sản. Những dự án cao cấp tự phải biết giảm giá, điều chỉnh lại diện tích chứ không phải “nằm” chờ người khác đến “cứu” mình”, ông Đực thẳng thắn.

Vị Phó Chủ tịch Hiệp hội này cho rằng: Giải thoát, “cứu” thị trường bất động sản cao cấp, phân khúc căn hộ có giá 4-5 tỷ đồng đang ế ẩm vô hình chung khiến những căn hộ ở phân khúc này không chịu giảm giá, giảm diện tích, như vậy là đi ngược khuynh hướng, làm cho giá bất động sản không giảm xuống.

Mặt khác, ông Đực cũng lo lắng: Đối tượng cho vay là công chức, viên chức… được vay tối đa 2 tỷ đồng thì hàng tháng họ phải trả cả vốn lẫn lãi từ 15-20 triệu đồng thì đối tượng này không có điều kiện để vay, không đủ tiền để trả hàng tháng khi lương hàng tháng của họ chỉ 5-6 triệu đồng, gây tiêu cực.

“Tôi đảm bảo nếu thực thi gói cho vay đến 2 tỷ đồng này sẽ bị người dân phản đối, “ném đá” vì tại sao không cho 4 người dân vay mỗi người 500 triệu đồng mà lại tập trung cho 1 người vay tới 2 tỷ đồng, là bất hợp lý. Nhà nước chỉ cho dân vay ưu đãi để mua xe máy chứ không thể hỗ trợ cho vay mua ô tô Mercedes hay Rolls Royce. Nhà nước chỉ hỗ trợ mang tính nhân văn, xã hội chứ không thể hỗ trợ cho vay mua nhà 4-5 tỷ đồng được, bất công cho xã hội”, ông Đực nêu quan điểm.

Trước những vấn đề đó, theo vị này nên tập trung vào gói 30.000 tỷ đồng vì gói này có mục tiêu tốt, đúng đắn nhưng cách thực hiện không khả thi dẫn đến kết quả chưa được như mong muốn. Vì thế, chỉ cần điều chỉnh lại điều kiện cho vay thì gói 30.000 tỷ sẽ có tốc độ giải ngân tốt. Ví như, thay vì giá bán dưới 15 triệu đồng và diện tích nhỏ hơn 70m2 thì chỉ cần có điều kiện căn nhà có giá trị dưới 1,05 tỷ đồng, thì sẽ dễ dàng cho cả doanh nghiệp xây dựng và người dân mua nhà.

Ngược lại với quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanhcho rằng, chính vì các gói tín dụng trước kém hiệu quả, nên gói tín dụng sắp đưa ra sẽ có nhiều ưu đãi hơn, góp phần giải tỏa tích cực hơn những bất động sản đang tồn đọng.

Theo ông Doanh, với việc phải trả nợ ngân hàng mỗi tháng khoảng 15-20 triệu đồng thì nếu lương công chức, viên chức không đủ, buộc họ phải đi làm thêm “chân ngoài dài hơn chân trong” để có tiền trả nợ. Vì thế, phải tính toán kỹ và hiện thực, nếu không phải kéo dài thời hạn trả ra, giống như Singapore, họ thường kéo dài thời hạn cho vay và siết nợ bằng 25% tiền lương hàng tháng ngay khi được cơ quan chi trả.

Nói về gói tín dụng mới đang nghiên cứu này, ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đông Á chia sẻ với Infonet: Gói này có nhiều đặc điểm như lãi suất sát với thị trường nhưng không cao, thời hạn cho vay dài, đối tượng cho vay rộng, tất cả công chức, viên chức… chưa có nhà, có nhu cầu vay mua nhà đều được vay và số tiền được vay tối đa là 2 tỷ đồng. Những điều này sẽ khắc phục những nhược điểm của gói 30.000 tỷ vừa qua bị “tắc” nên ra thị trường chậm.

Vì thế, theo vị lãnh đạo ngân hàng này, nếu được thực hiện việc giải ngân gói này chắc chắn sẽ nhanh hơn gói 30.000 tỷ đồng.

Ông Kiêm khẳng định, các ngân hàng sẽ thực hiện được nếu gói tín dụng mới này được duyệt. Tuy nhiên, ông băn khoăn: Dù vốn ngân hàng hiện có nhiều nhưng cơ cấu sử dụng nguồn vốn ngân hàng hiện chủ yếu cho vay ngắn hạn, dài hạn còn rất hạn chế, mà gói đang nghiên cứu này lại thuộc cho vay dài hạn nên cũng là vấn đề “kẹt”.

Theo Infonet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo