Chủ đầu tư thành chủ nợ bất đắc dĩ
(vnmedia) Dự án khu đô thị mới An Hưng (Lê Văn Lương, Hà Đông) có quy mô 31,5 ha, dự án được khởi công năm 2008, sau 4 năm triển khai dự án An Hưng đã bắt đầu bàn giao nhà cho khách hàng từ giữa năm 2012.
Để có thể sớm bàn giao nhà theo đúng cam kết trong hợp đồng với khách hàng, chủ đầu tư đã phải nỗ lực hết sức tập trung nguồn lực, chủ động thu xếp dòng tiền để triển khai dự án nhất là trong bối cảnh nguồn tín dụng đang bị siết chặt, thị trường bất động sản đóng băng.
Mới đây, để sớm làm sổ đỏ cho khách hàng, chủ đầu tư dự án An Hưng đã phải trích nộp thêm gần 200 tỷ đồng tiền thuế sử dụng đất bị Cơ quan thuế tính lại. Đây được xem là sự nỗ lực cực lớn của chủ đầu tư. Tuy nhiên, trái ngược với những cố gắng này, thì khách hàng lại tỏ ra rất thờ ơ khi đến thời điểm nhận nhà, nhiều nhà đầu tư, khách hàng không đến nhận. Bởi, nhận nhà đồng nghĩa với việc phải nộp thêm khoảng thêm 10-20% số tiền còn lại, không phải ai cũng có tiền để nộp.
Người mua nhà không chịu nhận nhà, còn những chủ dự án trở thành chủ nợ bất đắc dĩ.
Tương tự, dự án tổ hợp chung cư Văn Phú – Victoria (khu đô thị Văn Phú, Lê Trọng Tấn, Hà Đông) cũng rơi vào tình trạng giống như vậy.
Đối với những khách hàng không tuân thủ các cam kết đã ký, chủ đầu tư buộc phải có biện pháp xử lý như là áp dụng các điều khoản phạt nặng, và tính lãi suất theo như các điều khoản đã ký trong hợp đồng.
Mặc dù, hình thức phạt cũng chỉ là giải pháp tình thế nhưng trước mắt để dự án tiếp tục triển khai, các doanh nghiệp làm ăn chân chính sẽ phải tìm mọi nguồn lực tài chính khác để khắc phục và để làm được điều này họ sẽ phải đối mặt với một loạt các khó khăn nhất là khi nguồn vốn từ ngân hàng đang bị kiểm soát chặt chẽ.
Có lẽ chưa bao giờ thị trường lại có nhiều câu chuyện nghịch lý như thời điểm hiện nay. Chậm triển khai cũng gây ra hệ lụy mà làm nhanh quá cũng gặp khó khăn. Đây có lẽ cũng là hệ lụy của một thời gian phát triển quá nóng của thị trường bất động sản.
Anh Đào
End of content
Không có tin nào tiếp theo