Bất động sản

Chủ đầu tư tháo chạy khỏi ‘đất vàng’

Không chịu nổi sự đóng băng của thị trường, nhiều chủ đầu tư bất động sản tại Hà Nội đã và đang tìm cách tháo chạy khỏi dự án “đổi đất lấy hạ tầng”, cũng như các dự án đã được giao đất, cho thuê đất.

Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo vừa có ý kiến nhắc nhở các sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Quy hoạch - Kiến trúc, Xây dựng… thông báo cho các nhà đầu tư về kết quả rà soát đối với các dự án thuộc phạm vi giãn tiến độ, dừng và không triển khai theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), xây dựng - khai thác - chuyển giao (BOT), hoặc chuyển hình thức đầu tư khác. Với các dự án tiếp tục được triển khai, yêu cầu chủ đầu tư thực hiện xây dựng theo tiến độ đã đăng ký.

Từ đầu tháng 10-2012, lãnh đạo Thành phố Hà Nội đã phải đau đầu với kết quả rà soát tiến độ thực hiện các dự án BT, BOT trên địa bàn, khi chỉ có vài dự án thực hiện theo hình thức này hoàn thành xây dựng từ năm 2007 đến nay. Nhiều chủ đầu tư đang tìm cách trả lại các dự án BT cho thành phố, do không kham nổi dự án có quy mô vốn “khủng”, trong khi các khu đất được thành phố cấp (đổi đất lấy hạ tầng) không còn là “mỏ vàng” để khai thác.

Dự án “khủng” trả lại thành phố

Dứt khoát nhất là trường hợp Tập đoàn Nam Cường xin trả lại UBND Thành phố Hà Nội Dự án Khu đô thị mới Thạch Thất, do dự án không còn phù hợp với quy hoạch. Đây là một trong số 6 dự án khu đô thị được thực hiện theo hình thức “đổi đất lấy hạ tầng” của Tập đoàn Nam Cường, khi đơn vị này đề nghị xây dựng Dự án Đường trục phát triển kinh tế Bắc - Nam tỉnh Hà Tây cũ.

Theo quy hoạch, Dự án Đường trục Bắc - Nam tỉnh Hà Tây cũ có chiều dài 63,3 km, mặt đường rộng 42 m, với tổng vốn đầu tư dự kiến 7.694 tỷ đồng. Dự án của Nam Cường được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tại Văn bản số 209/TTg-CN ngày 5-2-2008 theo hình thức BT kết hợp BOT. Tập đoàn Nam Cường đã khởi công Dự án Đường trục Bắc - Nam Hà Tây từ tháng 7-2008.

Theo giải thích của Tập đoàn Nam Cường, sau khi địa giới hành chính của Hà Nội được mở rộng, Khu đô thị Thạch Thất không còn phù hợp với quy hoạch chung của Thủ đô, nên đã đề nghị giao lại dự án này cho UBND thành phố.

Tiếp sau Tập đoàn Nam Cường, đến lượt Tổng công ty Sông Đà (Tập đoàn Sông Đà trước đây) cũng xin trả lại Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3 cũ đoạn Hà Nội - Thái Nguyên. Đề nghị của Sông Đà đã được Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chấp thuận và giao lại dự án này cho UBND tỉnh Thái Nguyên và UBND Thành phố Hà Nội để tiếp tục huy động vốn thực hiện.

Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3 cũ (đoạn Hà Nội - Thái Nguyên, có chiều dài 33,3 km) được Tập đoàn Sông Đà đề xuất xây dựng năm 2010. Đổi lại, Tập đoàn Sông Đà sẽ được UBND Thành phố Hà Nội giao 300 - 400 ha đất tại huyện Đông Anh để xây dựng khu đô thị, dịch vụ... kinh doanh hoàn vốn cho dự án. Tuy nhiên, trước tình hình khó khăn của thị trường bất động sản kéo dài, Tập đoàn Sông Đà đã rút lui khỏi dự án này.

Chủ đầu tư bỏ rơi đất dự án

Công ty cổ phần Xây dựng số 2 (Vinaconex 2) - chủ đầu tư cấp I Dự án Khu đô thị mới Kim Văn - Kim Lũ (quận Hoàng Mai, Hà Nội) mới có công văn “kêu cứu” gửi UBND Thành phố Hà Nội về việc các chủ đầu tư (trong đó có những đơn vị do UBND thành phố quản lý) không đến nhận đất tại dự án này.

Trước đó, Vinaconex 2 cũng đã có công văn đốc thúc các chủ đầu tư cấp II, trong đó có Công ty cổ phần Giáo dục Đông Đô, Công ty cổ phần Đầu tư đô thị và khu công nghiệp Sông Đà 7, Thông tấn xã Việt Nam, UBND quận Hoàng Mai... đến nhận bàn giao đất đã xây dựng xong hạ tầng để thực hiện dự án, nhưng các chủ đầu tư thứ cấp này vẫn “bóng chim, tăm cá”. Tổng diện tích các khu đất bị các chủ đầu tư bỏ rơi tại dự án này lên đến hàng chục héc-ta.

“Vinaconax 2 đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho Dự án Khu đô thị mới Kim Văn - Kim Lũ phục vụ các chủ đầu tư triển khai dự án từ cuối năm 2011. Vinaconex 2 cũng đã nhiều lần gửi văn bản đề nghị các chủ đầu tư đến nhận bàn giao mặt bằng, nhưng đến thời điểm này, nhiều chủ đầu tư vẫn không nhận bàn giao đất”, ông Nguyễn Khắc Hải, Tổng giám đốc Vinaconex 2 cho biết.

Nhiều dự án BT, BOT gặp khó

Theo báo cáo của UBND Thành phố Hà Nội công bố mới đây, có hàng chục dự án phải dừng, không triển khai theo hình thức BOT, BT, hoặc chuyển hình thức đầu tư khác, chủ yếu là các dự thuộc loại “khó nhằn”, như dự án án cải tạo môi trường hồ nước, xử lý sạt lở bờ kè sông, kiên cố hoá kênh mương nội đồng và xây dựng cơ sở hoả táng.

Trong số đó, có những dự án có quy mô vốn đầu tư từ hàng trăm đến hàng ngàn tỷ đồng, như Dự án Tuyến đường trục Vĩnh Ngọc - Cổ Loa - Việt Hùng - Nguyên Khê (huyện Đông Anh) do Công ty cổ phần Bưu chính - Viễn thông VNT làm chủ đầu tư; Dự án Hệ thống thoát nước phía Tây Nam quận Hà Đông do Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (CIENCO 5) làm chủ đầu tư; Dự án Cải tạo hồ thôn Huỳnh Cung, xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì của Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú Invest; Dự án Cải tạo hồ ao cá giống Nhật Tân của Công ty TNHH Tài Tâm…

Có thông tin cho biết, một số dự án trong số này sẽ được chuyển sang sử dụng vốn ngân sách. Thế nhưng, việc tìm kiếm nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước trong hoàn cảnh kinh tế hiện nay sẽ vô cùng khó khăn.

 

 

Hải Anh (Theo Báo Đầu tư)
 
 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo