Bất động sản

Chủ tịch Hà Nội: Thị trường BĐS "vẫn cứ đông lại"

Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Thảo yêu cầu xử lý gấp vấn đề tồn kho bất động sản trên địa bàn Hà Nội.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết, cần có giải pháp vĩ mô để giải phóng hàng tồn kho bất động sản, vấn đề đang gây nhức nhối cho phát triển kinh tế.

"Thị trường vẫn cứ đông lại"
 
Chủ tịch Hà Nội cho rằng, việc cơ cấu sản phẩm, chia nhỏ căn hộ chỉ là một giải pháp. Mấu chốt vấn đề để giải phóng hàng tồn kho theo ông Thảo là cần một cơ chế chính sách giúp khách hàng có khả năng mua được căn hộ đang tồn trên thị trường.
 
“Có thể thông qua việc bảo lãnh vốn tín dụng, hỗ trợ lãi suất cho khách hàng đồng thời có cơ chế chậm trả cho những người khó khăn về tài chính”, ông Thảo đưa ra giải pháp.
 
Theo lãnh đạo Hà Nội, cần có chính sách để hỗ trợ cho các trường hợp thuê mua nhằm kéo dài vòng quay của dòng vốn. Trong quá trình thuê nhà, khách hàng có thể tích lũy đủ số tiền để có thể sở hữu căn hộ.
 
“Đấy mới là chính sách kích cầu, tạo dựng để tăng sức mua, giải tỏa được tồn kho bất động sản. Bởi khi sức mua không có nữa thì thị trường vẫn cứ đông lại”, ông Thảo chỉ rõ.
 
Chủ tịch UBND Hà Nội cho biết, thực tế chưa có dự án nhà ở nào giảm giá trong khi báo cáo của Bộ Xây dựng lại cho biết nhiều dự án đã giảm 50%.
 
Tồn kho bất động sản vẫn là vấn đè nhức nhối
 
Trong báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng, tính đến 20/5, tổng số tồn kho trên địa bàn Hà Nội khoảng gần 11.000 tỷ đồng, giảm hơn 2.000 tỷ đồng so với tháng 12/2013, và giảm 183 tỷ đồng so với thời điểm 30/4.
 
Trong đó, chung cư và nhà thấp tầng lần lượt tồn 2.644 và 2.722 căn. Tồn kho chủ yếu ở các dự án xa trung tâm, chưa hoàn thành đầu tư, chưa có hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ.
 
Bất động sản giảm giá trên báo cáo
 
Trước đó, vào cuối năm 2013, tại phiên họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã từng nêu quan điểm về vấn đề bất động sản trên địa bàn Hà Nội.
 
Theo đó, ông cho biết, chưa có dự án nhà ở nào giảm giá, việc giảm giá chỉ dừng lại trên báo cáo trong khi báo cáo của Bộ Xây dựng lại cho thấy, giá bất động sản đã giảm mạnh trong suốt một thời gian dài, nhiều dự án giảm tới 50%.
 
Ông Thảo nhìn nhận, các chính sách vừa qua, đặc biệt là chính sách về nhà ở xã hội dù sao cũng chỉ mang tính hỗ trợ mà thôi.
 
Do đó, ông Thảo khuyến nghị, tới đây phải có một “giải pháp mạnh” về tín dụng thì mới vực được thị trường bất động sản. Trong đó, ngành ngân hàng và các ngân hàng thương mại nên đưa ra một “gói tín dụng” riêng của mình để giải cứu chính lượng vốn của mình đang ứ đọng tại các dự án chứ không hẳn chỉ là để giải cứu bất động sản.
 
Theo Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo, các doanh nghiệp, chủ đầu tư bất động sản cũng phải chấp nhận quy luật của thị trường. Đó chính là khi mà thanh khoản kém thì buộc phải giảm giá, tăng khuyến mại, chiết khấu...
 
“Tôi hơi thấy lạ là trong khi thị trường đóng băng mà các dự án nhà ở, bất động sản xung quanh Hà Nội không thấy giảm giá gì cả. Việc giảm giá chỉ thấy dừng lại ở trong các báo cáo”, ông Thảo nói.
 
Điều này trái ngược với nội dung được đưa ra từ Bộ Xây dựng cho rằng, thị trường bất động sản đang có dấu hiệu ấm lên sau những động thái kích cầu của cơ quan quản lý lẫn các chủ đầu tư.
 
Đặc biệt, giá bất động sản đã giảm mạnh trong suốt một thời gian dài, nhiều dự án giảm tới 50%, đưa mức giá tại nhiều dự án về ngang bằng giá của năm 2006.
Báo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo