Góc nhìn

Chủ tịch HOSE: “Tôi rất sốt ruột với thị trường”

Đó là chia sẻ của ông Trần Đắc Sinh, Chủ tịch HĐQT Sở GDCK TP. HCM (HOSE) với ĐTCK trước thời điểm kỷ niệm 14 năm thành lập TTCK và lễ cắt băng khánh thành tòa nhà trụ sở mới, tích hợp công nghệ mang tên Exchange Tower tại TP. HCM.

Sau 14 năm TTCK Việt Nam ra đời và phát triển, so với các nước láng giềng, quy mô thị trường còn quá nhỏ bé và sản phẩm giao dịch còn đơn giản. Nhưng một cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại không thua kém các nước khu vực ASEAN sắp hoàn thành vào cuối năm 2015 sẽ giúp TTCK Việt Nam sớm rút ngắn khoảng cách tụt hậu.
 
Thưa ông, một vài con số thống kê nào để đánh dấu mốc 14 năm phát triển của TTCK TP. HCM?
 
Qua 14 năm, quy mô thị trường tăng gấp 1.000 lần, tăng trưởng bình quân hàng năm 66%. Riêng giai đoạn từ 2011 đến nay, thị trường bình quân tăng 28%/năm. Chỉ số VN-Index tăng 22%/năm. VN-Index nhiều lần có mặt trong danh sách chỉ số chứng khoán tăng trưởng tốt nhất thế giới.
 
Sự phát triển của HOSE gắn liền với sự phát triển của TTCK Việt Nam. Thời kỳ đầu, HOSE chỉ là một Trung tâm giao dịch, tổ chức giao dịch từ cổ phiếu, trái phiếu đến lưu ký, sau đó chuyển giao lại trái phiếu cho Sở GDCK Hà Nội và khâu lưu ký cho Trung tâm Lưu ký. Hiện nay, Sở GDCK TP. HCM chiếm 90% thị trường cổ phiếu với khoảng 16,7 tỷ cổ phiếu niêm yết. Giá trị vốn hóa gần 50 tỷ USD.
 
Sở đã nghiên cứu đưa ra nhiều sản phẩm đầu tư như xây dựng các bộ chỉ số, như chỉ số VN30 đã có quỹ ETF lấy làm cơ sở để đầu tư. Bộ chỉ số ngành đang trong quá trình hoàn thiện. Sản phẩm chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết NVDR, chứng quyền phái sinh - Covered Warrant đang được trình cơ quan quản lý sẽ đưa vào triển khai. Cơ chế đấu giá cổ phần đang nghiên cứu sửa đổi theo hướng công khai hơn nữa.
 
14 năm là khoảng thời gian đủ để chúng ta chiêm nghiệm lại công việc mình đã làm được, so sánh với thị trường các nước để biết ta phát triển đến đâu. Thực sự, tôi rất sốt ruột với thị trường hiện nay vì mình thua người ta nhiều quá.
 
 
Quy mô TTCK so với các nước trong khu vực còn nhỏ bé, chưa bằng 15% so với TTCK Thái Lan, mà quy mô nền kinh tế đâu đến nỗi chênh lệch như thế. TTCK chỉ bằng hơn 30% GDP, chưa phải là kênh huy động vốn chính của nền kinh tế, bên cạnh tín dụng ngân hàng. Quy mô thị trường khoảng 1 triệu tỷ VND so với quy mô thị trường tín dụng gần 4 triệu tỷ VND.
 
Đi hội nghị, hội thảo trong khu vực và quốc tế, chúng ta chỉ có ngồi nghe và học tập chứ không tham gia thảo luận được nhiều, bởi đại biểu các nước họ thảo luận những vấn đề rất cụ thể, các sản phẩm phái sinh cao cấp, trong khi thị trường chúng ta chưa có gì cả. Sản phẩm phái sinh cho nhà đầu tư chuyên nghiệp còn ít và  thiếu nhiều lắm.

Các chủ thể tham gia thị trường đều có chung nhận thức TTCK của ta đang ở đâu so với khu vực. Liệu trong giai đoạn 5 năm tới có rút ngắn đáng kể được khoảng cách này không, thưa ông?
 
Tôi kỳ vọng là như thế. Chỉ còn một bước nữa là cơ sở hạ tầng và hệ thống công nghệ thông tin hiện đại không thua kém các nước trong khu vực sẽ hoàn thành đồng bộ vào 2015 - 2016.
 
Hiện nay, Sở đã hoàn thành Tòa nhà văn phòng Exchange Tower tiêu chuẩn hạng A tích hợp Trung tâm dữ liệu Data Center. Trung tâm dữ liệu dự phòng dự kiến sẽ hoàn thành vào quý IV năm nay.
 
Hệ thống công nghệ thông tin tích hợp hiện đại và đồng bộ cho toàn thị trường do nhà thầu Hàn Quốc thực hiện sẽ được đưa vào vận hành trong năm 2015 - 2016, tạo nền tảng công nghệ cho việc phân định hàng hóa thị trường, vận hành các sản phẩm phái sinh và thực hiện công việc hợp nhất 2 Sở.
 
Việc hợp nhất 2 Sở đã được thực hiện đến giai đoạn nào, thưa ông?
 
Theo tôi được biết thì đề án hợp nhất đã được Bộ Tài chính trình Chính phủ. Lộ trình là làm từng bước, hợp nhất về mặt hành chính trước, từng bước thống nhất bộ máy, thị trường sau.
 
Về hành chính, hy vọng đầu sang năm sẽ có quyết định cụ thể.
 
Việc thống nhất 2 Sở có nhiều lợi ích, trước tiên sẽ giảm nhiều chi phí cho các chủ thể tham gia thị trường.
 
Đơn giản như mỗi CTCK hiện cần tới 10 đường truyền đến 2 Sở, Trung tâm Lưu ký, dự phòng, sau này chỉ cần 2 đường truyền mà thôi.
 
Gần đây, chúng ta nói nhiều đến phấn đấu nâng thứ hạng thị trường từ cận biên lên thị trường mới nổi để có thể cạnh tranh thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Vậy theo ông, đâu là những việc có thể làm ngay tạo ra lực hấp dẫn mới với dòng vốn nước ngoài?
 
Thu hút vốn đầu tư vào TTCK bây giờ ta có trải thảm đỏ, các quỹ, nhà đầu tư chuyên nghiệp nước ngoài lớn họ cũng ít vào. Quy mô thị trường quá nhỏ, chưa xứng đáng để các quỹ lớn đầu tư bộ máy, con người. Các công ty trong VN30 thì nước ngoài chỉ còn có thể mua được 2 - 3%. Chúng ta có sản phẩm ETF nhưng chưa có sản phẩm phái sinh mua bán khống, hợp đồng tương lai... để phòng ngừa rủi ro.
 
Mà không chỉ thu hút vốn đầu tư nước ngoài, ngay cả nhà đầu tư trong nước bây giờ cũng rất chuyên nghiệp, muốn thu hút vốn phải có hàng hóa tốt, có sản phẩm đầu tư để lựa chọn. Thị trường thứ cấp có sôi động thì DN mới phát hành huy động vốn được, lúc đó mới hy vọng thị trường phát triển bằng anh, bằng em trong khu vực.
 
Việc có thể làm ngay là tăng quy mô thị trường bằng IPO, cổ phần hóa, niêm yết, bán bớt vốn nhà nước theo tỷ lệ quy định ở DNNN lớn, nhất là những DN hiệu quả. Sớm đưa các sản phẩm đầu tư mới ra thị trường.
 
Những vấn đề này về mặt chủ trương ở cấp lãnh đạo đã có, khi đi vào triển khai thực hiện còn vướng nên cần có sự chỉ đạo quyết liệt hơn nữa ở cấp điều hành thực hiện chính sách.
 
Đơn cử, DN IPO xong phải lên niêm yết ngay sau đó theo đúng thông lệ quốc tế chứ IPO, cổ phần hóa xong mấy năm sau mới niêm yết thì nhà đầu tư không mặn mà.
 
Một trong những lý do DN không muốn niêm yết bởi họ cho rằng phải đáp ứng nhiều yêu cầu khắt khe, trong khi chưa thể huy động vốn hay thấy các lợi ích mà thị trường mang lại. Ông bình luận gì về điều này?
 
Theo ước tính của tôi trong 14 năm qua, trung bình DN niêm yết tăng gấp đôi vốn điều lệ. TTCK là sản phẩm của loài người, lợi ích quá rõ ràng, vấn đề là DN có đáp ứng tiêu chuẩn thị trường đặt ra hay không thôi.
 
Có thể nhiều DN đang trong giai đoạn khó khăn hiện nay ngại niêm yết, nhưng ngoài huy động vốn, không ít DN niêm yết thoát ra khỏi giai đoạn khó khăn nhanh hơn các DN khác trong ngành. Bởi tham gia TTCK là thị trường cao cấp, ở đó DN tiếp xúc được với nhiều đối tác đáng giá như nhà tư vấn, bạn hàng, ngân hàng, nhà đầu tư... Các đối tác này sẵn sàng hỗ trợ DN nếu DN cam kết sẽ niêm yết.
 
Vì vậy, DN đừng ngại đặt mục tiêu phấn đấu lên niêm yết ngay ở thời điểm đang khó khăn. Một cam kết phấn đấu rõ ràng sẽ mang lại nhiều cơ hội mới.
Theo Đầu tư Chứng khoán
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo