Chủ tịch VCCI: Động lực của kinh tế sẽ là Phụ nữ
Xét về cung, các doanh nhân nữ đang ngày càng phát huy vai trò của mình. Xét về cầu, phụ nữ là người đang nẵm giữ quỹ tiêu dùng của các hộ gia đình, mà theo tính toán, số tiền trong sức mua của chị em lớn hơn cả nền kinh tế Ấn Độ và Trung Quốc cộng lại.
Ông từng nói nếu tăng được sự bình đẳng giới, giảm được sự phân biệt giới, thì GDP/người của một quốc gia sẽ tăng lên 14%. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về nhận định này?
TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Nền kinh tế toàn cầu hiện đang có 2 xu hướng: Xu hướng phát triển mạnh mẽ của khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ và xu hướng phát triển các doanh nghiệp do nữ làm chủ.
Khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ được xác định là xương sống của nền kinh tế quốc gia, kể cả ở các nước phát triển lẫn đang phát triển.
Trong một tổng thể như vậy, các doanh nhân nữ cũng ngày càng khẳng định mình hơn. Tỷ trọng doanh nghiệp do nữ làm chủ ngày càng tăng lên. Dự báo của nhiều nghiên cứu đều cho rằng trong tương lai, hơn 50% doanh nghiệp trên thế giới sẽ do phụ nữ làm chủ. Vai trò của phụ nữ trong nền kinh tế gồm 2 vai trò: Phụ nữ làm chủ kinh doanh và phụ nữ làm lao động.
Trước đây người ta nói động lực phát triển của nền kinh tế thế giới là Trung Quốc, là Ấn Độ, hay là Internet. Internet tạo ra động lực phát triển kinh tế thế giới. Trung Quốc, Ấn Độ là những thị trường mới nổi đang lên.
Nhưng, hãy quên những cái đó đi. Động lực quan trọng nhất chính là phụ nữ.
Xét về cầu, với tư cách là người tiêu dùng, phụ nữ là người đang nẵm giữ quỹ tiêu dùng của các hộ gia đình, là người mua sắm, tạo nên tổng cầu của nền kinh tế. Người ta tính rằng số tiền trong sức mua của chị em lớn hơn cả nền kinh tế Ấn Độ và Trung Quốc cộng lại.
Xét về cung, chị em là doanh nhân nữ đang ngày càng phát huy vai trò. Bên cạnh đó, các lao động nữ ngày càng tham gia vào các hoạt động xã hội nói chung. Nếu thúc đẩy được 2 nhân tố này, sẽ tạo nên động lực cho nền kinh tế.
Cho nên, chính sách kinh tế mới của ông Shinzo Abe là Womenomics - nền kinh tế thúc đẩy vai trò của phụ nữ. Nhật Bản tính toán, nếu huy động được tiềm năng của phụ nữ tham gia thì kinh tế Nhật Bản sẽ tăng được 1.000 tỷ USD.
Có thể thấy một mỏ vàng, một tài nguyên lớn nhất chưa được khai thác là PHỤ NỮ.
Vậy làm sao để Việt Nam khai thác được tài nguyên này?
Chúng ta chưa khai thác được tiềm năng của con người nói chung, bao gồm cả tiềm năng của phụ nữ. Một loạt quan điểm xã hội như làm sao đẩy mạnh vai trò của phụ nữ, nhìn nhận phụ nữ, tạo cơ chế cho phụ nữ tham gia vào các hoạt động kinh tế xã hội, đặc biệt là hoạt động kinh doanh thì cần phải có chính sách khuyến khích.
Chị em phần lớn hoạt động trong khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Cho nên, đóng góp của chị em không chỉ là đóng góp vào sự tăng trưởng GPD, mà còn đóng góp vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
Các doanh nghiệp do nữ làm chủ cũng thường sử dụng lao động nữ, thường tham gia nhiều hơn vào các hoạt động xã hội. Cho nên, hoạt động của chị em không chỉ là lợi ích kinh tế và lợi ích xã hội.
Một nghiên cứu mới đây đánh giá các doanh nghiệp do nữ làm chủ thường có hiệu quả kinh tế cao hơn. Ông nghĩ thế nào về việc này?
Phải nói là chị em nữ bao giờ cũng chỉn chu hơn, cẩn trọng hơn, ít mạo hiểm hơn nam giới. Họ cũng nhạy cảm hơn – việc rất quan trọng trong hoạt động kinh doanh. Cùng với sự tiết kiệm, chắt chiu, sức chịu đựng... tất cả cái đó làm cho các doanh nghiệp do nữ làm chủ có khả năng phát triển bền vững hơn.
Qua biến động của nền kinh tế trong mấy năm vừa rồi, ở nước ta và trên thế giới cho thấy, doanh nghiệp cho chị em nữ làm chủ phát triển bền vững hơn.
Việt Nam có số lượng doanh nghiệp ít thôi – 500.000 doanh nghiệp, trong đó, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chiếm 1/4. Tức là, cứ 4 doanh nhân thì có 1 doanh nhân là nữ. Nhưng quan trọng hơn không phải ở 500.000 doanh nghiệp này mà là 4,6 triệu hộ kinh tế gia đình, mà thường người phụ nữ là người quản trị. 4,6 triệu hộ đó là tiềm năng của nền kinh tế Việt Nam với sức trải rộng, tạo ra nhiều công ăn việc làm, đồng thời là nguồn để hình thành các doanh nghiệp.
Cho nên, phụ nữ là tiềm năng trong giới lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam. Không chỉ ở Việt Nam, điều này cũng diễn ra tương tự như trong nền kinh tế thế giới.
Không chỉ trong kinh doanh, mà trong lĩnh vực chính trị, vai trò của phụ nữ cũng ngày càng tăng.
Hội nhập là xu hướng không thể tránh khỏi. Ông nhận định thế nào về khả năng vươn ra thế giới của doanh nhân nữ việt nam?
Trong những năm gần đây, chúng ta thấy số lượng doanh nhân nữ ít hơn doanh nhân nam. Nhưng qua các cuộc vinh danh của thế giới gần đây, số doanh nhân nữ Việt Nam được xếp vào số doanh nhân quyền lực thì hoàn toàn ngang bằng so với nam giới.
Năm ngoái, trên thị trường chứng khoán Việt Nam, trong số 10 người giàu nhất thì nam – nữ cân bằng (tất nhiên còn yếu tố khác).
Nhưng phải thấy rằng, số doanh nghiệp do nữ làm chủ có quy mô lớn, có quyền lực, được xếp hạng trong khu vực ngày càng tăng lên. Trong cuộc chạy đua thì dường như nữ đi nhanh hơn và vượt lên.
Đi sâu vào một số ngành, theo cảm nhận của ông, có ngành nào nữ giới làm tốt hơn nam giới?
Trong ngành dệt may, giày dép – những ngành cốt lõi của Việt Nam trong quá trình gia nhập,hay trong ngành thủy sản, nông nghiệp... – những ngành Việt Nam có lợi thế tương đối lại thường là những ngành chị em phát huy tốt hơn. Ngành nào Việt Nam có lợi thế thì chị em có lợi thế hơn so với nam giới.
Bên cạnh đó, chị em cũng có lợi thế hơn vì động lực của nền kinh tế là khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, mà chị em hoạt động thuận lơi hơn nam giới.
Cũng phải nói rằng thị trường thế giới hiện nay thường xuyên biến động, cần có sự nhạy cảm. Nhu cầu tiêu dùng của con người ngày càng tinh tế hơn rất nhiều, yếu tố nhân văn, văn hóa ngày càng được coi trọng. Mà với những yếu tố này, phụ nữ cũng có lợi thế hơn.
Xin cảm ơn ông!
Theo Tri thức trẻ
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo