Hiệp hội doanh nghiệp

Chủ tịch VINASME Nguyễn Văn Thân chứng kiến ký thỏa thuận khung giữa SMEDF và VPBank

Quỹ Phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEDF) và Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa ký kết thỏa thuận khung về ủy thác cho vay nhằm mở thêm kênh tiếp cận mới cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa đối với nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ.

Chiều 5/5, tại Hà Nội, Quỹ Phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEDF) và Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã tổ chức Lễ ký kết thỏa thuận khung về ủy thác cho vay nhằm mở thêm kênh tiếp cận mới cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) đối với nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ.

Tham dự buổi lễ ký kết gồm có: ông Đặng Huy Đông - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME); ông Ngô Chí Dũng - Chủ tịch HĐQT VPBank... cùng đại diện các bộ, ngành, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đại diện VPBank ký thoả thuận khung về uỷ thác cho vay với đại diện Quỹ SMEDF trước sự chứng khiến của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông và Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Theo thỏa thuận khung được ký kết, VPBank sẽ nhận ủy thác của SMEDF trong việc giải ngân nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa với lãi suất ưu đãi trong suốt thời hạn vay vốn từ 5,5% đến 7%/năm.

Trước khi lập hồ sơ đề nghị vay vốn ủy thác từ SMEDF, VPBank sẽ thẩm định đối tượng cho vay, điều kiện cho vay, mức vốn cho vay, thời hạn cho vay, bảo đảm tiền vay và các nội dung khác có liên quan đến việc cho vay trên cơ sở tuân thủ theo đúng quy chế ủy thác cho vay do SMEDF ban hành và quy chế cho vay đối với khách hàng của VPBank đang áp dụng tại thời điểm cấp tín dụng bằng tiền ủy thác từ thỏa thuận khung.

Được biết, VPBank là ngân hàng thứ 4 được SMEDF lựa chọn là ngân hàng nhận ủy thác kể từ khi quỹ này ra mắt vào tháng 4/2016. Với thỏa thuận này, các doanh nghiệp nhỏ và vừa muốn vay vốn ưu đãi có thể tiếp cận qua VPBank hoặc trực tiếp qua quỹ SMEDF.

Trong năm 2017, SMEDF và các ngân hàng ủy thác dự kiến sẽ triển khai nhiều chương trình hỗ trợ tài chính với các doanh nghiệp nhỏ và vừa với tổng hạn mức khoảng 560 tỷ đồng, trong đó đối tượng ưu tiên sẽ là những doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; các doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xử lý rác thải, nước thải.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Đặng Huy Đông cho biết, tính đến tháng 4/2017 đã có hơn 1.000 lượt doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận, tìm hiểu thông tin về các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp qua các kênh như hội thảo, truyền thông và call center. Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy rất nhiều doanh nghiệp đang quan tâm tới nguồn vốn hỗ trợ của Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

 

Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phát biểu tại buổi ký kết.

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, phát biểu tại buổi ký kết thỏa thuận, ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, với việc thỏa thuận này được ký kết, các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ dễ tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ hơn thông qua VPBank, đặc biệt là cũng được hưởng ưu đãi lãi suất tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa từng bước vượt qua khó khăn và phát triển.

"Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong khi đó, hiện nay nhiều hộ kinh doanh không muốn lên doanh nghiệp vì khó khăn nguồn vốn. Chính vì vậy, với sự hỗ trợ của SMEDF thì các hộ kinh doanh sẽ không còn ngần ngại chuyển thành doanh nghiệp, mở rộng quy mô sản xuất. Chúng tôi rất mong SMEDF và VPBank triển khai các gói tín dụng đến tận nơi các doanh nghiệp nhỏ và vừa để họ phát triển. Chúng tôi hứa sẽ tìm được các doanh nghiệp đầy tiềm năng để tận dụng được quỹ này", Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân nói thêm.

Nên đọc
VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo