Chủ tịch Vinasme Nguyễn Văn Thân: Nhà băng hứa cho vay xong rồi để đấy
Theo ông Thân, tình trạng cam kết cho vay trên giấy, không thực chất đã khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa thiếu tự tin khi gõ cửa ngân hàng vay vốn sản xuất kinh doanh. Do vậy, đã đến lúc ngân hàng nên đồng hành cùng doanh nghiệp hơn nữa thay vì hô hào khẩu hiệu.
- Tại cuộc đối thoại với Thủ tướng hồi cuối tháng 4, ông có đề cập nhiều đến việc doanh nghiệp đang thiếu niềm tin vào hệ thống ngân hàng thương mại nên thậm chí phải tiếp cận các nguồn từ tiệm cầm đồ, tín dụng đen. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?
- Đúng là thời gian qua, Chính phủ có nhiều dự án hỗ trợ dành riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và đạt được một số kết quả nhất định. Nhưng nếu so với nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp thì vẫn như "muối bỏ biển" .
Các văn bản, Nghị định liên quan doanh nghiệp quy mô nhỏ vừa không thiếu nhưng thực tế doanh nghiệp nhỏ đi vay khó hơn rất nhiều so với doanh nghiệp lớn. Vì thế họ rất tự ti và luôn nghĩ mình không có cơ hội. Phần lớn doanh nghiệp nhỏ vẫn chủ động vay bên ngoài. Nhiều chủ doanh nghiệp phàn nàn với tôi rằng họ thà đi vay “nóng” tiệm cầm đồ còn hơn. Họ sẵn sàng gõ cửa thị trường chợ đen dù lãi suất cắt cổ miễn giải quyết được việc kịp thời.
Việc các doanh nghiệp mất niềm tin theo tôi cũng là dễ hiểu và có thể chia sẻ được bởi có lẽ họ đã thấy quá nhiều những cam kết hỗ trợ trên giấy, những cuộc ký kết cho vay, hỗ trợ vốn hoành tráng rồi sau đó cũng chỉ để đấy hoặc đút gầm bàn.
- Vậy theo ông đâu là bất cập khiến các doanh nghiệp khó tiếp cận vốn?
- Về mặt định hướng, khi phát biểu, lãnh đạo nào cũng nói rất quan tâm đến đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Có nhiều lãnh đạo ngân hàng là thành viên của Hiệp hội cũng thể hiện ý chí rất quyết tâm. Tuy nhiên, khi triển khai xuống các đơn vị thì lại không như vậy. Bởi các chi nhánh cũng vì mục tiêu kinh doanh nên họ phải lựa chọn ưu tiên doanh nghiệp lớn vay vốn trước.
Ví dụ, trong cùng một thời gian, nếu tiếp xúc với doanh nghiệp lớn, họ sẽ mang về doanh thu tốt hơn là lẽo đẽo theo một doanh nghiệp nhỏ. Hơn nữa, không khó hiểu nếu các ngân hàng quốc doanh tập trung vào phân khúc tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Do đó, sự ưu tiên của họ khó vươn tới khối doanh nghiệp nhỏ và vừa - vốn chiếm số lượng lớn nhưng dễ tổn thương trước bất ổn kinh tế vĩ mô.
- Nhưng thực tế, thời gian qua, các nguồn vốn ưu tiên doanh nghiệp nhỏ và vừa phần lớn đều được phân bổ về các ngân hàng thương mại quốc doanh?
- Quan sát kỹ mấy năm qua, tôi thấy khối ngân hàng cổ phần thực sự quan tâm tới các doanh nghiệp nhỏ hơn là các “ông lớn” quốc doanh bởi doanh nghiệp quy mô nhỏ vừa có vẻ phù hợp với tiềm năng của các ngân hàng cổ phần.
Đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa đang chiếm số đông trong cộng đồng doanh nghiệp hiện nay, nên theo tôi nếu nhà nước phân bổ vốn hoặc ưu đãi vốn vay cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thì nên để ngân hàng cổ phần đảm nhiệm một phần. Nên gạt bỏ băn khoăn ngân hàng cổ phần làm mất vốn Nhà nước. Vì thực tế, với ngân hàng quốc doanh, 2.000-3.000 tỷ đồng nếu so với quy mô của họ thì quá khiếm tốn. Ngược lại, với ngân hàng cổ phần, họ sẽ rất trân trọng nguồn vốn này.
- Nhiều doanh nghiệp thiếu tự tin khi vay vốn một phần vì họ không có tài sản đảm bảo, ông nhìn nhận vấn đề này ra sao?
- Thực ra doanh nghiệp nhỏ và vừa ở bất kỳ vị trí nào cũng yếu thế, đôi lúc bị tổn thương vì gần như các tiêu chí và yêu cầu từ ngân hàng doanh nghiệp đều khó đáp ứng.
Tuy nhiên, tôi cho rằng vấn đề không nằm ở thiếu tài sản đảm bảo. Điều quan trọng là các doanh nghiệp nhỏ Việt Nam thiếu thốn về nhân lực, trong đó có nhân sự cấp cao. Thậm chí không ít các ông chủ doanh nghiệp kiêm nhiệm nhiều việc và tự tay làm. Vì vậy, khả năng đảm bảo hồ sơ thuyết phục được ngân hàng cho vay không cao.
- Vậy lời khuyên của ông với các doanh nghiệp là gì để họ dễ tiếp cận vốn ngân hàng hơn?
- Trước hết, bản thân các doanh nghiệp nên xem lại cách thức quản trị của mình và mạnh dạn tìm đến ngân hàng đặt vấn đề. Các ngân hàng cũng là doanh nghiệp và họ sẽ phải đưa ra quyết định cho vay dựa vào dòng tiền thực sự của anh chứ không chỉ vì quan hệ hay có tài sản đảm bảo hay không. Ngoài ra, khi có kế hoạch vay vốn, doanh nghiệp không nên nghĩ tới việc hiện thực hóa khoản vay vội mà nên tìm hiểu ngân hàng là địa chỉ tư vấn tài chính tốt.
Nhưng ngược lại, các ngân hàng cũng nên nhìn lại mình. Để mọi ký kết không “đút gầm bàn”, các tổ chức tín dụng cần tư vấn cho doanh nghiệp ngay từ đầu thay vì để họ “tự bơi”. Sau mỗi bản ký kết phải là những cái bắt tay, sự hỗ trợ để doanh nghiệp tự tin hoàn thiện hồ sơ và triển khai các bước tiếp theo.
Như VPBank, ngân hàng cổ phần mà Hiệp hội chúng tôi đang hợp tác thời gian cho thấy họ có chiến lược rất rõ ràng và chương trình hành động quyết liệt giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí là siêu nhỏ tiếp cận vốn thuận lợi.
Quan sát nhân viên quan hệ khách hàng của nhà băng này thấy họ coi công việc như một nhà tư vấn về quản trị dòng tiền cho doanh nghiệp hơn xem đó là nhiệm vụ bán hàng. Tôi tin tưởng với các cam kết giữa Hiệp hội và VPBank về khoản vay vốn cho các doanh nghiệp thành viên sẽ sớm hiện thực hóa bằng quyết định giải ngân. Có như vậy, doanh nghiệp mới tin là tiếp cận thuận tiện với nguồn vốn vay chứ không phải là được cho vay trên giấy như trước.
End of content
Không có tin nào tiếp theo