Chủ Usilk City hứa hoàn tất dự án nếu được rót vốn
(vnexpress) Ngày 4/5, Công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long (Mã CK: STL), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và khách hàng đã họp bàn về việc tháo gỡ khó khăn về vốn cho dự án Usilk City. Tháng 10/2012, Công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long đã ký kết hợp đồng tín dụng 300 tỷ đồng với BIDV, đến nay, ngân hàng đã giải ngân được 9,8 tỷ đồng. Phía BIDV giải thích, điều kiện giải ngân của hợp đồng tín dụng đã đủ, tuy nhiên, quá trình giải ngân cẩn trọng do nhà băng cần thời gian để thẩm định và xem xét kỹ lưỡng khả năng trả nợ của dự án trong bối cảnh thị trường bất động sản đóng băng.
Cụm CT1 của dự án Usilk City bao gồm 3 tòa CT101, CT102, CT103 và đã xong phần thô. Tuy nhiên, dự án chậm tiến độ hơn một năm và không thể tiếp tục hoàn thiện do Sông Đà Thăng Long không còn vốn triển khai dự án. Nhiều khách hàng không đóng thêm tiền do mất lòng tin với chủ đầu tư.
Số đông khách hàng cho rằng, để lấy lòng tin của người mua, Sông Đà Thăng Long phải khởi động dự án thay vì "cứ ngồi nhìn nhau mãi". Khách hàng Nguyễn Tố Hằng chia sẻ, chị mới chỉ đóng được 55% giá trị căn hộ. Nếu chủ đầu tư cam kết chính xác thời điểm bàn giao nhà, chị sẵn sàng đóng tiếp số tiền còn lại. "Kể cả đóng luôn 1 tỷ đồng tôi cũng sẵn sàng, vấn đề ở chỗ chủ đầu tư phải thực hiện đúng cam kết đã hứa", chị Hằng nói.
Khách hàng Nguyễn Hồng Minh hiến kế, đối với những trường hợp chưa đóng đủ tiền sẽ mở tài khoản cá nhân ở BIDV. Đến 31/12, nếu chủ đầu tư bàn giao nhà, ngân hàng có thể lấy số tiền đó giải ngân cho Sông Đà Thăng Long. "Trường hợp chủ đầu tư không bàn giao như cam kết, khách hàng sẽ rút tiền về, phía ngân hàng sẽ trả lãi suất cho người dân đúng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước", anh Minh nói.
Khách hàng yêu cầu chủ đầu tư dự án Usilk City phải hành động. Ảnh: Hoàng Lan.
Công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long cho hay, theo đúng tiến độ, khách hàng phải nộp tới 70% giá trị căn hộ, tuy nhiên, nhiều người đã không thực hiện đúng nghĩa vụ. Ông Trần Việt Sơn, Tổng giám đốc STL nhấn mạnh: "Số tiền phải thu của các khách hàng nộp dưới 70% là 187 tỷ đồng".
Ông Sơn đưa ra phương án, đối với 55 khách hàng nộp dưới 35% giá trị căn hộ, công ty sẽ yêu cầu nộp đủ 70%. Riêng nhóm khách hàng nộp 35-50% chủ đầu tư sẽ ra thông báo nộp dần 5-10%. Sau khi thu tiền, STL sẽ tiến hành xây dựng các hạng mục như lắp đặt thiết bị, lát sàn gỗ, khách hàng sẽ được tận mắt chứng kiến việc thi công tại công trình.
"Nếu thu được số tiền này và kết hợp với gói vay của BIDV, Sông Đà Thăng Long cam kết sẽ hoàn thành đúng tiến độ. Số tiền khách hàng đóng sẽ tương ứng với tỷ lệ công việc chủ đầu tư thực hiện", ông Sơn cam kết.
Một số khách hàng hiện mới nộp dưới 35% giá trị hợp đồng muốn bỏ dự án vì tiếp tục theo đuổi, họ sẽ mất tới 2-3 tỷ đồng, trong khi đó, nếu đem bán, căn hộ chỉ được khoảng 2 tỷ đồng. Phía chủ đầu tư khẳng định, sẵn sàng thanh lý hợp đồng nếu khách hàng muốn bỏ dự án vì "nhiều người vẫn muốn mua".
Ông Vũ Văn Khiêm, Phó giám đốc BIDV chi nhánh Thanh Xuân cho hay, việc hoàn thiện dự án phụ thuộc vào nguồn tiền của khách hàng. BIDV chỉ giải ngân khi nhà thầu đã hoàn thiện các hạng mục và có nghiệm thu. "Vấn đề cần làm là những khách hàng chưa nộp đủ tiền cần thực hiện nghĩa vụ để chủ đầu tư có tiền triển khai dự án. Phía sông Đà Thăng Long cần đẩy nhanh tiến độ dự án để ngân hàng có căn cứ giải ngân", ông Khiêm nói.
Ông Nguyễn Trí Dũng Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long nhìn nhận, việc ký hợp đồng tín dụng với BIDV không phải là giải pháp duy nhất. Phía chủ đầu tư đã đưa ra nhiều phương án khả thi khác như vay, hợp tác với các ngân hàng đầu tư vào các tòa nhà khác của dự án, cơ cấu nợ và bán dự án khác để dồn tiền cho dự án này... Cũng theo ông Dũng, để tháo gỡ khó khăn cho dự án, phía chủ đầu tư đã vay 2,3 triệu euro (khoảng 60 tỷ đồng) để cho nhà thầu tiếp tục thi công.
"Tôi là người trọng danh dự và danh dự đã bị sứt mẻ nhiều, tôi cũng như công ty sẽ cố gắng lấy lại. HĐQT sẽ xem xét lại quyết định của mình để hoàn thành dự án sớm nhất có thể", ông Dũng chia sẻ.
Hải Anh
End of content
Không có tin nào tiếp theo