Bất động sản

Chưa nới lỏng điều kiện người nước ngoài mua nhà

Trái với kỳ vọng của giới đầu tư địa ốc, Dự thảo Thông báo Kết luận phiên họp thứ 11 của Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản, kiến nghị nới lỏng điều kiện cho người nước ngoài mua nhà không được nhắc đến.

 Tại phiên họp thứ 11 của Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản do Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì mới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã kiến nghị Chính phủ xem xét nới lỏng điều kiện cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam.

 
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, việc người nước ngoài sở hữu nhà ở Việt Nam đang được Bộ Xây dựng xem xét trình Chính phủ. Việc cho phép người nước ngoài mua nhà, một mặt giúp tiêu thụ được những sản phẩm bất động sản nhưng mặt khác thị trường lao động cũng được hưởng lợi khi người lao động có việc làm. Đây cũng là giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
 
“Trước mắt, Bộ Xây dựng đang xây dựng và sau đó trình Chính phủ, cố gắng trong năm 2013 sẽ trình Quốc hội”, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết.
 
Nhưng, trái với kỳ vọng của giới đầu tư địa ốc, tại Dự thảo thông báo Kết luận phiên họp của Văn phòng Chính phủ sau đó, trong số 10 nhiệm vụ cần tập trung triển khai trong thời gian tới, kiến nghị nới lỏng điều kiện cho người nước ngoài mua nhà của Bộ Xây dựng kiến nghị đã không được nhắc đến.
 
Việc nới lỏng điều kiện cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam được kỳ vọng   giải phóng lượng hàng tồn kho bất động sản
 
Theo những người có kinh nghiệm, rất khó để có một “phép màu” nào giải cứu lượng hàng tồn kho cho thị trường bất động sản trong thời gian trước mắt khi mà những kiến nghị nới lỏng phải được Chính phủ sửa đổi và trình Quốc hội thông qua.
 
Theo đề xuất mới của Bộ Xây dựng, ngoài 5 đối tượng người nước ngoài được phép mua nhà tại Việt Nam theo Nghị quyết số 19/2008/QH12, có thêm nhiều đối tượng người nước ngoài có thể mua nhà tại Việt Nam như các quỹ đầu tư nước ngoài, ngân hàng nước ngoài, các chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam (trừ các tổ chức ngoại giao, các tổ chức phi chính phủ).
 
Về cá nhân, Bộ Xây dựng cũng đề nghị cho phép tất cả đối tượng được cấp visa vào Việt Nam từ 3 tháng trở lên được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam (trừ những người đang làm việc ở các cơ quan ngoại giao, các tổ chức phi chính phủ).
 
Các đối tượng này có thể được mua và sở hữu nhà ở không hạn chế về số lượng, hoặc chỉ được mua hoặc sở hữu không quá hai căn hộ, nhà ở riêng lẻ. Về thời hạn, ngoài quy định cá nhân được sở hữu trong 50 năm (thêm một lần gia hạn tương đương) như trước đây, bộ này đề nghị chỉ sở hữu trong 70 năm (không được gia hạn).
 
Bộ Xây dựng cũng đề nghị bổ sung một số quyền của chủ sở hữu. Trong đó, quan trọng nhất là việc cho phép cá nhân nước ngoài được tự mình hoặc hợp tác với chủ đầu tư (bên bán nhà ở) cho thuê, khai thác, sử dụng nhà ở đã mua. Kèm theo đó, cho phép người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam được phép khai thác, sử dụng nhà ở của họ và đóng thuế cho chính quyền địa phương.
 
Theo ước tính của Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh, hiện có 80.000 người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam và hơn 1,7 triệu Việt kiều nhập cảnh vào TP. Hồ Chí Minh mỗi năm. Nếu như những điều kiện nới lỏng này được thông qua, chỉ cần 10% cá nhân nước ngoài mua nhà ở, tính trung bình mỗi người mua căn nhà giá 1,5 tỷ đồng thì lập tức một lượng tiền lớn được bổ sung cho thị trường.
Theo Đầu Tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo