Chưa tận dụng được kinh tế lễ hội
Nhằm cung cấp một cách tiếp cận mới cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam về khái niệm “Kinh tế lễ hội” (holiday economy hay festival economy) và đưa ra những mô hình đã thành công ở nước ngoài, những gợi ý cho doanh nghiệp trong nước, câu lạc bộ LBC tổ chức hội thảo “Kinh tế lễ hội: Một gợi ý về mô hình kinh doanh sáng tạo”, vừa được diễn ra tại TP HCM.
Một trong những tác động rõ rệt nhất của mùa lễ hội là sự tăng trưởng mạnh về việc làm bán thời gian của các nhà bán lẻ. Sức tiêu thụ hàng hóa sẽ tăng lên gấp 2, 3 lần so với những ngày thường. Năm ngoái, hãng chuyển phát UPS lúc đầu có kế hoạch tuyển 55.000 nhân viên mùa vụ nhưng đến khi vào lễ hội nhu cầu tăng mạnh nên họ phải tuyển đến 85.000 người. Điều này đã gây thiệt hại không nhỏ cho các vấn đề về chi phí, doanh thu và uy tín khi nhiều món hàng không giao kịp trước lễ Giáng sinh. Theo kế hoạch năm nay, FedEx tăng thêm hơn 10.000 vị trí so với năm ngoái. Macy’s cũng có kế hoạch tuyển 86.000 vị trí, tăng gần 4%.
Theo các chuyên gia, Tết là mùa làm ăn với nhu cầu tiêu dùng cho các mặt hàng cao cấp và thực phẩm tiêu dùng. Nghiên cứu của hãng tư vấn Bain & Co, cho thấy dịp Tết Âm lịch ở các nước châu Á là một trong những thời điểm quan trọng đối với việc mua hàng xa xỉ. Tại Trung Quốc (thị trường tiêu thụ hàng xa xỉ thứ hai thế giới), trong dịp Tết năm ngoái cho thấy nhu cầu mua sắm các mặt hàng này tăng đến 30% (85 tỉ USD) và tác động mạnh đến kinh tế toàn cầu. Các sản phẩm tiêu thụ mạnh là vàng nữ trang, xe hơi, xe máy, hàng điện tử. Các loại thực phẩm cao cấp ngày càng trở thành xu hướng lớn ở châu Á dùng để làm quà tặng dịp năm mới.
Theo khảo sát từ LBC, công tác chuẩn bị hàng Tết năm nay của doanh nghiệp cơ bản đã xong nhưng ý tưởng kinh doanh cho mùa Tết năm nào cũng na ná nhau không có gì đột biến về ý tưởng. Các ngày lễ tình nhân, ngày của mẹ, lễ hội Haloween, thậm chí lễ tạ ơn, ngày thứ sáu đen tối (Black Friday), cho thấy ít doanh nghiệp tham gia, chỉ có cửa hàng bán hoa, shop quà tặng, lực lượng sinh viên tranh thủ kiếm thêm nguồn thu nhập để trang trải cho cuộc sống. Các lễ hội tại các địa phương (lễ hội chùa Hương, đền Trần, giỗ tổ Hùng Vương, vía bà Chúa núi Sam Châu Đốc, Đức mẹ La Vang), chưa thấy có trong kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp. Các ngày lễ lớn như 30-4, 1-5, 2-9, 31-12 cũng chưa được tận dụng triệt để. Nhiều doanh nghiệp cho biết họ biết các lễ hội nhưng lực bất tòng tâm. Việc tổ chức chương trình nào đó để kinh doanh cho dịp lễ hội xem ra doanh nghiệp trong nước còn thụ động, trong khi các doanh nghiệp nước ngoài tìm mọi cách để làm chương trình ăn theo các lễ hội.
Một trong những nước trong khu vực làm lễ hội tốt như Singapore, họ tổ chức những lễ hội cấp quốc gia như mùa siêu khuyến mãi hằng năm, thu hút khách quốc tế ồ ạt đến mua sắm. Để có được thành công này họ phải có tổng đạo diễn để phối hợp với ngành du lịch, hàng không, khách sạn, bán lẻ hàng tiêu dùng, quà tặng, ẩm thực, giải trí.
Theo ông Glenn Koh, trưởng đại diện Tổng cục Du lịch Singapore (STB) tại Việt Nam - Lào và Campuchia, đất nước này hầu như ngày nào cũng có lễ hội, ở các ngã tư sẽ có hoạt động văn hóa nào đó. Tổ chức lễ hội còn phải đi kèm nhiều sự kiện để du khách tham gia, lưu trú nhiều ngày hơn. Trong lễ hội còn có các buổi diễu hành, giải thưởng ẩm thực, mùa siêu giảm giá, kể cả đua xe thể thao thể thức F1, giải quần vợt nữ thế giới, trình diễn thời trang đường phố, trưng bày mẫu xe mới. Cũng theo ông Glenn Kol, để có thành công cần phải hiểu xu hướng du lịch mới (xu hướng này thường xuyên thay đổi), thuyết phục đối tác chuyên ngành, chia sẻ thông tin đến công chúng minh bạch (để họ tin tưởng), rút kinh nghiệm từ phản hồi.
Việt Nam có khoảng 7.966 lễ hội, trong đó có 7.039 lễ hội dân gian, 332 lễ hội lịch sử, 544 lễ hội tôn giáo, 10 lễ hội du nhập từ nước ngoài. Lễ hội Việt Nam là sự kiện văn hóa được tổ chức mang tính cộng đồng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo