Chứng khoán Việt Nam có cơ hội tăng trưởng nhiều hơn
Phát biểu tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2014 (VIF) diễn ra sáng ngày 19/6, TS. Marc Faber, diễn giả chính tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2014 (VIF 2014) nhận định, trong tương lai, chứng khoán ở khu vực châu Á sẽ có cơ hội tăng trưởng nhiều hơn, trong đó có Việt Nam.
Thực tế cho thấy, kể từ sau khủng hoảng kinh tế (năm 2007) đến nay, Việt Nam là một trong những nước có tỷ trọng xuất khẩu tốt nhất trong khu vực.
Vì thế, các nhà đầu tư sẽ không quan ngại đến vấn đề căng thẳng của Biển Đông mà tiếp tục xem Việt Nam là một thị trường tiềm năng để tìm cơ hội đầu tư. Bởi lợi tức khi đầu tư vào Việt Nam khá hấp dẫn. Một phần, do việc định giá cổ phiếu là khá sát thực.
Cho dù thị trường chứng khoán thời gian gần đây đã có sự điều chỉnh sụt giảm, song theo TS. Marc Faber, đó là sự điều chỉnh trong ngắn hạn.
Theo đánh giá của TS. Marc Faber, Việt Nam sẽ là một trong những thị trường mới nổi phát triển nhất trong vòng 10 năm tới để nhà đầu tư để mắt tới, với điều kiện Chính phủ Việt Nam phải giảm bớt sự can thiệp hành chính đối với nền kinh tế. Đồng thời, Việt Nam cũng phải đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, tạo hàng hóa đa dạng cho thị trường. Đây sẽ là cơ hội tốt cho nhà đầu tư.
TS. Marc Faber cũng đưa ra nhận định, khi tăng trưởng kinh tế giảm xuống thì tăng trưởng tín dụng cũng sẽ giảm theo. Tuy nhiên, nếu khi tín dụng tăng nhanh sẽ tạo ra bong bóng cho thị trường, nhất là với bất động sản. Bởi các doanh nghiệp trước đây vay nợ nhiều sẽ khó có thể thanh toán được khi bong bóng xảy ra và nợ xấu tăng.
"Tất cả các thị trường tài sản đang bị thổi phồng bởi chính sách mở rộng tiền tệ và tín dụng quá mức. Do đó, trong tương lai, giá tài sản có thể xì hơi là điều khó tránh khỏi. Giá trị tương đối sát có thể tồn tại ở một số ít tài sản", TS. Marc Faber cho hay.
Vì thế, một khi tín dụng tăng trưởng nhanh, cần phải có sự kiểm soát chặt chẽ, nếu không sẽ để lại kết quả đau thương trong tương lai. Do đó, việc điều hành chính sách tiền tệ luôn phải được cân nhắc một cách kỹ lưỡng, cả với lãi suất.
Khi chúng ta giảm giá trị đồng tiền (chẳng hạn như Mỹ giảm giá trị đồng đôla Mỹ) vốn sẽ chảy vào bất động sản và các kênh đầu tư khác. Có nghĩa, lãi suất giảm và giá trị đồng tiền giảm thì nguồn vốn sẽ chảy vào các kênh đầu tư khác, chẳng hạn như bất động sản, chứng khoán.
Theo Báo Đầu Tư
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo