Kinh tế số

“Kích hoạt” bệ phóng đổi mới sáng tạo mở cho doanh nghiệp và startup

DNVN - Tại Diễn đàn Lãnh đạo Đổi mới sáng tạo 2023 diễn ra tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia mới đây, các chuyên gia từ nhiều tập đoàn, doanh nghiệp nổi bật tại Việt Nam đã có những chia sẻ về câu chuyện thành công, cũng như những khó khăn, thách thức gặp phải trong quá trình đổi mới sáng tạo.

Tạo thói quen tiêu thụ nông sản có thương hiệu, xuất xứ rõ ràng / Sếp VNG: Doanh thu ngành game Việt Nam đã lên tới 'tỷ đô', vượt xa con số thống kê 500 triệu USD

Trong phần tham luận “Bức tranh và xu hướng Đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp”, bà Đỗ Hà, Phó Tổng giám đốc, lãnh đạo Khối Cơ sở hạ tầng, Chính Phủ và Y tế, lãnh đạo Tư vấn Giải pháp ESG tại KPMG Việt Nam & Campuchia cho rằng, thực trạng đổi mới của doanh nghiệp Việt hiện nay đang xoay quanh vấn đề nguồn lực và kỳ vọng.

Chỉ có 27% nhân viên có kiến thức về đổi mới sáng tạo và 38% doanh nghiệp có ngân sách xác định cho các chương trình đổi mới. Trong khi đó, có đến 45% lãnh đạo các công ty cam kết và đồng hành cùng với đổi mới sáng tạo và 86% công ty mong muốn có những bước chuyển rõ rệt như chuyển đổi hệ thống hoặc tạo ra sản phẩm mới.

Theo bà Hà, để quá trình đổi mới sáng tạo thuận lợi hơn, các doanh nghiệp Việt cũng có thể tham khảo những xu hướng quản trị đổi mới sáng tạo hiện nay trên thế giới như tập trung hơn vào chuyển đổi số, đặt người dùng làm trung tâm, mô hình đổi mới phi tập trung và đổi mới sáng tạo mở.

Các chuyên gia từ nhiều tập đoàn, doanh nghiệp nổi bật tại Việt Nam đã có những chia sẻ về câu chuyện thành công, cũng như những khó khăn, thách thức gặp phải trong quá trình đổi mới sáng tạo. Phiên thảo luận “Đổi mới sáng tạo Mở - Chuyện chưa kể” tiếp tục đào sâu quá trình áp dụng và hợp tác đổi mới sáng tạo mở tại các tập đoàn, doanh nghiệp với các đại diện tiêu biểu như Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, FPT Smart Cloud, Advantech Việt Nam, VinCSS và ADT Global.

Các doanh nghiệp, đơn vị ký kết hợp tác với mục tiêu hiện thực hóa các ý tưởng đột phá trong đổi mới sáng tạo.

Trong khuôn khổ diễn đàn, các đề bài đổi mới sáng tạo từ các doanh nghiệp và tập đoàn đã được đưa ra, cần các doanh nghiệp khởi nghiệp giải đề theo những hướng tiếp cận mới, sáng tạo. Heineken Việt Nam, Viettel, Qualcomm, Nagakawa, Smollan Việt Nam, Kowil Việt Nam, CMC Corporation... là những đơn vị tiên phong công bố đề bài trong dịp này.

Bên cạnh đó, với mục tiêu hiện thực hóa các ý tưởng đột phá trong đổi mới sáng tạo, các biên bản ghi nhớ hợp tác đã được ký kết giữa các đơn vị: NIC, Hiệp hội doanh nghiệp các ngành Công nghiệp hỗ trợ (Hansiba) và Công ty Cổ phần Tập đoàn N&G; Công ty Cổ phần Phát hành sách TP Hồ Chí Minh (FAHASA) và Công ty TNHH Palexy; Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) và Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Công nghệ Smart Loyalty; Công ty Cổ phần Viễn thông FPT và Công ty Cổ phần Rogo Solutions. Đây là cái “bắt tay” chính thức giữa các đơn vị nhà nước và doanh nghiệp, tập đoàn để tạo đột phá, đánh dấu một mô hình hợp tác đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Đồng thời, diễn đàn đã giới thiệu ấn phẩm Sổ tay Đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp do NIC và BambuUP phối hợp thực hiện, đem đến những định hướng chiến lược, lời khuyên hữu ích để các doanh nghiệp, tập đoàn, công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hiệu quả, khai thác tối ưu các nguồn lực và hợp tác tích cực.

Bà Nguyễn Hương Quỳnh - Giám đốc điều hành BambuUP cho biết: “Sự thành công của Diễn đàn Lãnh đạo Đổi mới sáng tạo là minh chứng cho sức mạnh của đổi mới sáng tạo mở bằng cách kết nối tập đoàn và các doanh nghiệp khởi nghiệp, chúng ta có thể tạo ra bệ phóng cho những giải pháp bứt phá trong tương lai. Đồng thời, khi các chủ thể trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo sẵn sàng chia sẻ nguồn lực để cùng đi lên, sẽ có thêm nhiều thay đổi ngoạn mục trong đa ngành, nghề và sự phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam".

Phương Hà
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo