Kinh tế số

AI có chủ quyền tăng cường năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế số Việt Nam

DNVN - Trí tuệ nhân tạo (AI) đang trở thành một trong những yếu tố quan trọng quyết định năng lực cạnh tranh của các quốc gia. Xây dựng hệ sinh thái AI có chủ quyền không chỉ giúp bảo vệ lợi ích quốc gia mà còn là chìa khóa để tăng cường năng suất lao động, nâng cao khả năng tự động hóa và tạo ra những giá trị thực cho nền kinh tế số.

Phát triển tài năng trẻ kinh tế số / Tạo động lực, thúc đẩy ngành công nghiệp công nghệ số phát triển

Đối với lĩnh vực này, ông Lê Hồng Việt - CEO FPT Smart Cloud, khi tham gia sự kiện AI4VN 2024 cho rằng AI có chủ quyền gồm 5 trụ cột lớn: Hạ tầng, dữ liệu, nền tảng công nghệ, nguồn nhân lực và hệ sinh thái doanh nghiệp. Cũng trong khuôn khổ sự kiện này, đề cập đến những thách thức cần vượt qua, Tiến sĩ Trần Thế Trung - Phó Giám đốc Khối sản phẩm AI, FPT Smart Cloud, Viện trưởng Viện nghiên cứu công nghệ FPT nhận định: AI, đặc biệt là AI tạo sinh là công nghệ cần năng lực hạ tầng tính toán lớn hơn rất nhiều so với AI truyền thống và đây là rào cản của các doanh nghiệp Việt Nam khi tiếp cận công nghệ này.

FPT đã đầu tư nghiên cứu về AI từ 10 năm trước, đến nay Tập đoàn đã phát triển hệ sinh thái các giải pháp ứng dụng AI tạo sinh dành cho doanh nghiệp, giúp tạo ra đột phá nâng cao hiệu suất làm việc và năng lực của nhân viên, tối ưu vận hành và tăng sức cạnh tranh của tổ chức.

Hệ sinh thái này đã được giới thiệu tại sự kiện AI4VN 2024. FPT cũng cho thấy quyết tâm của Tập đoàn trong việc tự lực về hạ tầng, làm chủ dữ liệu, đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển AI, sẵn sàng cam kết thúc đẩy AI có chủ quyền tại Việt Nam. Đơn cử như tháng 3 vừa qua, doanh nghiệp này đã đầu tư 200 triệu USD hợp tác cùng NVIDIA xây dựng AI Factory.

Hệ sinh thái giải pháp AI tạo sinh của FPT tại sự kiện AI4VN.

Ông Phùng Việt Thắng, Giám đốc Quốc gia Việt Nam, Khối Kinh doanh, Marketing và Truyền thông, Tập đoàn Intel đánh giá: Sự phát triển không ngừng của công nghệ AI mang đến cho Việt Nam cơ hội lớn để nâng cao sức cạnh tranh toàn diện.

Trong hoạt động ứng dụng, những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp Việt đã bắt đầu đưa AI vào quản trị và điều hành để chuẩn bị cho một tương lai với AI đóng vai trò trọng tâm. Tuy nhiên thực tế số doanh nghiệp triển khai AI một cách nghiêm túc và toàn diện vẫn còn khiêm tốn. Câu hỏi đặt ra là với thực trạng như vậy, liệu chúng ta có đạt mục tiêu như Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 kỳ vọng là Việt Nam nằm trong nhóm 4 nước dẫn đầu trong khu vực ASEAN, nhóm 50 nước hàng đầu thế giới về nghiên cứu, phát triển, ứng dụng AI.

Do đó, để thực hiện được mục tiêu này cũng như đáp ứng xu thế tất yếu của nền kinh tế số, việc thúc đẩy AI có chủ quyền, phát triển, ứng dụng AI đi vào thực chất là hoạt động cần thiết và cần được đẩy mạnh. Đó sẽ là nền móng vững chắc để tăng cường năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế Việt Nam, là tiền đề để các doanh nghiệp Việt vững bước phát triển trong quá trình chuyển đổi số.

Bài viết được hỗ trợ thực hiện bởi Kế hoạch “Hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025” do UBND thành phố Hà Nội ban hành tại Quyết định số 3457/QĐ-UBND ngày 23/9/2022.

Doanh nghiệp có thể tham gia tự đánh giá trực tuyến mức độ sẵn sàng chuyển đổi số tại đây.

Hồng Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo