Cần có cơ chế khuyến khích lợi ích kinh tế trong thanh toán điện tử
DNVN - Đưa ra khuyến nghị nhằm đẩy mạnh hoạt động thanh toán điện tử tại Việt Nam, TS. Lương Văn Hải - Trường Đại học Mở Hà Nội khuyến nghị cần có cơ chế, chính sách để khuyến khích về lợi ích kinh tế cho hoạt động này.
Thanh toán điện tử - “Trận địa” nóng nhất hiện nay tại thị trường Việt Nam / Chi trả lương hưu, trợ cấp xã hội qua thanh toán điện tử từ năm 2023
Giao dịch mua bán việc sử dụng tiền mặt vẫn khá phổ biến
Theo TS. Lương Văn Hải, sự phát triển nhanh chóng của Internet và thương mại điện tử ở Việt Nam thời gian qua, đã tác động rất lớn đến sự phát triển của hình thức thanh toán điện tử. Nhờ sự phát triển của hình thức thanh toán điện tử, đã làm cho các giao dịch thanh toán hàng hóa, dịch vụ ở trong và ngoài nước trở nên nhanh hơn, tiện lợi hơn và an toàn hơn.
Tuy nhiên, trong các giao dịch mua bán việc sử dụng tiền mặt vẫn khá phổ biến. Vì vậy, vấn đề đặt ra cho Nhà nước và hệ thống ngân hàng Việt Nam cần phải làm gì để hoạt động thanh toán điện tử được diễn ra mạnh mẽ và phổ biến hơn.
Các giao dịch mua bán việc sử dụng tiền mặt vẫn khá phổ biến.
Hiện có 4 hình thức thanh toán điện tử được sử dụng phổ biến nhất tại Việt Nam, bao gồm: Thanh toán bằng thẻ; thanh toán qua ví điện tử; thanh toán bằng điện thoại thông minh; sử dụng cổng thanh toán điện tử.
Lợi ích chung của hình thức thanh toán điện tử giúp quá trình mua bán hàng hóa và thanh toán trở nên dễ dàng hơn, góp phần hoàn thiện và phát triển thương mại điện tử (TMĐT), làm cho hoạt động của các trang mua bán qua mạng hoạt động trơn tru và đơn giản hơn.
Đồng thời, đảm bảo quyền lợi cho các bên tham gia và giảm thiểu những rủi ro thanh toán bằng tiền mặt, như: Thất thoát, thiếu tiền, quên ví,...đặc biệt là đối với những giao dịch có giá trị lớn.
Tuy nhiên, TS. Lương Văn Hải chỉ rõ, quá trình đẩy mạnh hoạt động thanh toán điện tử đang gặp nhiều khó khăn, thách thức xuất phát từ bốn lý do.
Thứ nhất, do thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân Việt Nam. Chính điều này đã làm cho thanh toán điện tử trong thương mại điện tử còn thấp, việc sử dụng tiền mặt vẫn còn khá phổ biến trong các giao dịch của người dân, nhất là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Thứ hai, tâm lý e ngại khi tiếp cận với công nghệ thanh toán mới, cũng như lo ngại về an ninh, an toàn khi sử dụng các phương thức thanh toán điện tử. Việc ứng dụng mạnh mẽ những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng là một trở ngại lớn đối với người dân khi tiếp xúc với những công nghệ mới này, do người dân không thường xuyên tiếp xúc, khả năng hiểu biết về công nghệ còn hạn chế hoặc thông tin hướng dẫn dài dòng khó hiểu…Đặc biệt, tội phạm về công nghệ cao ngày càng tăng, số vụ tấn công vào hệ thống ngân hàng ngày càng nhiều.
Thứ ba, hành lang pháp lý về lĩnh vực thanh toán điện tử chưa hoàn thiện. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, sự tham gia ngày càng nhiều của các công ty Fintech và quá trình hội nhập sâu rộng của nền kinh tế nước ta đòi hỏi phải xây dựng và hoàn thiện ngay các quy định pháp luật về quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát hệ thống thanh toán điện tử, các phương tiện, dịch vụ thanh toán điện tử mới, vừa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, đổi mới, sáng tạo, vừa đảm bảo thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước.
Thứ tư, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng tốt và đầy đủ cho thanh toán điện tử. Mặc dù các ngân hàng đã đầu tư mạnh để phát triển mạng lưới, khách hàng nhưng chủ yếu tập trung tại khu vực thành thị, hướng tới người dân có thu nhập cao, có tài khoản ngân hàng, nên các hệ thống thanh toán hiện chưa phổ cập tới các vùng miền. Hạ tầng thanh toán điện tử trên di động, như: Hóa đơn điện, nước, truyền hình, điện thoại, Internet, bảo hiểm, tài chính cá nhân, hành chính công... đã được triển khai nhưng phạm vi chưa tương xứng với tiềm năng thị trường. Chính vì vậy, hệ thống thanh toán điện tử ở Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tăng nhanh của người dùng.
Cần cơ chế, chính sách khuyến khích về lợi ích kinh tế trong thanh toán điện tử
Từ những khó khăn trên, TS. Lương Văn Hải khuyến nghị: Nhằm đẩy mạnh hoạt động thanh toán điện tử tại Việt Nam, Nhà nước cần xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý quy định bắt buộc về thanh toán điện tử đối với khu vực nhà nước và dịch vụ hành chính công.
Cần có chính sách khuyến khích đối với các tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước tham gia thanh toán điện tử. Nhà nước cũng cần xây dựng và ban hành một chính sách phù hợp nhằm khuyến khích sự tham gia của các tổ chức trung gian thanh toán, nhưng cần đảm bảo được sự an toàn, chính xác, minh bạch trong giao dịch.
Cần cơ chế, chính sách khuyến khích về lợi ích kinh tế trong thanh toán điện tử.
Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ trao đổi, bàn cách phối hợp đồng bộ, hiệu quả trên mọi khía cạnh từ cơ chế, chính sách, mô hình kết nối, các tiêu chuẩn nghiệp vụ, tiêu chuẩn công nghệ… trong lĩnh vực thanh toán điện tử. Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng các giải pháp về công nghệ nhằm đảm bảo an toàn, an ninh mạng cho hệ thống ngân hàng, nhất là hệ thống thanh toán điện tử, hạn chế tới mức thấp nhất sự xâm nhập của kẻ xấu.
“Ngân hàng Nhà nước cần xây dựng và hoàn thiện ngay các văn bản pháp lý về quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát hệ thống thanh toán điện tử, các phương tiện, dịch vụ thanh toán mới, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, đổi mới, sáng tạo và đảm bảo đầy đủ chức năng quản lý nhà nước; ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích về lợi ích kinh tế trong thanh toán điện tử”, TS. Lương Văn Hải nhấn mạnh.
Đồng thời, theo chuyên gia Trường Đại học Mở Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo các ngân hàng đầu tư tăng mật độ các điểm giao dịch ATM (máy rút tiền tự động) và POS (máy bán hàng chấp nhận thẻ ngân hàng để thanh toán hóa đơn dịch vụ) ở khu vực thành thị, mở rộng mạng lưới thanh toán điện tử, khách hàng ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Yêu cầu các ngân hàng sớm hoàn thành kế hoạch chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip tại Việt Nam. Khuyến khích các ngân hàng tham gia triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet Banking và Mobile Banking.
Ngoài ra, các ngân hàng cần tăng sự đầu tư vào công nghệ mới, mở rộng hợp tác với các công ty Fintech để có những sản phẩm, dịch vụ thanh toán điện tử phù hợp với mọi người dân trong cả nước, đảm bảo an ninh, an toàn cho cả ngân hàng và người tham gia.
Tăng cường hoạt động quảng cáo, tuyên truyền, giải thích cho người dân thấy được sự tiện lợi và lợi ích khi sử dụng hình thức thanh toán điện tử, đồng thời có chính sách thu phí giao dịch thanh toán điện tử phù hợp nhất để khuyến khích người dân tham gia.
Hà Anh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo